Lazda bán đồ chơi bạo lực, Shopee bán vũ khí tự vệ

Do nhu cầu mua sắm ngày càng tăng cao, trong những năm trở lại đây, hàng loạt các sàn GDTM điện tử mọc lên để phục vụ điều đó. Điều đáng nói, những cái tên như Lazada, Shopee, Tiki hay Sendo đều được rất nhiều “thượng đế” thích thú, hài lòng vì các mẫu hàng hoá vô cùng đa dạng.

Từ khâu quảng cáo, đặt hàng, thanh toán, giao hàng vô cùng tiện lợi đó, những trang web này trở nên nổi tiếng hơn bao giờ hết. Bình thường thay vì khách hàng phải đến tận nơi để xem, nhưng chỉ cần truy cập vào trang web là có thể chọn những sản phẩm mình thích và đặt mua và được giao hàng chỉ trong thời gian ngắn.

Những đồ chơi bạo lực vẫn được bày bán trên Lazada

Những đồ chơi bạo lực vẫn được bày bán trên Lazada

Nhưng không phải vì thế mà các sàn GDTM điện tử lại có thể để cho những cơ sở bán những sản phẩm hàng hoá mang tính chất bạo lực một cách công khai như vậy.

Chị Huyền Thương (nhân viên, Hà Nội) cho biết, do tính chất công việc quá bận rộn nên chị không có thời gian mua sắm cho bản thân cũng như cho gia đình nên chị thường mua hàng trên các sàn GDTM điện tử. Trong một lần chọn mua đồ chơi để tặng sinh nhật cho con mình, chị Thương đã vô cùng bất ngờ khi Lazada.vn lại công khai bán đồ chơi bạo lực. “Nào thì súng bắn đạn thạch, xốp, rồi đến súng bắn đạn bi nhựa, súng cao su bắn đạn bi sắt cũng được quảng cáo công khai...", chị Huyền Thương nói.

Theo tìm hiểu của PV, chỉ cần gõ cụm từ khoá: “Súng bắn đạn” là Lazada cho hiển thị khá nhiều sản phẩm về loại mặt hàng này. Không những thế, trên một sản phẩm súng cao su bắn đạn bi sắt lại còn thể hiện độ tuổi phù hợp để chơi “từ 2-6 tuổi”.

Điều khá bất ngờ là không chỉ có Lazada mà ngay trên trang shopee.vn cũng thể hiện mục hàng hoá này. Và nghiêm trọng hơn là còn bày bán cả vũ khí tự vệ với lời quảng cáo: “Chích phát là ngất”.

Dùi cui điện được tìm thấy dễ dàng trên Shopee

Dùi cui điện được tìm thấy dễ dàng trên Shopee

Anh Huy Hoàng (Hà Nội) cho biết, không hiểu vì lý do gì mà những sàn GDTM điện tử lớn như Shopee hay Lazada lại có thể bày bán, quảng cáo, chấp nhận cho những đơn vị bán hàng đăng bán những sản phẩm bạo lực như thế này.

Kinh doanh đồ chơi bạo lực có thể bị phạt tới 100 triệu đồng

Một luật sư thuộc Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, căn cứ vào Quyết định 88/2000/QĐ-BTM ngày 18-1-2000 của Bộ Thương mại, những loại đồ chơi trẻ em  có hại tới giáo dục nhân cách, sức khỏe hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội sẽ bị cấm. Cụ thể: Các loại đồ chơi có hình dáng giống như các loại súng (súng nén bằng hơi hoặc bằng lò xo bắn đạn nhựa hoặc các loại đạn khác; súng bắn nước, hơi nước; súng bắn phát quang hoặc bắn gây tiếng nổ); Các loại đồ chơi có hình dáng giống các loại vũ khí khác như lựu đạn, bom, mìn, bộc phá; kiếm, mác, lê, dao găm, cung nỏ; Các loại pháo: pháo nổ, pháo hoa, pháo đập, đạn đập làm bằng thuốc pháo hoặc bằng các vật liệu khác có thể gây cháy, bỏng; Các loại đồ chơi dưới dạng văn hóa phẩm (ấn phẩm, băng, đĩa), các loại đồ chơi điện tử có hình ảnh, âm thanh, hành động mô tả cảnh đánh nhau, giết người dã man hoặc những hành động xúc phạm nhân phẩm, phá hoại môi trường có hại về thẩm mỹ và giáo dục trẻ em.

Ngoài ra, các phần mềm vi tính trò chơi điện tử có nội dung kích động bạo lực, mại dâm; Các loại đồ chơi dùng điện có điều khiển từ xa có thể gây nhiễu cho các đồ dùng, trang thiết bị khác hoặc không đảm bảo an toàn cho trẻ em; Các loại đồ chơi có sử dụng quốc kỳ, bản đồ Việt Nam, ảnh lãnh tụ không đúng với quy định, mục đích xấu cũng bị nghiêm cấm.

Sản phẩm súng cao su bắn đạn bi sắt được giới thiệu độ tuổi phù hợp từ 2-6 tuổip/

Sản phẩm súng cao su bắn đạn bi sắt được giới thiệu phù hợp ở độ tuổi từ 2-6 tuổi.

Còn theo Nghị định 167/2013, người nào cho trẻ em sử dụng các loại đồ chơi nguy hiểm đã bị cấm có thể bị xử phạt từ 500.000-1 triệu đồng. Người kinh doanh buôn bán các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm có thể bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng.

Bên cạnh đó, điều 10 Nghị định 185/2013/NĐ-CP còn quy định, người có hành vi buôn bán hàng cấm còn có thể bị xử phạt từ 500.000 -100 triệu đồng tùy theo giá trị của hàng cấm đó. Người có hành vi vi phạm còn phải chịu hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Vị luật sư cũng cho biết thêm, bản thân các trang thương mại điện tử được xác định là đơn vị trung gian, kết nối người mua với người bán. Họ có trách nhiệm cam kết không được phép phê duyệt các mặt hàng cấm được kinh doanh trên hệ thống thương mại điện tử của mình. Trong trường hợp các mặt hàng cấm được kinh doanh trên các hệ thống thương mại điện tử, những đơn vị này hoàn toàn có thể bị xử phạt hành chính bằng cách phạt tiền và phạt bổ sung theo pháp luật hiện hành

Cũng theo tìm hiểu của PV, trước đây cái tên Lazada, Shopee cũng đã từng bị rất nhiều báo chí phản ánh về tình trạng này trong thời gian qua. Nhưng không hiểu sao, cho đến giờ, các mặt hàng này vẫn còn tồn tại trên các sàn GDTM điện tử Lazada, Shopee.

Rất mong các cơ quan chức năng mạnh tay xử lý triệt để để những đơn vị lớn như thế này không còn dám “vượt mặt” pháp luật để vi phạm chỉ vì những mặt hàng siêu lợi nhuận.

Theo Quốc Quân/Đô thị mới