Tết của người Tày bắt đầu bằng bữa cơm “giải xúi” chiều 30. Tất cả các món ăn được chế biến từ thịt vịt. Nếu như người Kinh quan niệm rằng vịt là con vật xúi quẩy và tìm cách tránh thì người Tày chọn cách ăn thịt vịt để chấm dứt mọi rủi ro của năm cũ.

Mâm cỗ cúng tổ tiên trong ngày Tết của người Tày. Ảnh: T.N

Gia đình nào cũng mổ một con lợn ăn Tết

Khi những cánh hoa đào, hoa mai hé nở báo hiệu mùa xuân về cũng là lúc đồng bào các dân tộc ở Hà Giang đang nhộn nhịp chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán. Như các dân tộc anh em khác, người Tày ở Hà Giang (khoảng trên 160.000 người) đặc biệt coi trọng Tết cổ truyền. Họ quan niệm một năm làm lụng vất vả ngày Tết là ngày mọi người đến chơi thăm hỏi nhau, cùng nhau chung vui. Vì vậy, vào ngày này, gia đình nào cũng có một con lợn để ăn Tết. Nếu được cùng thưởng thức hương vị ẩm thực độc đáo của người Tày chắc chắn sẽ ai cũng ấn tượng sâu sắc rồi bỗng chốc hóa thành tình yêu, nỗi nhớ đắm say…

Để đón Tết, cả gia đình người Tày cùng tập trung quét dọn, trang trí lại nhà cửa và bàn thờ tổ tiên. Các công việc chuẩn bị cho ngày Tết được phân công đều cho mọi người: Đàn ông làm những việc như thịt lợn, sửa sang và quét dọn nhà cửa… Đàn bà thì làm bánh khảo, chuẩn bị lá dong và gạo nếp để gói bánh chưng, sắm sửa áo mới cho gia đình. Chứng kiến sự rộn ràng sắc xuân ấy, nhà văn Y Phương đã dành riêng một bài viết để miêu tả: "Vào những ngày gần tết, hầu như nhà nào cũng chuẩn bị củi đun. Củi lấy về chất thành đống. Trông khối nguyên liệu lù lù to đùng hiện lên như kho thóc, làm chủ nhà yên lòng. Khi lữ khách đi ngang qua, cứ thấy ai, nhà nào có nhiều củi, dân làng lại mừng rỡ ra mặt".

Đến thôn Hạ Thành, xã Phương Độ, TP Hà Giang, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Hòe đang làm xúng xàng (lạp xường). Không giống lạp xường vẫn treo lủng lẳng ở các cửa hiệu dưới xuôi, xúng xàng có thể to bằng cổ tay, nguyên liệu, hương vị hoàn toàn tự nhiên, chủ yếu lấy từ rừng như mắc mật, mắc khén, đinh hương... ăn rất lành bụng. Bà Hòe bảo đây là món làm sẵn, để dành ra giêng mới ăn.

Xong xuôi, bà mang những đoạn củi gộc, gỗ cứng vào khu vực đun nấu. Người Tày truyền tai nhau, ngày đầu xuân, nếu như lửa trong bếp mà tắt thì nhiều cái xấu đến với gia đình. Do vậy, bà đã chuẩn bị rất nhiều gỗ, đấu vào nhau và đủ để cháy đến rằm tháng giêng.

Theo lời bà Hòe, Tết của người Tày thực sự bắt đầu bằng bữa cơm "giải xúi" ngày cuối cùng của năm cũ. Món chính của bữa này là thịt vịt. Thông thường người ta mua vịt sống về tự chế biến theo sở thích. Cũng có nhà đặt sẵn từ hôm trước vài con vịt quay. Giống như quan niệm của người Kinh cho rằng con vịt là con vật xúi quẩy nhưng khác người Kinh tìm cách tránh nó trong những dịp Lễ tết, người Tày chọn ăn thịt vịt vào cuối năm, nghĩa là chấp nhận xúi quẩy. Bởi vì cho dù xúi đến mức không còn gì xúi hơn được nữa thì cũng đã năm cùng tháng tận, hết năm lại sang vận mới và mọi rủi ro của năm cũ đều qua đi.

Còn với những gia đình người Tày ở xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang thì dù giàu hay nghèo cũng phải có một bữa cơm cá dịp đầu năm. Trẻ con được bố mẹ chuẩn bị đồ chơi tết rất đặc biệt, họ bắt những con cá nhỏ, xâu dây vào miệng, làm những bè nhỏ bằng cây chít rồi buộc cá vào. Sau đó được lũ trẻ mang xuống thả ở những dòng suối nhỏ quanh bản làng, chúng thi xem con nào kéo khỏe hơn, sau khi chơi xong chúng lại mang những con cá này về đưa bố mẹ nướng cho ăn, theo quan niệm của họ những con cá kéo bè khỏe mang nướng cho trẻ ăn trẻ sẽ khỏe người và hay ăn chóng lớn.

