Nhưng với làn sóng Covid-19 bùng phát lần thứ 4 này, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp phải chuyển đổi số thì may ra mới có bàn đạp để “tăng tốc”…

Tăng trưởng nhờ Covid-19 “hạ nhiệt”, tăng tốc phải… chuyển đổi số.
Tăng trưởng nhờ Covid-19 “hạ nhiệt”, tăng tốc phải… chuyển đổi số.

Tăng trưởng dương nhờ dịch Covid-19 “hạ nhiệt”

Theo số liệu mới nhất vừa được Tổng cục Thống kê công bố, “chốt sổ” 4 tháng đầu năm 2021, sản xuất công nghiệp ước tính tăng cao 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, vốn đầu tư thực hiện từ Ngân sách Nhà nước tăng cao nhất so với nhiều năm; riêng xuất nhập khẩu đạt tốc độ tăng cao nhất trong vòng10 năm qua.

Đặc biệt, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp tăng lên thông qua số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới từ trước đến nay đã đạt mức kỷ lục với 14.866 doanh nghiệp (tăng 88,5% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2020 - vượt qua mốc kỷ lục 14.854 doanh nghiệp tại thời điểm tháng 4/2019).

Điểm nhấn của 4 tháng đầu năm 2021 là nhờ dịch Covid-19 được kiểm soát tốt nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có nhiều tín hiệu tích cực. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.695,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, giá điện, nước sinh hoạt giảm theo nhu cầu tiêu dùng lại là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 0,89% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 4 tháng tăng 0,74%.

Về công tác tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông tin rằng thực tế tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã trên 140%. Với tỷ lệ này, Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ cao nhất theo đánh giá của quốc tế.

Đối với vấn đề xử lý nợ xấu, do tác động của đại dịch Covid-19 nên nợ xấu có xu hướng tăng lên. Cùng với đó, tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như cho vay bất động sản, chứng khoán đang tăng nóng nhưng Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời can thiệp để giảm dần tỷ trọng (hiện nay là 40%).

Nhờ vậy tốc độ tăng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản có xu hướng chậm lại, dư nợ tín dụng để đầu tư kinh doanh chứng khoán chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng chung. Tỷ trọng đầu tư của các tổ chức tín dụng vào trái phiếu doanh nghiệp cũng chiếm tỷ trọng nhỏ và trên thực tế được kiểm soát như đối với khoản cấp tín dụng…

Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước. Cùng với đó, tính đến 5/4/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trảnợ cho 262.000 khách hàng với dư nợ khoảng 357.000 tỷ đồng.

Thêm một điểm cộng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 4 tháng đầu năm là đã có tháng thứ 10 liên tiếp không phát sinh thiếu đói trên phạm vi cả nước. Mặc dù trong báo cáo của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) đã từng khuyến nghị mối nguy của đại dịch Covid-19 đối với thu nhập.

Theo tính toán của ADB vào tháng 12/2020 cho thấy tác động đáng kể của đại dịch Covid-19 đối với thu nhập. Đặc biệt, tác động của đại dịch sẽ làm giảm thu nhập trên đầu người của hộ gia đình trung bình 9,8% và nhóm có thu nhập thấp nhất sẽ bị giảm đến10,2% thu nhập, trong khi tỉ lệ hộ nghèo trong ngũ phân vị có thu nhập nghèo nhất sẽ tăng 40%.

Vì thế ADB khuyến nghị Việt Nam nên gia tăng giải pháp bền vững hơn là giúp cho người nghèo và người dễ bị tổn thương đa dạng hoá được sinh kế của họ, ví dụ thông qua đào tạo nghề ngắn hạn và cải thiện tiếp cận với tín dụng vi mô để hỗ trợ thành lập doanh nghiệp mới…

Các chỉ số kinh tế trong 4 tháng đầu năm 2021.
Các chỉ số kinh tế trong 4 tháng đầu năm 2021.

Vượt được dịch Covid-19 hay không là nhờ doanh nghiệp…chuyển đổi số

Có thể nói với những con số đã đạt được trong 4 tháng đầu năm là nhờ vào “mục tiêp kép”. Tuy nhiên, đúng vào ngày cuối cùng của tháng 4 thì cũng là lúc làn sóng Covid-19 lần thứ 4 tiếp tục bùng phát trở lại tại một số tỉnh thành trên cả nước. Một lần nữa kịch bản không mong muốn do Bộ kế hoạch và Đầu tư dự báo “lại phải dùng”.

Theo đó, nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, bùng phát và thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, cuối quý II/2021 mới được khống chế, các ngành kinh tế phục hồi chậm với mức tăng trưởng thấp. Trong khi đó, ngay từ những ngày đầu năm 2021, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021 là 6,5%. Lạc quan hơn Ngân hàng thế giới (WB) còn dự báo 6,7% còn các tổ chức quốc tế cũng dự báo từ 6,8 – 7%.

Như vậy, việc dịch Covid-19 bùng phát trở lại ngay trong những ngày đầu tháng 5/2021 sẽ tác động tới kịch bản tăng trưởng kinh tế theo từng quý, cũng như mục tiêu cả năm. Tuy nhiên, việc thực hiện tốt mục tiêu kép như năm 2020 sẽ tiếp tục là bài học cho 2021, trong đó chuyển đổi số đối với doanh nghiệp là yếu tố quyết định “sống còn”.

Theo bà Hà Thu Thanh – Chủ tịch Deloitte Việt Nam, trước đây hàng trăm nghìn doanh nghiệp phá sản hoặc ngưng một phần hoạt động là do Covid-19, nhưng một phần là do bản thân “sức khoẻ” doanh nghiệp không có sức chống chịu.

Thực tế cho thấy những doanh nghiệp vượt qua Covid-19, một phần do ngành nghề vẫn phát triển, biết áp dụng và thích nghi nhanh với kinh tế số… “Vì thế, mấu chốt vẫn là do nội lực của doanh nghiệp”, bà Thanh nhấn mạnh.

Với góc nhìn tích cực hơn về kinh tế số, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động sâu rộng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đặc biệt với làn sóng Covid-19 lần thứ 4 xuất hiện trên nhiều tỉnh thành trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 vừa qua đang đứng trước nguy cơ khó kiểm soát vì vắc-xin vẫn chưa được triển khai rộng rãi. Nhưng biết đâu đây cũng chính là chất xúc tác thúc đẩy doanh nghiệp chuyển mình trước thách thức.

Trong báo cáo mới đây cho thấy, trong nền kinh tế số, có 60% doanh nghiệp thành công nhờ áp dụng nền tảng chuyển đổi số. Hay như sự linh hoạt của doanh nghiệp Việt Nam rất khi chứng kiến việc các chuỗi bán lẻ giao nhận tại nhà, từ đó hình thành thế hệ doanh nhân mới, những doanh nghiệp không thích nghi được sẽ bị đào thải.

“Nền kinh tế Việt Nam nhanh, dễ thích nghi với việc kinh doanh mới. Covid-19 sẽ là xúc tác để chuyển đổi số”, GS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính (Đại học Kinh tế TPHCM) nhận định.

 

Theo Khánh Linh/Congluan.vn

Nguồn: https://congluan.vn/tang-truong-nho-covid-19-ha-nhiet-tang-toc-phai-chuyen-doi-so-post131903.html