Tài sản của Đức Long Gia Lai có nguy cơ bị ngân hàng rao bán
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa có thông báo lựa chọn đơn vị thẩm định giá tài sản. Theo đó, có 11 tài sản cần được thẩm định là bất động sản tại TP Hồ Chí Minh, Gia Lai, Lâm Đồng, Quảng Ngãi.
Cụ thể, tài sản thứ nhất là quyền sử dụng đất diện tích 1.195 m2 và tài sản gắn liền với đất (một phần công trình) tại 117 Trần Phú, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Thứ hai là tài sản gắn liền với đất thuê diện tích 8.000 m2 (công trình mỏ chì kẽm) tại xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai.
Thứ ba là quyền khai thác khoáng sản là quặng chì - kẽm tại xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai.
Thứ tư là tài sản gắn liền với đất thuê diện tích 21.454 m2 (khách sạn) tại xã Bình Chánh, Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Thứ năm là tài sản gắn liền với đất thuê diện tích 7.692 m2 (nhà máy chế biến gỗ số 1) tại đường Lý Nam Đế, phường Trà Bá, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Thứ sáu là tài sản gắn liền với đất thuê diện tích 9.790 m2 (nhà máy chế biến gỗ số 1 mở rộng) tại thôn 6, phường Trà Bá, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Thứ bảy là tài sản gắn liền với đất thuê diện tích 10.617 m2 (nhà máy chế biến gỗ số 2) tại đường Lý Nam Đế, phường Trà Bá, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Thứ tám là tài sản gắn liền với đất thuê diện tích 20.092 m2 (bến xe liên tỉnh) tại Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Thứ chín là tài sản gắn liền với đất thuê diện tích 891,2 m2 (cửa hàng trưng bày sản phẩm đồ gỗ, đá) tại 614 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Thứ mười là tài sản hình thành sau đầu tư thuộc dự án Nhà máy linh kiện điện tử Ansen trên đất thuê diện tích 891,2 m2 tại Khu công nghệ cao phường Tăng Nhơn Phú A và phường Tân Phú, quận 9, Tp. Hồ Chí Minh.
Cuối cùng là nhà ở và quyền sử dụng đất ở tổng diện tích 442.62 m2 trên 06 thửa đất liền kề tại 95, 97, 99, 99A Hai Bà Trưng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Mặc dù BIDV không công bố số tài sản này của doanh nghiệp nào, nhưng có thể dễ dàng nhận thấy những dự án nổi tiếng của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã chứng khoán: DLG) như Nhà máy linh kiện điện tử Ansen (quận 9, TP Hồ Chí Minh) hay bất động sản tại đường Hai Bà Trưng, TP Pleiku, Gia Lai chính là Khách sạn Đức Long Gia Lai I cao 12 tầng.
Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên BIDV thẩm định các dự án của DLG, mà trước đó hồi tháng 2/2020, nhà băng này cũng đã thực hiện bán đấu giá 582,7 m2 đất tại số 97/2, đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh, TP HCM của DLG. Giá khởi điểm của khối tài sản này là 57 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính 2019 của Đức Long Gia Lai, quyền sử dụng đất này có nguyên giá là hơn 66,7 tỷ đồng hiện đang cho thuê. Tuy nhiên, trong năm 2019, khối tài sản này đã tăng thêm 12,5 tỷ đồng, nên tính đến cuối năm 2019, có giá trị hơn 79 tỷ đồng.
Như vậy, mức giá khởi điểm mà BIDV đưa ra để đấu giá khu đất này thấp hơn 10 tỷ đồng so với nguyên giá của khu đất.
Kinh doanh liên tục chịu lỗ lớn?
Cũng trong thời gian vừa qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã công bố BCTC quý 3/2020 và lũy kế 9 tháng đầu năm 2020. Theo đó, riêng quý 3 doanh thu thuần đạt gần 478 tỷ đồng giảm 27% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp đạt 114,7 tỷ đồng giảm 15% so với quý 3/2019.
