Theo PGS. TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Quản lý Trung Ương, từ năm 2010 đến 2018, đóng góp của bất động sản vào tăng trưởng GDP là 0,6 điểm %, toàn ngành xây dựng là 0,9 điểm %.
Cũng theo ông Chung, hiện có nhiều nguồn vốn cơ bản dịch chuyển vào thị trường bất động sản. Vốn FDI dịch chuyển vào Việt Nam, số liệu 18 tháng gần nhất cho thấy gia tăng rõ rệt. Vốn từ các Ngân hàng thương mại đã được cải thiện nhưng có xu hướng siết chặt vào cuối năm. Hiện đã đạt được 119 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu, trong đó các ngành được 90%, đây là luồng tiền quan trọng của thị trường bất động sản.
Còn nguồn kiều hối sau năm 2016 có suy giảm, nhưng đến 3 năm gần đây đạt 16 tỷ đồng vào 2019. Nguồn đầu tư tư nhân vào hạ tầng bắt đầu trỗi dây, chứng tỏ kinh tế tư nhân làm được những việc mà cách đây 20 năm chỉ là viễn cảnh. Mở rộng từ bất động sản cho thấy rất nhiều doanh nghiệp tham gia đấu thầu công trình BT là một điều tích cực.
Bên cạnh đó, nguồn phái sinh, đặc biệt là condotel, 4 năm trước nếu có những cảnh báo như hôm nay thì mọi người sẽ tỉnh táo hơn, tránh được những đổ vỡ từng phần.
Ngoài ra còn nguồn vốn vào bất động sản từ chứng khoán, đầu tư công... Tuy nhiên đầu tư công năm 2019 chậm hơn. Do đó, xem xét nguồn vốn đầu tư vào thị trường 2019, thì sẽ thấy tình hình 2020 sẽ không có nhiều biến động đặc biệt...
Ông Chung nhận định: “Vận hành vào từng thị trường ngách khác nhau sẽ khác nhau, nhưng vẫn phải quan tâm đến luồng tiền vì đây là động lực phát triển của thị trường. Năm 2020 nếu có điều gì cực đoan xảy ra thì đến trên 50% thị trường bất động sản năm 2020 sẽ theo hướng tiện tiến ngoại suy, đi lên một chút theo hướng bình ổn”.
Gặp khó về vốn?
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) Nguyễn Trần Nam cho rằng, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và biến động, song nhìn chung, thị trường bất động sản Việt Nam về cơ bản vẫn có sự phát triển ổn định, lành mạnh.
Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp bất động sản Việt Nam quy mô còn nhỏ, nguồn vốn phát triển chủ yếu là vốn vay ngân hàng và huy động từ khách hàng. Trong khi đó, Chính phủ lại có nhiều biện pháp hạn chế dòng vốn vay cho thị trường bất động sản, tốc độ tăng trưởng tín dụng giảm mạnh, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn nhất định.
Chưa kể, do những vướng mắc về mặt pháp lý, một số phân khúc như condotel, officetel không còn sôi động như giai đoạn trước. Ngoài ra, việc thực hiện những quy định về quy hoạch, xây dựng, đất đai, giải phóng mặt bằng…, kể cả thủ tục hành chính cũng được siết chặt, cũng làm giảm mạnh các dự án được phê duyệt và triển khai.
Do đó, trong năm 2020 tới đây, ông Nam lo ngại rằng, doanh nghiệp bất động sản sẽ gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Bởi, hiện hoạt động tín dụng của ngân hàng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản đang bị thắt chặt. Cụ thể: Lãi suất tiếp tục cao (lãi suất huy động lên 8,7%, cộng thêm biên độ 3% thì lãi suất cho vay lên đến 11 - 12%); nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tiếp tục giảm từ 45% xuống 40%, hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản tăng từ 150% lên 200%… khiến cho ngân hàng phải cẩn trọng hơn trong việc cho vay kinh doanh bất động sản.
Thêm nữa, hệ thống các văn bản pháp lý liên quan đến thị trường bất động sản còn chưa đồng bộ, chậm được hoàn thiện, còn chồng chéo; nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn, bất cập của cơ chế chính sách nhưng chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời dẫn đến thị trường bất động sản chưa được quản lý và kiểm soát một cách hiệu quả.
Cuối cùng, theo chủ tịch VnREA nhìn nhận, việc thiếu hụt hệ thống thông tin về thị trường bất động sản sẽ vẫn dẫn đến những lo ngại về tính minh bạch của thị trường BĐS.