Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành dệt may có nhiều tín hiệu khởi sắc. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 12,2 tỷ USD, tăng 15%; kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng 60,1%; kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 66,2%.

Dồi dào đơn hàng nhưng dệt may vẫn đối mặt nhiều rủi ro
Dồi dào đơn hàng nhưng dệt may vẫn đối mặt nhiều rủi ro.

Một số thị trường xuất khẩu chính của ngành dần hồi phục. Nhu cầu mua sắm hàng hóa tiêu dùng như quần áo và giày dép của người Mỹ và châu Âu tăng mạnh khi kinh tế được phục hồi do dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa. Tại thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhiều DN đã có đơn hàng xuất khẩu đến quý III năm nay. Tính chung 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 12,2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, mối bận tâm của các doanh nghiệp dệt may hiện nay không phải là kiếm việc về, mà là làm sao để sản xuất kịp, giao hàng đúng hẹn cho đối tác.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), đơn hàng dồi dào, nhưng nguy cơ của doanh nghiệp sản xuất như dệt may trong làn sóng dịch thứ 4 lần này là vô cùng lớn. Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đã có ít nhất 45 doanh nghiệp dệt may phải tạm dừng sản xuất. Các doanh nghiệp dệt may có nhà máy dừng hoạt động đứng trước áp lực vừa "đội" chi phí sản xuất, vừa phải xoay tiền trả lương để giữ chân công nhân và nơm nớp đền bù khách hàng nếu không giao hàng đúng hẹn hoặc phải đổi phương thức vận chuyển đắt hơn bằng đường hàng không để kịp thời gian giao hàng đối tác.

Thị trường nửa đầu năm tốt lên, đơn hàng về nhiều nhưng nếu không làm được thì doanh nghiệp gánh thiệt hại kép, cả doanh thu và hiệu quả sản xuất. Doanh nghiệp dệt may gia công theo đơn đặt hàng của đối tác sẽ bị phạt, mất tiền gia công, còn đơn vị làm theo phương thức FOB thiệt hại sẽ lớn hơn nhiều nếu đối tác từ chối nhận hàng do chậm giao. Chưa kể, khi bị chậm sản xuất mà phải đổi việc vận chuyển hàng từ đường thủy sang đường hàng không, doanh nghiệp may chắc chắn lỗ.

Hiện nay việc tổ chức sản xuất ổn định, bảo đảm thời gian giao hàng của khách là ưu tiên số một của DN. Theo nhiều chủ doanh nghiệp dệt may, lúc này đối với DN dệt may, lo nhất là bị cách ly, giãn cách kể cả ở khu không có DN trú đóng nhưng có NLĐ ở, khiến cho NLĐ không có điều kiện để đến làm việc. 

Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp dệt may đang phải đối diện với sự thiếu hụt lao động, chi phí nhân công ngày càng tăng. So với cùng kỳ năm 2020, nhu cầu tuyển dụng trong mảng này đã tăng khoảng 50-60%. Dệt may không còn là lựa chọn hàng đầu của người lao động bởi mức lương thấp hơn các ngành khác, khiến nhiều người không mặn mà.

Ngoài ra, việc sản xuất ổn định còn phụ thuộc nhiều vào việc doanh nghiệp có “thu xếp” đủ vaccine để tiêm cho người lao động và người thân của họ hay không. Do vậy, các chủ doanh nghiệp đều mong muốn NLĐ ngành dệt may được ưu tiên tiếp cận tiêm vaccine, nhất là các DN nằm ở các địa bàn “nóng” như Bắc Ninh, Bắc Giang, TP.HCM, Hà Nội. Có như vậy thì ngành dệt may có thể yên tâm tạo đà phát triển và bứt phá.

Trong bối cảnh hiện nay, tuyển dụng đủ lao động và người lao động được tiêm vaccine sẽ tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kịp thời giao hàng, trả hàng trong thời gian đến cuối năm. Điều này không chỉ giúp nâng cao uy tín của hàng dệt may Việt Nam hiện nay mà cũng tạo nguồn lợi nhuận, tạo tiền đề cho sự bứt phá trở lại những năm tới…

Theo Trang Nhi/Congly.vn

Nguồn: https://congly.vn/doi-dao-don-hang-nhung-det-may-van-doi-mat-nhieu-rui-ro-190476.html