Tín dụng đen vẫn hoành hành trên cả nước

Gần đây, dù cơ quan chức năng đã cảnh báo và bắt giữ rất nhiều nhóm đối tượng vi phạm nhưng các tổ chức hoạt động tín dụng đen vẫn tiếp tục hoành hành trên cả nước. Như báo chí đã thông tin, cuối tháng 1/2019, Công an Hà Nội đã triệt phá được ổ nhóm tội phạm “tín dụng đen” lớn nhất từ trước tới nay, thu giữ hơn 10 tỷ đồng, 3 xe ô tô Mercedes cùng nhiều tài sản, giấy tờ, tang vật các loại…

Tín dụng đen' hoành hành như xã hội đen. (Ảnh minh hoạ)

Tín dụng đen vẫn hoành hành trên cả nước như xã hội đen. (Ảnh minh hoạ)

Cách đó không lâu, Công an tỉnh Gia Lai cũng triệt phá đường dây tín dụng đen “núp bóng” là Cty TNHH Nhất Tín. Sau khi khám phá đường dây này, lực lượng chức năng đã tiến hành khởi tố, bắt tạm giam 7 đối tượng có hành vi cho vay nặng lãi. Được biết, các đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi với lãi suất lên tới 144% một năm…

Nhiều người vẫn nhắc tới vụ việc đầu tháng 1-/2019, Công an TP Thanh Hóa đã phải huy động hàng trăm cảnh sát đồng loạt truy quét 32 điểm kinh doanh “tín dụng đen” cho vay với lãi suất cắt cổ, khởi tố, bắt giam nhiều đối tượng.

Giới chuyên môn nhận định, tín dụng đen có chiều hướng phức tạp, các giao dịch diễn ra kín đáo, bí mật. Đối tượng dùng nhiều thủ đoạn ép buộc, thỏa thuận với người vay viết giấy không ghi lãi suất hoặc yêu cầu người vay viết giấy nhận tiền để lo công việc nhằm chuyển hướng sang giao dịch dân sự, gây khó khăn trong công tác điều tra và xử lý.

Làm sao để giải quyết dứt điểm tín dụng đen?

PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi - nguyên Phó Giám đốc Học viện Tài chính

PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi - nguyên Phó Giám đốc Học viện Tài chính (bên trái).

Trong một hội thảo về thực trạng tín dụng gần đây, các chuyên gia kinh tế, để giải quyết dứt điểm tình trạng tín dụng đen nhất thiết cần phải có một chiến lược tài chính nhằm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính thức qua ngân hàng, công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân... Đặc biệt, nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu vốn của xã hội, cần mở rộng và phát triển mạnh mẽ hệ thống tổ chức tín dụng phi ngân hàng bao gồm công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân...

PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi - nguyên Phó Giám đốc Học viện Tài chính chia sẻ, kinh nghiệm từ sự phát triển của thị trường tín dụng tiêu dùng tại nhiều quốc gia đều cho thấy với sự hiện diện của công ty tài chính sẽ giúp thị trường tài chính tiêu dùng phát triển tích cực và lành mạnh hơn, hướng khách hàng đến một kênh tài chính chính thống có sự quản lý của Nhà nước.

“Nếu không có kênh vay vốn này, nhiều người trong số họ do không đủ điều kiện tiếp cận vốn vay từ các NHTM sẽ phải tìm đến kênh cho vay nặng lãi, không được pháp luật bảo hộ, dẫn đến nhiều hệ lụy về kinh tế và xã hội”- bà Mùi phân tích.

Bà Mùi cho biết thêm, để góp phần đẩy lùi tín dụng đen, trước hết cần có giải pháp để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân và doanh nghiệp. Sự phát triển mạnh mẽ của các công ty tài chính ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu tài chính của người dân chính là giải pháp quan trọng để đẩy lùi “tín dụng đen”.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là các định chế như công ty tài chính cần được phát triển như thế nào?

Giải đáp vấn đề này, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, cần chú trọng hành lang pháp lý để quản lý các hình thức cho vay mới, tránh biến tướng dẫn đến rủi ro. Trong đó, liên quan tới một nội dung được nhiều người quan tâm là lãi suất cho vay, cũng theo ông Lực, không nên áp trần lãi suất.

“Trong hệ thống ngân hàng bên cho vay và bên vay đã có thỏa thuận về lãi suất. Nếu cho vay tiêu dùng áp trần lãi suất 20% trong điều kiện rủi ro sẽ không ai dám cho vay, tức vô hình trung bóp nghẹt cho vay tiêu dùng. Thực tế ở Anh cũng đã chứng minh áp trần lãi suất làm méo mó hoạt động cho vay tiêu dùng”, ông Lực nhấn mạnh.

Theo Khánh Vy/Đô Thị Mới