Lý do "tín dụng đen" vẫn bành trướng

Có thể nói, chưa bao giờ, cụm từ "tín dụng đen" lại trở nên nhức nhối như vậy khi hàng loạt các đường dây cho vay nặng lãi được công bố trên phương tiện thông tin đại chúng. Không dừng lại ở đó, rất nhiều những câu chuyện thương tâm về hệ lụy của việc vay tín dụng đen mà điển hình như trả tiền chậm hoặc mất khả năng thanh toán, nạn nhân đi vay phải đối mặt với tình trạng nguy hiểm đến tính mạng bởi hình thức đòi nợ thuê mang tính "khủng bố".

Những năm trở lại đây, hoạt động của "tín dụng đen" lại ngày càng có xu hướng "bành trướng" và nở rộ.

Điều đáng nói, "tín dụng đen" có bản chất là một hình thức cho vay nặng lãi nhưng đi kèm với nó là phương thức đòi nợ không theo pháp luật. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, hoạt động của "tín dụng đen" lại ngày càng có xu hướng "bành trướng" và nở rộ. Theo thống kê, quy mô tín dụng đen đang chiếm khoảng 30 – 35% tổng tín dụng phi chính thức, tương đương khoảng 400 - 500 ngàn tỷ đồng. Dù quy mô không lớn song hệ lụy mà tín dụng đen để lại là vô cùng lớn.

Với khả năng len lỏi vào cuộc sống của người dân, tín dụng đen đã trở thành mối đe dọa đến tính an toàn cho các gia đình đi vay nặng lãi và cả toàn xã hội.

Trao đổi với phóng viên, ĐBQH Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhận định: "Tín dụng đen đang ngày càng trở nên nhức nhối. Dù xuất hiện cách đây rất lâu nhưng đến hiện tại, vấn nạn này ngày càng trở nên nở rộ".

Phân tích về lý do khiến hình thức cho vay "cắt cổ" này ngày càng bành trướng, ĐBQH Bùi Văn Xuyền chỉ ra 2 nguyên nhân: "Thứ nhất, quản lý hoạt động cho vay cùng những hình thức biến tướng như cầm đồ… vẫn chưa chặt chẽ, đầy đủ và rõ ràng. Điều này dẫn tới tình trạng một số đối tượng bị lợi dụng, tham gia vào đường dây "tín dụng đen". Bên cạnh đó, sự giáp ranh giữa xử lý dân sự, hành chính và hình sự vẫn còn chưa rõ, gây khó khăn cho các cơ quan chứ năng khi điều tra và xử phạt.

Thứ hai, nhu cầu vay vốn của người dân lớn nhưng thủ tục vay vốn của các ngân hàng thương mại rất chặt chẽ. Trong khi đó, "tín dụng đen" lại giải quyết nhu cầu về tiền của người dân nhanh chóng. Điều này khiến những người dân có nhu cầu về tiền gấp như ốm đau, trả nợ do cờ bạc… thì tín dụng đen lại là lựa chọn lúc đó".

Ở góc độ phân tích khác, TS. Luật sư Bùi Quang Tín, cho rằng, hoạt động của tín dụng đen đã mang lại khoản lợi nhuận rất lớn, trên 100%/năm, thậm chí vài trăm %/năm. Đây cũng là lý do khiến thị trường "tín dụng đen" ngày càng phát triển mạnh trong thời điểm các biện pháp xử lý về pháp luật vẫn còn chưa nghiêm minh.

Các gói tín chấp từ ngân hàng: Có đủ lực đẩy lùi "tín dụng đen"?

Rõ ràng, với những hệ lụy mà "tín dụng đen" đang để lại, bài toán đặt ra buộc cơ quan chức năng phải đưa ra các biện pháp nhằm đẩy lùi vấn nạn này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, để giải bài toán này vẫn còn đặt ra nhiều e ngại về tính khả thi.

Mới đây nhất, ngành ngân hàng đã bắt đầu "tuyên chiến" với "tín dụng đen". Cụ thể, tại hội nghị ngành ngân hàng ở Tp. Hồ Chí Minh diễn ra hồi cuối tháng 1, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, gói tín dụng 5.000 tỷ đồng được giao cho Ngân hàng Agribank sẽ có thủ tục đơn giản tối đa nhằm giúp người dân, nhất là những người có thu nhập thấp, nông dân ở vùng sâu vùng xa, có nhu cầu vay vốn không phải tìm tới tín dụng đen. Điểm đáng chú ý của gói tín dụng này đó là có thế mạnh như cho vay không thế chấp và thời gian vay vốn nhanh chóng theo tiêu chí "sáng vay, chiều giải ngân".

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn quan ngại cho rằng, các gói tín dụng tín chấp từ phía ngân hàng khó tạo ra được lực đẩy rõ rệt đối với tín dụng đen. Phân tích thêm về vấn đề này, ĐBQH Bùi Văn Xuyến cho rằng: "Thực tế trước đó đã có nhiều gói vay tín chấp dành cho người dân. Thông qua các tổ chức xã hội như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân…, những thành viên tham gia hội đều có cơ hội tiếp cận vay vốn. Quy định này cũng giới hạn các đối tượng được vay vốn trong khi các đối tượng vay "tín dụng đen" rất đa dạng. Ngoài ra, nhu cầu về vốn của người dân vẫn còn rất lớn nhưng gói tín dụng tín chấp chỉ giải quyết có giới hạn về lượng tiền vay. Bên cạnh đó, các gói vay tín chấp dù đã triển khai nhưng chưa phủ kín trên diện rộng".

Trong khi đó theo nhận xét của TS. Phan Minh Ngọc (Giám đốc Intelligence Service Partners - Singapore), nếu xét đến quy mô gói 5.000 tỷ đồng so với nhu cầu "vay nóng" của người dân, cho mục đích cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp, con số này vẫn chưa thấm vào đâu.

"Về nguyên tắc, nếu muốn dùng tín dụng ngân hàng để chống "tín dụng đen" thì cần phải tăng quy mô gói tín dụng này lên nhiều lần nữa để đáp ứng mọi nhu cầu tín dụng "nóng" của người dân, làm cho giới cho vay nặng lãi "thất nghiệp". Ngược lại, nếu không thực hiện được việc này thì "tín dụng đen" chắc chắn vẫn có đất sống", TS. Phan Minh Ngọc phân tích.

Nếu như chính sách mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra vẫn còn chưa đủ lực đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen, thì đâu mới là biện pháp hữu hiệu?

Theo kiến nghị của TS. Phan Minh Ngọc, Nhà nước nên khuyến khích thành lập của các công ty tài chính cho vay tín chấp (hoặc có tài sản thế chấp) có đăng ký kinh doanh. Theo đó, cơ quan quản lý Nhà nước nên yêu cầu các công ty tài chính phải công khai mọi thông tin như các điều khoản vay, khoản bảo lãnh, chi phí phạt, lãi suất cho vay…

Vị chuyên gia này nhấn mạnh: "Giải pháp thích hợp và bền vững để đẩy lùi tín dụng đen phải là giải pháp dựa vào thị trường đặt dưới sự kiểm soát thích ứng của pháp luật để nhu cầu vay tín chấp của người dân được thỏa mãn chủ yếu bởi người dân và các tổ chức tài chính hợp pháp".

Theo Khánh Ly/Đô Thị Mới