Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết tại hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19, diễn ra mới đây.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, để lên môi trường số thì việc thanh toán điện tử được coi là nền tảng. Cách nhanh nhất để thanh toán điện tử phủ được toàn dân thì Mobile Money là giải pháp tốt nhất. "Hiện nay, những thủ tục cuối cùng đang được hoàn tất để đầu tháng 10 này, giấy phép thí điểm Mobile Money sẽ được cấp và hy vọng sẽ tạo thành cú huých mạnh mẽ để thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Cũng theo Bộ trưởng, để mọi người có niềm tin chuyển lên môi trường số thì đảm bảo an toàn, an ninh mạng là điều kiện tiên quyết. Một tin vui là năm 2020, Việt Nam được quốc tế xếp hạng thứ 25 trong số 194 quốc gia về an toàn, an ninh mạng toàn cầu. Trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương thì Việt Nam xếp thứ 7. Trước đó, năm 2018, Việt Nam xếp hạng thứ 50 thế giới.
“Gần 2 năm qua, COVID-19 đã tạo ra cho chúng ta rất nhiều khó khăn và thách thức. COVID rồi cũng sẽ qua đi, nhưng quan trọng là ai sẽ tận dụng được cơ hội, ai sẽ là người thích ứng nhanh, kịp thời thay đổi mô hình kinh doanh để vượt lên với sức sống mạnh mẽ hơn. Một số quốc gia đã làm được. Nhiều doanh nghiệp đã làm được. Đó là nhanh chóng chuyển hoạt động lên môi trường số. Với chuyển đổi số thì một tháng có thể bằng cả chục năm”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 9/3/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho triển khai thí điểm Mobile Money, thời gian là 2 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đầu tiên thực hiện thí điểm được chấp thuận triển khai.
Khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money phải có Chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được doanh nghiệp thí điểm định danh, xác thực. Thuê bao di động phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money.
Bình luận về việc Chính phủ cho phép thí điểm dịch vụ Mobile Money, nhiều chuyên gia cho rằng, người dân rất khó tiếp cận với phương tiện thanh toán điện tử qua ví điện tử hay tài khoản ngân hàng. Thế nên, Mobile Money sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho nền kinh tế khi người dân có thêm công cụ thanh toán điện tử. Đây là nền tảng để tiến đến công dân số và xã hội số khi mật độ điện thoại di động phổ cập đến người dân, đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và xã hội, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Dưới góc độ nhà cung cấp dịch vụ, ông Phạm Trung Kiên, CEO Viettel Digital cho hay, khi Chính phủ cho phép triển khai Mobile Money để thanh toán các loại dịch vụ và hàng hóa mệnh giá nhỏ thì số lượng người dùng được thanh toán điện tử rất lớn vì độ phủ của các nhà mạng rộng hơn ngân hàng rất nhiều, đến cả vùng sâu, vùng xa, khi người dân chưa có tài khoản ngân hàng.
Theo ông Phạm Trung Kiên, đây sẽ là điểm bùng phát cho việc thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Nghĩa là qua một đêm thì bất cứ ai, bất cứ người dân nào trên đất nước Việt Nam có thể sẵn sàng sử dụng điện thoại để chi tiêu thanh toán không dùng tiền mặt.
Nguồn: https://congluan.vn/dich-vu-mobile-money-sap-duoc-cap-phep-thi-diem-post158459.html