Phong tỏa, cách ly khu vực người nhiễm bệnh Covid-19, phương pháp hữu hiệu ngăn chặn lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Ảnh TL.

Tính từ 6h00 ngày 16/4 kể từ khi phát hiện bệnh nhân số 268 tại huyện Đồng Văn (Hà Giang) cho đến nay, Việt Nam đã trải qua gần 20 ngày không phát hiện ca nhiễm mới Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng.

Hiện Việt Nam được quốc tế đánh giá rất cao trong việc phát hiện và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh này. Không những làm tốt công tác ngăn chặn và dập dịch, Việt Nam đã nghiên cứu thành công bộ kit xét nghiệm nhanh chỉ sau một thời gian ngắn phát hiện được virus SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, mới đây chúng ta còn nghiên cứu và thử nghiệm tiêm Vắc xin trên chuột, từ đó mở ra cánh cửa ngăn chặn triệt để loại virus chết người này.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế, cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, điều kiện để được công bố hết dịch quy định; nếu trong 28 ngày, tính từ ngày bệnh nhân cuối cùng từ cộng đồng được phát hiện mắc bệnh và cách ly tại cơ sở y tế mà không phát sinh bệnh nhân mới, mới có thể tính đến việc công bố hết dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, các biện pháp chống dịch phải triển khai đầy đủ theo Luật Bệnh truyền nhiễm, nhằm bảo đảm dịch không còn nguy cơ lây bệnh.

Trả lời về việc đã nhiều ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19, liệu có triển vọng tiến tới công bố hết dịch, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết: “Trong bối cảnh người nhập cảnh vẫn còn về Việt Nam thời gian tới, nguy cơ trong cộng đồng vẫn còn nên chưa thể xác định được điều gì. Để công bố hết dịch hay không, Chính phủ còn phải xem xét, phân tích kỹ lưỡng trên mọi khía cạnh”.

PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích, hiện nay dịch bệnh ở nước ngoài còn phức tạp, có những nơi trên thế giới còn căng, xác định dịch kéo dài 18-24 tháng. Do đó, Việt Nam phải tiếp tục làm tốt việc cách ly những công dân Việt Nam từ nước ngoài về hoặc khi mở cửa hơn nữa cũng phải tiếp tục ngăn chặn những ca nhập cảnh để phòng, chống.

Thứ hai, phải thực hiện tốt việc ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, cách ly, dập dịch, phát hiện được ngay ca đầu tiên càng sớm càng tốt.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên - Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia - cũng cho biết, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia vẫn chưa tính đến thời điểm công bố hết dịch vì không thể chủ quan trong khi số ca mắc mới ghi nhận trên thế giới vẫn còn cao.

Hiện nay nhiều người hay nhắc tới làn sóng thứ hai, được hiểu là hết dịch rồi lại bị bùng phát trở lại. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, tại Việt Nam khó xảy ra nguy cơ này vì việc ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, cách ly, dập dịch đã và đang được làm rất tốt. Thời gian tới, có thể có những ổ dịch nhỏ xảy ra nhưng chỉ là rải rác và sẽ kiểm soát được. Dù vậy, người dân không nên chủ quan, bởi nếu không tuân thủ các biện pháp phòng, chống, dịch sẽ bùng lên như một số nước.

Theo Công luận