Hiện tượng trời nồm là gì?
Trời nồm là hiện tượng thời tiết đặc trưng của phía đông Bắc Bộ. Khi độ ẩm không khí khi lên tới 90% trở lên sẽ có hiện tượng nồm.
Trời nồm khiến các bề mặt lạnh nên ngưng tụ thành giọt nước, bám trên nền nhà, tường, đồ vật..., gây bất tiện cho sinh hoạt. Sàn nhà ẩm ướt, quần áo phơi mãi không khô, các vật dụng dễ nấm mốc, hỏng hóc.
Khi có trời nồm, tốt nhất người dân nên đóng kín cửa để hạn chế hơi ẩm từ ngoài vào. Nhiều người quan niệm, trời ẩm thì bật quạt để hong khô nhưng đó là điều không nên.
Vì khi đó áp suất vùng này giảm càng khiến hơi nước ngưng tụ, gây ẩm ướt nhiều hơn. Mọi người nên dùng khăn khô lau nhà và các vật dụng. Với những gia đình có điều kiện thì có thể làm khô không khí trong nhà bằng cách mở điều hòa ở chế độ khô, máy hút ẩm, quạt sưởi nóng...
Trời nồm có ảnh hưởng sức khỏe không?
Thời tiết nồm sẽ sinh ra nhiều thứ bệnh: Khớp, tim mạch, ho, hen suyễn, đau đầu và những căn bệnh mãn tính kinh niên của người cao tuổi… do việc bài tiết qua da bị hạn chế, các lỗ chân lông bí không thoát hơi nên gây mệt mỏi, đau nhức và khó chịu.
Mặt khác, không khí ẩm ướt cũng là cơ hội cho vi khuẩn, nấm mốc, ruồi muỗi, sâu bọ phát triển, gây nguy hại cho nhiều ngành nghề; đặc biệt là trong xây dựng cũng như trang trí nội thất.
Do đó, phải tìm các biện pháp tối ưu như sử dụng vật liệu có đặc tính ngăn ẩm, chống tụ nước và lau chùi, tạo không khí thoáng mát để làm giảm hoặc loại bỏ ẩm ướt sinh ra nấm mốc.