Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2018/TT-BGTVT ngày 15-5-2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn đối với các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; nội dung, chương trình đào tạo chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; điều kiện, nội dung, quy trình sát hạch và cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lái tàu trên đường sắt và Thông tư số 07/2020/TT-BGTVT ngày 12-3-2020 của Bộ Giao thông vận tải.

Theo đó, việc cấp giấy phép lái tàu cho các lái tàu đầu tiên trên các tuyến đường sắt đô thị mới đưa vào khai thác, vận hành có công nghệ lần đầu sử dụng tại Việt Nam được đề xuất cụ thể như sau:

Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị có nhu cầu cấp giấy phép lái tàu nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc các hình thức phù hợp khác đến Cục Đường sắt Việt Nam.

Cục Đường sắt Việt Nam tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ. Nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì Cục Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện lại ngay trong ngày làm việc đầu tiên (đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp) hoặc hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ sau 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ (đối với trường hợp nhận hồ sơ qua đường bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác).

Trường hợp hồ sơ đầy đủ, Cục Đường sắt Việt Nam quyết định thành lập Hội đồng đánh giá cấp giấy phép lái tàu. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả đánh giá cấp giấy phép lái tàu và đề xuất, kiến nghị của Hội đồng đánh giá cấp giấy phép lái tàu, Cục Đường sắt Việt Nam thực hiện cấp giấy phép lái tàu cho những người được Hội đồng đánh giá cấp giấy phép lái tàu đề nghị. Trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy phép lái tàu thì Cục Đường sắt Việt Nam có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lái tàu bao gồm:

1- Văn bản đề nghị cấp giấy phép lái tàu của doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị theo mẫu quy định tại Phụ lục XVI ban hành kèm theo Thông tư này;

2- Đơn đề nghị cấp giấy phép lái tàu theo mẫu quy định tại Phụ lục XVII ban hành kèm theo Thông tư này, 03 ảnh màu cỡ 3x4cm chụp trong thời hạn không quá 06 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ;

Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn sức khỏe lái tàu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;

3- Xác nhận của doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị hoặc Chủ đầu tư hoặc đại diện Chủ đầu tư dự án đối với nhân sự được đề nghị cấp giấy phép lái tàu đã trực tiếp điều khiển đoàn tàu bảo đảm an toàn trong quá trình vận hành thử toàn hệ thống của Dự án theo quy định tại Phụ lục XVIII Thông tư này; xác nhận của doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị đối với nhân sự được đề nghị cấp giấy phép lái tàu đã được bồi dưỡng kiến thức pháp luật về đường sắt đô thị do cơ sở đào tạo có thẩm quyền thực hiện theo quy định tại Phụ lục XIX ban hành kèm theo Thông tư này;

4- Bản sao hợp lệ: Biên bản nghiệm thu đạt yêu cầu hạng mục đào tạo nhân lực vận hành khai thác dự án đường sắt đô thị chuyên ngành lái tàu theo hợp đồng của dự án kèm theo danh sách nhân sự được đề nghị cấp giấy phép lái tàu; giấy Chứng nhận an toàn hệ thống hoặc giấy Chứng nhận hệ thống quản lý an toàn vận hành; bằng hoặc chứng chỉ chuyên ngành phương tiện giao thông đường sắt đô thị do cơ sở đào tạo cấp thông qua quá trình đào tạo, chuyển giao công nghệ của dự án.

Dự thảo nêu rõ, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam thành lập Hội đồng đánh giá cấp giấy phép lái tàu đường sắt đô thị. Thành phần của Hội đồng này có từ 05 đến 07 thành viên bao gồm: Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam hoặc người được Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam ủy quyền; Phó Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị có nhân sự đề nghị cấp giấy phép lái tàu; ủy viên của hội đồng gồm: Cục Đường sắt Việt Nam, Chủ đầu tư hoặc đại diện Chủ đầu tư dự án đường sắt đô thị, các chuyên gia khác do doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị đề nghị.

Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng đánh giá cấp giấy phép lái tàu đường sắt đô thị: Hội đồng chỉ làm việc khi có mặt Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng và đạt tối thiểu 80% tổng số ủy viên của Hội đồng; kết luận đánh giá của Hội đồng chỉ có hiệu lực khi được ít nhất 80% tổng số thành viên có mặt nhất trí; Hội đồng tự giải thể khi hoàn thành nhiệm vụ.

Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Hội đồng đánh giá cấp Giấy phép lái tàu đường sắt đô thị: Kiểm tra, xem xét, đánh giá tính hợp lệ và các nội dung của hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lái tàu theo quy định của Thông tư này; lập Biên bản làm việc của Hội đồng theo mẫu quy định tại Phụ lục XX và tổng hợp, báo cáo kết quả đánh giá cấp giấy phép lái tàu và đề xuất, kiến nghị Cục Đường sắt Việt Nam cấp hoặc không cấp giấy phép lái tàu theo mẫu quy định tại Phụ lục XXI ban hành kèm theo Thông tư này. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thành lập, Hội đồng đánh giá cấp giấy phép lái tàu phải có báo cáo kết quả đánh giá cấp giấy phép lái tàu và đề xuất, kiến nghị Cục Đường sắt Việt Nam cấp hoặc không cấp giấy phép lái tàu. Trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy phép lái tàu phải nêu rõ lý do; các thành viên của Hội đồng chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả đánh giá cấp giấy phép lái tàu đường sắt đô thị.

Dự thảo đề xuất điều kiện để được cấp giấy phép lái tàu trên các tuyến đường sắt đô thị mới đưa vào khai thác, vận hành có công nghệ lần đầu sử dụng tại Việt Nam bao gồm:

1- Có độ tuổi theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 36 Luật Đường sắt (Có độ tuổi từ đủ 23 tuổi đến 55 tuổi đối với nam, từ đủ 23 tuổi đến 50 tuổi đối với nữ).

2- Có đủ hồ sơ theo quy định (*) trên.

3- Nhân sự được doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị hoặc Chủ đầu tư hoặc đại diện Chủ đầu tư dự án đánh giá đạt yêu cầu khi trực tiếp điều khiển đoàn tàu bảo đảm an toàn trong thời gian vận hành thử toàn hệ thống;

4- Được Hội đồng đánh giá cấp giấy phép lái tàu đề nghị Cục Đường sắt Việt Nam cấp giấy phép lái tàu.

Theo Pháp luật xã hội

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/de-xuat-dieu-kien-cap-giay-phep-lai-tau-duong-sat-do-thi-223666.html