Sản phẩm mỹ phẩm Evoluderm crème mains nourrissate au cacao (số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm do Cục quản lý dược cấp: 70771/13/CBMP-QLD ngày 5/3/2013) vừa bị Cục quản lý Dược đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc.

Sản phẩm mỹ phẩm Evoluderm crème mains nourrissate au cacao (số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm do Cục quản lý dược cấp: 70771/13/CBMP-QLD ngày 5/3/2013) vừa bị Cục quản lý Dược đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc. Sản phẩm trên do Công ty C2J Evoluderm (Pháp) sản xuất).

Công ty TNHH xuất nhập khẩu Ovan chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường. Lý do bị đình chỉ lưu hành và thu hồi là do sản phẩm nhập khẩu và lưu thông có công thức không đúng như hồ sơ đã công bố.

Cục quản lý Dược đề nghị Công ty TNHH xuất nhập khẩu Ovan phải gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng sản phhẩm nêu trên; Tiến hành thu hồi toàn bộ các lô mỹ phẩm không đáp ứng đúng qui định; Gửi báo cáo thu hồi các lô mỹ phẩm không đáp ứng quy định về Cục quản lý Dược trước ngày 30/9/2015.

Đình chỉ và thu hồi nhiều mỹ phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn. Ảnh minh họa.

Đình chỉ và thu hồi nhiều mỹ phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn. Ảnh minh họa.

Cục quản lý Dược vừa có công văn xử phạt vi phạm hành chính đối với hai công ty sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trong nước. Đó là Công ty TNHH MTV thương mại mỹ phẩm Hoa Anh Đào hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ mỹ phẩm bị xử phạt do bán thuốc Latisse không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được phép lưu hành. Mức phạt tiền là 40.000.000 đồng, đi kèm theo đó, công ty này phải thực hiện tiêu huỷ toàn bộ thuốc Latisse không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không được phép lưu hành trên.

Tiếp đến là Công ty TNHH Một thành viên sản xuất thương mại Hoa Tulip hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm do sản xuất mỹ phẩm không thực hiện đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn cơ banr về “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (CGMP- ASEAN).

Mức phạt tiền là 60.000.000 đồng. Cục đề nghị công ty chỉ sản xuất và đưa ra sản phẩm ra thị trường khi cơ sở đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn cơ bản về “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” của CGMP-ASEAN.

Trước đó, Cục Quản lý dược cũng đã ra quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc 24 sản phẩm mỹ phẩm (bao gồm: sữa dưỡng thể, kem mát xa, kem dưỡng da ngày, đêm, sữa dưỡng ẩm…) của Công ty TNHH Thương mại và sản xuất hương liệu Thanh Xuân (ở 58/6 Bùi Thế Mỹ, phường 10, quận Tân Bình, Tp Hồ Chí Minh) cũng do sản phẩm được sản xuất tại cơ sở không đáp ứng nguyên tắc tiêu chuẩn CGMP-ASEAN. 

Cũng theo Cục Quản lý dược, hiện nay việc kinh doanh mỹ phẩm rất đa dạng chủng loại, xuất xứ, ngoài những sản phẩm được cơ quan thẩm quyền cấp phép còn có nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ...

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phối hợp các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc thu hồi những loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng trên thị trường, đồng thời kiểm tra việc kinh doanh mỹ phẩm nhằm xử lý kịp thời hàng nhái, giả, trái phép...

Theo các nhà chuyên môn, mỹ phẩm chính thống được sản xuất với dây chuyền đạt chuẩn thường được kiểm soát ổn định về chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của Bộ Y tế cũng như tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm chung của các nước ASEAN.

Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường mỹ phẩm không nguồn gốc, mỹ phẩm nhái, thậm chí cả mỹ phẩm có nguồn gốc nhưng sản xuất trên dây chuyên không đạt tiêu chuẩn đang là mối hoạ lớn đối với các chị em. Chính vì vậy, bên cạnh việc quản lý của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần biết bảo vệ mình, cảnh giác với mỹ phẩm nhái, giả, không rõ nguồn gốc, không đạt tiêu chuẩn để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra./.

Quý Dương / Theo Ngày nay Online