Đa phần nạn nhân của những vụ lừa đảo công nghệ cao đều nói đã nghe về hình thức lừa đảo kiểu này và đã cảnh giác rồi nhưng vì thủ đoạn của đối tượng quá tinh vi nên nạn nhân bị chúng thuyết phục lúc nào không biết. Ai cũng nghĩ mình là người ngoài cuộc của những trò lừa đảo tưởng chừng rất cũ và rồi thực tế thì vẫn có nhiều nạn nhân mới…
Chỉ riêng tại Hà Nội, từ đầu năm 2019 đến nay, cơ quan CSĐT, CATP Hà Nội đã nhận được đơn thư tố giác từ 18 nạn nhân với tổng số tiền bị chiếm đoạt lên đến gần 33 tỷ đồng. Đây là con số đáng báo động về sự tinh vi của đối tượng lừa đảo và đồng nghĩa với sự chủ quan của các nạn nhân. Qua điều tra, các cán bộ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao- CATP Hà Nội đã chỉ ra điểm chung của những vụ lừa đảo này là các đối tượng lừa đảo sử dụng mạng Internet, mạng viễn thông và nêu những thủ đoạn chủ yếu bọn chúng sử dụng.
Thứ nhất là thủ đoạn giả danh CA, cán bộ tòa án. Khi “vào vai” này, ý đồ của các đối tượng là dọa dẫm, bắt bị hại chuyển tiền vào tài khoản. Ban đầu, đối tượng tự xưng là nhân viên bưu điện gọi điện thoại đến thông báo cho người bị hại là họ đang nợ tiền cước điện thoại, có bưu phẩm gửi ở các bưu điện lâu ngày không đến nhận, thiếu nợ tiền ngân hàng do người khác lấy CMND đăng ký mở tài khoản ngân hàng...
Khi nạn nhân trả lời là không có những việc trên thì đối tượng hướng dẫn, nối máy cho nạn nhân nói chuyện với đối tượng giả danh là cán bộ các CQCA, VKS, tòa án để trình báo... Lúc này, đối tượng tiếp tục thông báo cho người bị hại là họ đang liên quan đến các vụ án, chuyên án của CQCA đang điều tra như: Buôn bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia... và đã có lệnh bắt của VKSND tối cao, yêu cầu kê khai tài sản, tiền mặt hiện có, tiền trong các tài khoản ngân hàng.
Không ít nạn nhân bị lừa thông qua mạng xã hội facebook. (Ảnh: T.L) |
Sau đó, chúng vừa dùng những lời lẽ đe dọa về việc người bị hại sẽ bị bắt tạm giam để điều tra, vừa nói sẽ xem xét tạo điều kiện nếu như người bị hại thành khẩn khai báo. Bước cuối cùng, chúng yêu cầu người bị hại chuyển tiền vào tài khoản chỉ định để xác minh nguồn tiền, phục vụ điều tra khiến người bị hại sợ bị bắt tạm giam, mất danh dự, uy tín nên phải chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng.
Thứ hai là thủ đoạn giả vờ yêu đương, tặng quà rồi nhờ… chuyển khoản. Công thức của chiêu lừa này như sau: Thông qua mạng xã hội, đối tượng tìm hiểu, làm quen với người bị hại, tập trung vào nhóm người phụ nữ độc thân, các phụ nữ thiếu thốn tình cảm, sống đơn thân còn chúng tự nhận là doanh nhân, người có điều kiện kinh tế, quân nhân, sinh sống tại nước ngoài... Sau khi làm quen, tạo dựng tình cảm, các đối tượng thông báo gửi các món quà giá trị như laptop, iPhone, túi xách, nữ trang… đắt tiền từ nước ngoài cho người bị hại.
Đối tượng tạo lập các trang web có ghi thông tin đơn hàng đang vận chuyển cho người bị hại tự kiểm tra để tin tưởng. Sau đó, chúng giả mạo nhân viên hãng vận chuyển, hải quan, yêu cầu người bị hại chuyền tiền để nộp phí nhận hàng. Tiếp theo, các đối tượng thông báo trong bưu kiện có số lượng tiền lớn, yêu cầu người bị hại chuyển thêm tiền để mua giấy chứng nhận khoản tiền trong bưu phẩm không vi phạm pháp luật. Sau khi người bị hại chuyển tiền, đối tượng sẽ cắt đứt liên lạc.
Thủ đoạn thứ ba là chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội. Sau khi tìm cách chiếm đoạt được tài khoản mạng xã hội (chủ yếu là tài khoản facebook), đối tượng nhắn tin nhờ bạn bè, người quen nhận tiền hộ từ nước ngoài, xin người bị hại số tài khoản, số điện thoại. Sau đó, đối tượng gửi các tin nhắn giả mạo thông báo nhận tiền, dẫn dắt người bị hại đến các website giả mạo. Các website này yêu cầu người bị hại phải nhập các thông tin tài khoản ngân hàng như ID, mật khẩu tài khoản Internet banking, tên, số thẻ... Sau khi có thông tin, các đối tượng đăng nhập và chuyển tiền trong tài khoản của người bị hại đến các tài khoản của đối tượng.
Để không trở thành nạn nhân của những chiêu trò mà nhóm đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, yếu tố cần thiết đầu tiên là mọi người cần thực sự tỉnh táo, luôn cảnh giác và không chủ quan, không để đối tượng có cơ hội tiếp cận, chuyện trò với mình; khước từ và có thái độ dứt khoát với những kẻ manh nha có ý đồ tiếp cận để diễn trò. Trong tất cả các trường hợp, cuộc gọi, tin nhắn nhận được, nếu nghi ngờ là của đối tượng lừa đảo, hãy lập tức cung cấp thông tin đến cơ quan chức năng để làm cơ sở điều tra; điều này rất có ý nghĩa trong việc giúp CQCA đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn hành vi phạm tội của những đối tượng này vào nạn nhân khác.
Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/dung-ai-tu-cho-minh-la-nguoi-ngoai-cuoc-149708.html