Theo đánh giá của Cty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), thì ngành thương mại điện tử Việt Nam lọt top 6 trong 10 thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới năm 2018. Tiếp đà tăng trưởng mạnh mẽ đó, dự báo năm 2019 sẽ là năm sôi động cho toàn ngành thương mại điện tử Việt Nam. Theo ước tính thì Việt Nam có trên 50 triệu người dùng internet, chiếm hơn 50% dân số, và con số được dự báo sẽ ngày một tăng hơn. Số người dùng internet được xem là ở mức cao trên thế giới, tuy nhiên tỉ lệ người dùng vẫn ở mức trung bình. Việt Nam có đến 46 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm 48% dân số.

Theo khảo sát của Cục Thương mại điện tử và công nghệ có 10% số người tham gia khảo sát cho biết, thời lượng sử dụng internet mỗi ngày là dưới 3 giờ. 36% số người tham gia khảo sát sử dụng internet từ 3 - 5 giờ mỗi ngày. Máy tính xách tay và ĐTDĐ tiếp tục là phương tiện phổ biến nhất được người truy cập internet sử dụng, với tỷ lệ tương ứng là 75% và 65%. Số lượng người dân truy cập internet qua các thiết bị khác như máy tính bảng cũng tăng mạnh.

Trong một báo cáo nghiên cứu của Cty TNHH CBRE Việt Nam, được thực hiện thông qua ghi nhận ý kiến khoảng 1.000 người tại TP HCM và Hà Nội, 25% người tiêu dùng được khảo sát dự định sẽ giảm tần suất mua sắm tại cửa hàng thực tế. Trong khi đó, 45-50% cho rằng, sẽ mua sắm trực tuyến thông qua máy tính để bàn/máy tính xách tay hay điện thoại thông minh/máy tính bảng, thường xuyên hơn trong tương lai.

de thuong mai dien tu phat trien dung huong
Thương mại điện tử đang làm thay đổi tư duy của hoạt động thương mại truyền thống với không ít tiện ích mà nó mang lại trong thời đại công nghệ số. Ảnh minh họa

Cùng với đó sự phát triển của các trang mạng mua sắm điện tử cũng là minh chứng rõ nhất cho việc phát triển đa dạng của hoạt động thương mại điện tử. Tiêu biểu có thể kể đến Shopee trang mạng mua sắm này đã vươn lên vị trí dẫn đầu, với 123,2 triệu lượt truy cập, trở thành sàn thương mại điện tử có lượng khách hàng truy cập lớn của Việt Nam. Tiki giữ vị trí số 2 với 107,9 triệu lượt truy cập trong quý 4-2018; kế đến là sàn Lazada với 97,6 triệu lượt; trang Thế giới di động có 88,3 triệu lượt, sàn Sendo bám sát sau đó với 76,2 triệu lượt. Đáng chú ý, cả 4 sàn thương mại điện tử Việt Nam đã chính thức lọt vào top 10 trang thương mại điện tử có lượng truy cập cao nhất Đông Nam Á trong năm 2018.

Qua kết quả khảo sát cho thấy, các DN đã bắt đầu sử dụng thương mại điện tử nhiều hơn, số lượng các đơn hàng thương mại điện tử tăng rất mạnh, ước tính khoảng 60%/năm. Hơn nữa, không chỉ các nhà bán lẻ, các DN sản xuất cũng đang bắt đầu tham gia vào thị trường thương mại điện tử. Doanh thu bán lẻ hàng hóa qua các kênh thương mại điện tử những năm gần đây chiếm 3,4-3,7% so với tổng giá trị bán lẻ hàng hóa, chứng tỏ tốc độ bán lẻ hàng hóa qua các kênh thương mại điện tử ngày càng tăng.

Nằm trong khu vực được đánh giá là phát triển năng động nhất về thương mại điện tử trên thế giới, Việt Nam có cả những thuận lợi và thách thức. Các xu hướng phát triển của thương mại điện tử Việt Nam thời gian tới sẽ không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới. Đặc biệt cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ khởi nguồn những hình thái ứng dụng thương mại điện tử mới trong thời gian tới.

Do vậy, trong thời gian tới, để hoạt động thương mại điện tử phát triển vững chắc thì phải cần hoàn thiện môi trường pháp lý, thông qua việc ban hành và thực thi các đạo luật và các văn kiện dưới luật điều chỉnh các hoạt động thương mại, thích ứng với pháp lý và tập quán quốc tế về giao dịch thương mại điện tử. Trên cơ sở rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới chính sách, khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách cho phát triển thanh toán điện tử nhằm tăng cường lòng tin của người sử dụng và giới DN vào hệ thống thanh toán điện tử…

Theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) thì thương mại điện tử có nhiều tác động tích cực nhưng cũng dễ bị tin tặc phát tán virus, tấn công vào các website; Phát tán thư điện tử, tin nhắn rác; đánh cắp tiền từ các thẻ ATM… Đối với các DN và các sàn thương mại điện tử, cần tăng cường an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin thanh toán điện tử. Nếu có nền tảng công nghệ chắc chắn và ổn định, người dùng dễ tiếp cận hơn thì chắc chắn rào cản cho thương mại điện tử sẽ được thu hẹp.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, muốn phát triển thương mại điện tử, ngoài việc đòi hỏi phải có một đội ngũ chuyên gia tin học mạnh, thường xuyên bắt kịp các thành tựu công nghệ thông tin mới phát sinh, có khả năng thiết kế các phần mềm đáp ứng các nhu cầu của kinh tế số hóa, cũng đòi hỏi mỗi người tham gia thương mại điện tử phải có khả năng sử dụng máy tính, có thể trao đổi thông tin một cách thành thạo trên mạng, có những hiểu biết cần thiết về thương mại, luật pháp…

Bởi vậy, cần đào tạo các chuyên gia tin học và phổ cập kiến thức về thương mại điện tử không những cho các DN, các cán bộ quản lý của Nhà nước mà cho cả mọi người dân. Ngoài ra cần chủ động hợp tác về thương mại điện tử với các quốc gia và các tổ chức quốc tế thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới và thương mại phi giấy tờ… Nếu thực hiện được đồng bộ các giải pháp thì kỳ vọng về một thị trường thương mại điện tử phát triển bền vững sẽ là một điều không phải khó thực hiện.

Nguyễn Đăng

 

Theo phapluatxahoi.vn