Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, trong đó có cơ chế tạo nguồn để thực hiện tiền lương, trợ cấp trong năm 2021.
Theo dự thảo, các bộ, cơ quan trung ương trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước được giao, thực hiện phân bổ dự toán đến đơn vị sử dụng ngân sách đảm bảo các đơn vị được cân đối đủ nguồn thực hiện mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng. Ngân sách trung ương không bổ sung ngoài dự toán cho các Bộ, cơ quan trung ương thực hiện nhiệm vụ này.
Đồng thời, khi phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc phải xác định dành tiết kiệm 10% chi thường xuyên năm 2021 tăng thêm để thực hiện tiền lương, đảm bảo không thấp hơn mức Bộ Tài chính giao.
Dự thảo Thông tư cũng nêu rõ: Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ cho các địa phương không cân đối được nguồn để thực hiện các chính sách về tiền lương theo mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng.
Theo dự thảo Thông tư, nguồn thực hiện tiền lương năm 2021 của các địa phương bao gồm: 70% tăng thu ngân sách địa phương năm 2020 thực hiện so với dự toán, (không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết; phí tham quan các khu di tích, di sản thế giới; phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu…); 50% tăng thu ngân sách địa phương dự toán các năm 2018, 2019, 2020, 2021.
Nguồn thực hiện tiền lương năm 2021 cũng bao gồm 50% kinh phí ngân sách địa phương giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập; nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2020 chưa sử dụng hết chuyển sang; 10% tiết kiệm chi thường xuyên theo Quyết định giao dự toán năm 2021.
Ngoài ra, các địa phương sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2021. Riêng đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế công lập sử dụng tối thiểu 35%.