Bà con người Tày nơi đây tâm niệm, trong khi mổ cá tuyệt đối không được nói chuyện, không cho ai được nhòm ngó vì nếu để người khác nhìn thấy thì cá chế biến để thờ sẽ không linh thiêng nữa, tổ tiên sẽ không phù hộ. Những gia đình nào mà không có cửa, nhà không kín đáo thì phải mắc màn dưới bàn thờ để mổ cá. Các món được chế biến từ cá khá phong phú và đa dạng và đủ 12 món theo phong tục truyền thống, trong đó có các món như: Cá nướng lá gừng 12 con; ruột đồ hạt kê 12 gói (ruột cá trộn hạt kê vàng)…

Hết tháng 2 mới hết Tết

Ghé thăm bà con Tày chuẩn bị Tết ở xã Phúc Lương, huyện Đại Từ, Thái Nguyên chúng tôi lại cảm nhận được sự bình yên trong khung cảnh chập chờn sương. Ở mỗi ngôi nhà sàn, bà con đều treo lên một lá cờ đỏ sao vàng, nhìn từ xa trông ấp áp sắc xuân.

Cụ Xa Văn Đăng (83 tuổi, một thầy cúng nổi tiếng ở địa phương) chia sẻ: "Ngày đầu năm hầu như người ta không ra khỏi nhà. Xông đất và mọi giao tiếp khác đều chờ sang mồng Hai. Những chàng rể mới phải lo đi tết bố mẹ vợ. Đồ lễ là các loại bánh trái, một đôi gà đủ sống - mái. Có nơi đồ lễ có thể tới 120 đôi bánh chưng, 120 đôi bánh dày. Có nơi nhất thiết phải có miếng thịt cheo cắt suốt chiều dài con lợn. Vật quan trọng nhất là một con gà thiến. Chính vì thế những ngày này các anh ra đường thường thấy người dân đi chợ về có treo một lồng gà lủng lẳng kêu váng khắp nghe rất vui tai và ấm cúng".

Nói đến nét riêng có trong văn hóa ẩm thực của người Tày ở Thái Nguyên sẽ có món "rêu đá cay". Rêu cay có ba loại, song chỉ ăn được 2 loại, một là "cay him pho" (rêu mọc ở suối, ngòi, bám vào đá); hai là "cay tau" (rêu mọc từng đám lập lờ trên mặt hồ). Để làm món này, người ta lấy rêu đá về, rũ sạch đất cát, rửa bằng nước sạch, dùng chày gỗ đập kỹ rồi rửa đi rửa lại nhiều lần. Khi rêu đã sạch thì dùng kéo cắt hoặc dao thái thành từng đoạn ngắn, để tươi, trộn đều với tỏi, gừng, sả, ớt, muối, hạt dổi, quả muối (những gia vị này giã nhỏ). Tất cả hỗn hợp này sau đó được gói vào lá dong bánh tẻ, vùi vào lớp tro nóng, phủ lên trên một lớp than, làm sao cho chín đều nhưng đủ độ mà không cháy, khi chín lấy ra ăn với xôi hoặc cơm tẻ. Khi ăn sẽ cảm nhận được hương vị ngọt, bùi, thơm mát rất tự nhiên.

Đúng giao thừa, mọi nhà đều thắp hương và mở toang cửa để lộc ùa vào. Hương thắp trên bàn thờ có bày quả, bánh và hai cây vạn niên. Ngoài ra hương còn được thắp trong bếp, ngoài cửa. Nhưng khác với người Kinh, người Tày chỉ thắp hương mà không khấn. "Tổ tiên, ông bà… đã nhập vào chúng tôi, cùng ăn Tết với chúng tôi thì việc gì còn phải nói thành lời", cụ Đăng cười nói.

Cũng theo cụ Đăng, ở bản có nhiều nhà, trong bốn ngày tết có gia đình chưa mời được anh em trong bản đến ăn Tết với nhà mình thì họ sẽ tổ chức ăn Tết vào những ngày sau. Đến ngày rằm, mọi nhà mổ gà, lại gói bánh chưng ăn tết vào ngày mười bốn. Lễ cúng rừng vào ngày ba mươi tháng hai. Hết ngày cấm của lễ cúng rừng, cúng thần nước thì mới hết Tết.

Theo Gia đình và Xã hội