Trước đó, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF 2020) với chủ đề “Phát triển bền vững trong thập niên mới: Biến thách thức thành cơ hội”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh cho rằng, những năm qua khái niệm phát triển bền vững, phát triển xanh được ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, nhận thức đây là việc phải làm, từng bước lan ra toàn xã hội.

Điều đó được thể hiện phần nào qua sự thay đổi về thứ hạng của Việt Nam kể từ khi Liên Hợp Quốc khảo sát, đánh giá và xếp hạng về chỉ số phát triển bền vững của các quốc gia, các nền kinh tế. Năm 2016, chúng ta đứng thứ 88, tương tự như rất nhiều chỉ số phát triển của Việt Nam trên các bảng xếp hạng của thế giới, tương ứng với trình độ của một nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp. Nhưng với những nỗ lực, cố gắng vượt bậc đến năm 2020, Việt Nam đã đứng thứ 49 về phát triển bền vững trên thế giới.

Công nghệ
Ảnh minh họa. 

Từ khi bùng nổ đến nay, đại dịch Covid-19 đã khiến cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có. Qua đây, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nhận thức rõ hơn yêu cầu về tăng cường khả năng chống chịu và phát triển bền vững. Theo đó, tăng cường khả năng chống chịu là phải đi theo con đường phát triển bền vững, coi trọng vấn đề kinh tế, môi trường, xã hội. Và đây cũng là lựa chọn không thể khác được.

“Các doanh nghiệp trong những năm qua đã âm thầm định hướng con đường phát triển bền vững cho doanh nghiệp của mình nên trong bối cảnh đại dịch, họ trụ vững khá tốt, thậm chí có cơ hội để phát triển mạnh mẽ. Còn những doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng tới mô hình phát triển bền vững thì mỗi khi có biến động thị trường lập tức rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí phá sản, giải thể, rút lui khỏi thị trường”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI chia sẻ.

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2021, có 33.600 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020. Bao gồm, 21.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 34%; 8.400 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 10,7%; 3.600 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 28,1%. Trung bình mỗi tháng có 16.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, để tăng cường khả năng chống chịu của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì môt mặt cần nâng cao năng lực phát triển bền vững và khả năng chống chịu của doanh nghiệp, mặt khác, phải có một hệ thống chính sách Nhà nước dẫn đường và yểm trợ cho những nỗ lực đó.

Phát huy vai trò của mình, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã thống nhất với UNDP sẽ cùng các đối tác xây dựng chương trình nâng cao năng lực để chống chịu, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh cho các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sắp tới, cơ quan này sẽ tiếp tục thúc đẩy hỗ trợ định hướng cho cộng đồng doanh nghiệp nhằm lan toả mô hình, giúp doanh nghiệp từ mới sinh ra đã đặt mình trong trào lưu phát triển bền vững và chuyển đổi số.

Theo đó, một loạt chính sách sẽ được đề xuất và triển khai, một loạt các giải pháp tăng cường quan hệ đối tác công tư cũng như sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, trước hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Vũ Tiến Lộc
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. 

“Đây sẽ là giải pháp vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Việc tạo nên hình hài cộng đồng doanh nghiệp của nền kinh tế có khả năng chống chịu với thiên tai, dịch bệnh, những biến động thị trường là những điều quan trọng mà Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam đang cố gắng nỗ lực”, ông Vũ Tiến Lộc cho biết.

Cũng theo ông Lộc, trong năm 2021, doanh nghiệp kỳ vọng các Chính phủ trên thế giới phối hợp ngăn chặn được dịch bệnh, có như vậy, doanh nghiệp mới có thể định hướng hoạt động kinh doanh trong giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp cũng cần chủ động nâng cấp hoạt động quản trị, nỗ lực định hình lại tương lai của mình.

Bên cạnh đó, muốn doanh nghiệp định hướng phát triển bền vững, hệ thống chính sách của Chính phủ cần ổn định, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong đó, cần cải cách tích cực các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hoá, hoàn thiện môi trường kinh doanh…

Cuối quý I/2021, Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tổ chức Tọa đàm “Kinh tế Môi trường – Xu thế phát triển tất yếu cho kinh tế Việt Nam” nhằm tạo ra diễn đàn trao đổi và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, xác định những thách thức cũng như cơ hội cho doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế đi đôi với nhiệm vụ bảo vệ môi trường nhằm hướng đến sự phát triển bền vững.

Tọa đàm hứa hẹn là cuộc thảo luận bàn tròn thú vị, quy tụ các diễn giả nổi tiếng, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực môi trường, các nhà kinh doanh tiên phong trong lĩnh vực Kinh tế Môi trường tại Việt Nam.

Thời gian dự kiến: 8h30-11h30 ngày 24/3/2021

Địa điểm: Hội trường Tầng 2 VPlace, tòa nhà 84 Duy Tân, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Thông tin vui lòng liên hệ: 

Ông Nguyễn Mạnh Quân - Trưởng ban Truyền thông và Thương hiệu

Di động: 0979 14 24 26 

Mọi câu hỏi, ý kiến đóng góp xin gửi về email: [email protected]

Theo Cẩm Anh/Kinhtemoitruong.vn

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/doanh-nghiep-tru-lai-trong-boi-canh-dai-dich-nho-dinh-huong-con-duong-phat-trien-ben-vung-53820.html?fbclid=IwAR0UbtbuhI4PWEfOZ2YubdtVisSbO-SpP4rt9Y7kdsZJA3fzBddNXLXjFw0