Trong kỳ chỉ có chi phí bán hàng được cắt giảm trong khi đó chi phí tài chính ở mức cao với 111,4 tỷ đồng và đáng chú ý là gần 261 tỷ đồng chi phí QLDN cao gấp 5,7 lần cùng kỳ là nguyên nhân chính dẫn đến khoản lỗ sau thuế gần 254 tỷ đồng trong quý 3/2020, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi sau thuế 46,7 tỷ đồng.
Trong danh mục chi phí QLDN của DLG, công ty đang phải trích gần 215 tỷ đồng chi phí dự phòng nợ phải thu khó đòi. Tại ngày 30/9/2020, DLG đã cho một số tổ chức, cá nhân vay 2.340 tỷ đồng (tương đương 27% tổng giá trị tài sản). Trước đó, ngày 30/6/2020, DLG cũng đã cho một số tổ chức, cá nhân vay 2,487 tỷ đồng (tương đương 29.96% tổng giá trị tài sản). Đang chú ý là các khoản cho vay này đều không có tài sản đảm bảo.
Trước đó DLG cũng báo lỗ lớn trong nửa đầu năm nên kết quả lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 Đức Long Gia Lai lỗ sau thuế 549 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ chịu lỗ hơn 526 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lợi nhuận sau thuế đạt hơn 94 tỷ đồng.
Được biết năm 2020, DLG lên kế hoạch 2.500 tỷ đồng doanh thu, giảm 13% so với năm 2019; lợi nhuận kỳ vọng đạt 80 tỷ đồng. Nguồn thu trong năm 2020 của Công ty chủ yếu đến từ các lĩnh vực sản xuất điện tử và linh kiện điện tử, thu phí các dự án BOT đường quốc lộ 14, xây dựng (tổng thầu các dự án) và kinh doanh khách sạn, dự án thủy điện. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm với khoản lỗ hơn 526 tỷ đồng thì con số mục tiêu kinh doanh trên là khó khả thi.
Đáng chú ý trước đó tại BCTC bán niên 2020, kiểm toán còn đưa ý kiến nhấn mạnh nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn phụ thuộc vào hoạt động có lãi trong tương lai hoặc kết quả thỏa thuận với các chủ nợ về việc gia hạn/cơ cấu lại nợ gốc, nợ lãi, giảm lãi… để đảm bảo cho Tập đoàn có đủ nguồn lực tiếp tục hoạt động bình thường trong các năm tiếp theo.
Tổng nguồn vốn của DLG giảm 291 tỷ đồng xuống còn 5.064 tỷ đồng. Vay nợ tài chính ngắn hạn tới 1.113 tỷ đồng, còn dài hạn là 362 tỷ đồng, ngày càng tăng so với đầu kỳ. Vay ngắn hạn của DLG ghi nhận tại cả cá nhân, tổ chức và ngân hàng. Trong đó vay BIDV hơn 334 tỷ, Sacombank 223 tỷ, VietinBank hơn 61 tỷ; còn dài hạn BIDV là 152 tỷ, VietinBank 48 tỷ, Sacombank 253 tỷ...
Những khoản vay này đều được thế chấp bằng dự án đầu tư xây dựng bến xe khách liên tỉnh phía Nam TP Đà Nẵng, dự án Cao ốc Đức Long Tower Gia Lai, dự án trồng 744ha cao su tại xã Ia Blứ (Gia Lai), dự án khai thác và chế biến quặng chì kẽm, trung tâm điều hành Tập đoàn Đức Long...
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai là một trong những Tập đoàn kinh tế tư nhân lớn của Việt Nam, được thành lập từ năm 2015 và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con với hơn 30 công ty thành viên, 4 công ty liên kết hoạt động ở nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Tập đoàn có 5 công ty thành viên trụ sở đặt tại nước ngoài: 2 công ty tại hai thành phố lớn của Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc và Mỹ.