Tiến độ CPH khối DNNN đang được cho là quá chậm.
3 doanh nghiệp được phê duyệt phương án CPH nói trên thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Tuy nhiên, cả 3 doanh nghiệp này không thuộc danh mục doanh nghiệp CPH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo danh mục cổ phần hóa Thủ tướng đã phê duyệt có 128 doanh nghiệp. Nhưng báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết từ năm 2016 đến tháng 6/2021 chỉ có 39 doanh nghiệp trong doanh mục này đã cổ phần hóa. Theo Bộ Tài chính, như vậy mới đạt 30% kế hoạch.
Số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch 6 tháng còn lại năm 2021 là 89 doanh nghiệp.
Không chỉ CPH chậm mà việc thoái vốn tại các DNNN trong 6 tháng đầu năm nay vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, số tiền thoái vốn mới đạt 286,6 tỷ đồng.
Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, CPH, thoái vốn chậm tại các DNNN, một phần do nguyên nhân khách quan tác động của dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực.
Một nguyên nhân khác được cho là các doanh nghiệp thực hiện CPH, thoái vốn, cơ cấu lại giai đoạn này hầu hết là các doanh nghiệp lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai.
Cũng do dịch COVID-19 mọi doanh nghiệp đều tập trung chống dịch, và những đợt dịch nổi lên, các hoạt động tập trung đông người phãi hoãn, phải hủy nên nhiều cuộc họp, hội nghị và roadshow chuẩn bị cho cổ phần hóa và thoái vốn đều bị hoãn không thực hiện được như kế hoạch.
Nhưng, theo Cục Tài chính doanh nghiệp, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Việc cơ cấu lại DNNN, cổ phần hóa, thoái vốn 6 tháng qua chậm, đi ngược chủ trương của Đảng và Nhà nước và đi ngược lại mong muốn, đó là do nhận thức của nhiều người.
Theo Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, ông Đặng Quyết Tiến, lãnh đạo các cơ quan đại diện chủ sử hữu và lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty đang chần chừ, dừng lại chờ đợi.
Các ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, của các địa phương và cả Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp rất ít hoạt động, họp bàn chuẩn bị cho cổ phần hóa và tổ chức cho thoái vốn đều bị hoãn về triển khai các kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn theo danh mục đã ban hành.
Từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, DNNN này đã thể hiện rõ vai trò đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Nhiều DNNN chưa CPH đang hoạt động trong những ngành nghề quan trọng.
Trong danh mục CPH giai đoạn này có những các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, gắn liền với các hoạt động của địa phương, đóng góp vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện các chiến lược, mục tiêu về an sinh xã hội của địa phương. Vì thế có người đang chần chừ xem có cổ phần hóa những DNNN này hay không.
Ngoài ra, cũng có nhiều người có tâm lý chờ đợi đến cuối tháng 8/2021, các tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước mới sẽ có hiệu lực.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, cần phải khắc phục và chấn chình nhận thức chần chừ này. "Nhiệm vụ khắc phục những yếu kém của DNNN đặt ra 5 năm qua ta chưa làm được. Vẫn còn nhiều DNNN yếu. Vẫn còn những doanh nghiệp như 12 dự án thua lỗ vẫn chưa xử lý xong. Công cuộc cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN vẫn cần phải thúc đẩy. DNNN của ta chưa mạnh mà chúng ta dừng lại thì cuộc cơ cấu lại này sẽ không đạt yêu cầu”, Cục trưởng Đặng Quyết Tiến nói.
Để đẩy mạnh, tái cơ cấu DNNN, cổ phần hóa và thoái vốn, Cục trưởng Đặng Quyết Tiến cho biết: “Một trong những giải pháp chúng tôi đề xuất là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cần có thông điệp để nhắc nhở lại lãnh đạo DN và cơ quan đại diện chủ sở hữu phải tích cực đẩy mạnh tiến độ cơ cấu lại DNNN, trong đó hình thức cổ phần hóa và thoái vốn là một giải pháp”.
Nguồn: https://congluan.vn/dich-covid-19-tai-bung-phat-lam-cham-qua-trinh-co-phan-hoa-doanh-nghiep-nha-nuoc-post151706.html