Nhức nhối tín dụng đen
Chia sẻ câu chuyện có thực của mình, anh M.Q. (39 tuổi ngụ tại Gia Lâm, Hà Nội) thở phào nhẹ nhõm khi vừa “xoay sở” trả được hết toàn bộ tiền vay tín dụng đen sau gần nửa năm khổ sở vì bị siết nợ liên tục.
"Ngoài mức lãi 4%/tháng theo thỏa thuận ban đầu, tôi còn phải trả nhiều khoản khác như lãi phạt quá hạn, lãi gộp cộng dồn,… nên thực tế tôi phải trả lãi cao hơn 3 lần so với dự tính. Sau chưa đầy 6 tháng, số tiền vay ban đầu chỉ hơn 70 triệu đồng đã “nở” ra gấp đôi, kèm theo đó là những cuộc “khủng bố” điện thoại, đòi nợ lúc nửa đêm và những lời đe dọa sự an toàn của cả gia đình", anh Q. cho biết.
Trường hợp của anh Q. không phải là cá biệt bởi mỗi ngày cả nước có hàng nghìn giao dịch tương tự vẫn len lỏi diễn ra khắp các hang cùng ngõ hẻm. Nhiều người, dù đã được cảnh báo về các mối nguy cơ tiềm ẩn của hình thức cho vay bất hợp pháp này nhưng không còn lựa chọn nào khác do nhu cầu vốn quá lớn, trong khi các loại hình cho vay chính thức như vay ngân hàng, các quỹ tín dụng nhân dân,... lại không đáp ứng được.
Bàn về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhấn mạnh, tín dụng đen vẫn đang hoạt động khủng khiếp ở mọi ngóc ngách xã hội, chẳng cần đăng ký kinh doanh, không phải nộp thuế hay thực hiện bất kỳ trách nhiệm nào với xã hội.
Điều đáng nói là, tín dụng đen, từ chỗ núp bóng dịch vụ cầm đồ với các giao dịch nhỏ lẻ, nay đã trở thành một hệ thống tinh vi với địa bàn rộng khắp cả nước. Phần lớn nạn nhân của loại hình vay nợ này dưới nhiều hình thức khác nhau và rơi vào vòng luẩn quẩn: Không có tiền, vay nợ tín dụng đen, lãi cao không trả được, lại vay tín dụng đen nợ mới để trả nợ cũ,...
Đáp án của bài toán tín dụng đen?
Thực tế cho thấy không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các quốc gia đều có tình trạng tín dụng đen bởi ở đâu có nhu cầu vốn thì ở đó có cho vay. Khi các loại hình cho vay hợp pháp không đáp ứng được thì người ta sẽ tìm đến các hình thức phi chính thức. Tùy theo chính sách và hành lang pháp lý của mỗi quốc gia mà quy mô của loại hình tín dụng này sẽ khác nhau.
Cụ thể, ở các quốc gia phát triển như châu Âu, Mỹ, Canada,... nơi các loại hình cho vay hợp pháp có thể đáp ứng cơ bản được nhu cầu của người đi vay thì tín dụng đen cũng sẽ được giảm thiểu đến mức tối thiểu.
Đơn cử như tại Mỹ, tổng cho vay tiêu dùng của nước này đã lập kỷ lục mới là 4.010 tỷ USD hồi cuối năm 2018 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Hiện chi tiêu tiêu dùng đang đóng góp 70% hoạt động của nền kinh tế Mỹ.
Bằng việc đặt “trọng trách” giải quyết nhu cầu vốn chi tiêu cá nhân (bao gồm cả vay mua nhà đất, ô tô và các tài sản lớn khác) vào hình thức cho vay tiêu dùng và san sẻ gánh nặng giữa hệ thống ngân hàng – công ty tài chính và các loại hình cho vay khác, chính phủ Mỹ và nhiều quốc gia đã giải được bài toán tín dụng đen một cách bài bản, có hệ thống và tương đối triệt để.
Trong khi đó, tại thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam, ngoài ngân hàng, mới chỉ có 16 công ty tài chính cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng cá nhân với quy mô khoảng 50 tỷ USD.
Cụ thể, theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, cho vay tiêu dùng đến cuối 2017 chỉ chiếm khoảng 12% tổng dư nợ của nền kinh tế (không bao gồm cho vay mua nhà, sửa chữa nhà), thấp hơn nhiều so với mức 21% của Trung Quốc, thậm chí chỉ bằng 1/3 so với mức trung bình 35% của khu vực Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, cho vay tiêu dùng chỉ phổ biến vài sản phẩm như mua hàng điện máy, học hành, mua xe, mua nhà. Trong khi đó, cho vay tiêu dùng ở các nước trên thế giới rất phát triển và đa dạng như cho vay thẻ tín dụng, cho vay các khoản tiêu dùng cá nhân không có tài sản thế chấp, cho vay trước ngày trả tiền lương (chiếm đến 10% tổng dư nợ)… Lý do chính được cho là do lãi suất của cho vay tiêu dùng vẫn bị coi là ở mức cao và là rào cản khiến người đi vay còn e ngại.
Lý giải vấn đề này, ông Cấn Văn Lực cho rằng, so với lãi vay trung và dài hạn của ngân hàng, lãi suất cho vay tiêu dùng hiện cao hơn rất nhiều nhưng đây là điều hợp lý bởi vay tiêu dùng của các công ty tài chính là hình thức vay tín chấp, không yêu cầu người đi vay phải thế chấp tài sản. Điều này đồng nghĩa với rủi ro cho vay của các công ty tài chính sẽ cao hơn rất nhiều nên họ phải áp dụng mức lãi suất cao để bù đắp rủi ro.
"Dù lãi suất cho vay tiêu dùng được đánh giá vẫn còn ở mức cao nhưng không nên áp trần lãi suất mà nên thả nổi cho thị trường tự quyết định", ông Lực khuyến nghị và nhấn mạnh, nếu áp trần lãi suất cho vay tiêu dùng ở một mức cố định thì khi điều kiện thị trường ẩn chứa nhiều rủi ro, sẽ không có tổ chức nào dám cho vay tiêu dùng. Điều này vô hình chung sẽ bóp nghẹt cho vay tiêu dùng.
Theo TS. Cấn Văn Lực, nếu tín dụng tiêu dùng chính thức phát triển mạnh, sẽ góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Bởi vậy, cần tạo điều kiện để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân và doanh nghiệp; đồng thời hoàn thiện hành lang pháp lý để bảo vệ cả bên cho vay là các công ty tài chính và người đi vay.