Theo báo cáo ngày 7/8 của Bộ Công Thương, giá lúa gạo trên thị trường đang thấp hơn nhiều so với cùng kỳ mọi năm khoảng 500 - 600 đồng/kg. Không chỉ lúa gạo, các mặt hàng nông sản như thanh long, sầu riêng, xoài,... cũng đang giảm sâu.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải thích: Giá lúa gạo, và giá nhiều mặt hàng đang giảm mạnh, không phải là do cung cầu, mà là do đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng.
“Các khách quốc tế vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp không giao hàng được. Trong khi Tân Cảng là cảng container chính ngưng nhận giao gạo xuất khẩu từ tháng 07/2021 và chưa rõ khi nào có thể tiếp tục thì lượng container ứ đọng tại cảng Cát Lái lớn do chỉ còn 50% nhân sự làm việc”, ông Tùng cho biết.
Điều đáng lo ngại, hiện nay, lúa chưa thu hoạch tại nhiều địa phương còn rất nhiều, nhất là lúa vụ Hè Thu, đến nay mới chỉ thu hoạch hơn 600 nghìn ha trên tổng số gần 1,6 triệu ha gieo cấy. Nếu không có giải pháp tiêu thụ gạo khẩn cấp, rất có thể tạo ra một sự dư thừa rất lớn.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng: Vụ mùa năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, doanh nghiệp phải thực hiện "3 tại chỗ", năng lực sản xuất giảm khiến giá lúa giảm trong 2 tuần gần đây. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đăng ký mua lúa cho nông dân song họ vẫn còn tâm lý chờ đợi, chờ cho giá xuống thấp để bắt đáy, có hiệu quả lợi nhuận cao hơn.
Liên quan đến vấn đề vận chuyển, ông Trần Anh Thư cho rằng, giữa các địa phương cần thống nhất việc kiểm soát phương tiện đi mua lúa, tạo điều kiện cho thương lái đi thu mua. Tình hình ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái, khi dung lượng dành cho hàng nhập chạm ngưỡng 100% công suất, lượng container tồn bãi gần hết công suất.
Khiến nhiều tàu phải nằm chờ ở bên ngoài đợi vào lấy gạo, phải có phương án cho tàu vào lấy gạo thì doanh nghiệp mới tháo gỡ được gạo trong kho, sau đó mới đi mua tiếp cho nông dân.
“Logistics tháo gỡ thì mới có thể tháo gỡ ách tắc gạo ở trong kho và dòng vốn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp mới có thể thu mua lúa mới”, ông Trần Anh Thư nói.
Đồng tình với nhận định trên, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ: Đối với vụ lúa Hè Thu, thông thường việc giá cả sẽ do yếu tố cung và cầu. Tuy nhiên, năm nay có sự đặc biệt đó là trong bối cảnh dịch Covid-19. Do đó, cần đánh giá tổng thể hơn và gắn với dịch Covid-19.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, logistics các nước, đặc biệt từ Việt Nam đi đến các thị trường xuất khẩu chắc chắn bị ảnh hưởng. Container thiếu, giá cả vận tải tăng, do đó, nhiều doanh nghiệp không dám ký các hợp đồng vì lo ngại không đáp ứng được. Tuy nhiên, tín hiệu tốt là thị trường Trung Quốc đang có nhu cầu nhập gạo của Việt Nam.
"Một số địa phương làm chặt quá khiến thương lái không thu mua được, ảnh hưởng đến giá lúa, do vậy các địa phương phải có phương án tạo điều kiện lưu thông an toàn, không thể đóng tất cả được" , Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Về tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hay vấn đề quá tải ở cảng Cát Lái, hiện, các Bộ ngành có liên quan trực tiếp đã có những chỉ đạo sát sao và bước đầu đã cơ bản được giải quyết. Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định, việc này không thể trong “ngày một, ngày hai” mà trở lại như trước đó.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng lưu ý các địa phương, doanh nghiệp thu mua lúa gạo, thay vì đưa hàng lên TP. Hồ Chí Minh, lên cảng Cát Lái mới đóng container, thì nên làm trước việc này tại ngay các địa phương, doanh nghiệp. Việc này giúp giảm tải cả về nguồn nhân lực, địa điểm, diện tích đóng container tại cảng Cát Lái.
Liên quan đến dự trữ gạo quốc gia hay tạm trữ gạo tại doanh nghiệp. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, hai phương án này đều tính tới nhưng cần ưu tiên phương án tạm trữ gạo đối với doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp tháo gỡ được thì người nông dân, thương lái cũng sẽ tháo gỡ được. Nếu tiếp tục khó khăn thì vẫn cần tính đến dự trữ gạo quốc gia.
Nguồn: https://congluan.vn/dut-gay-chuoi-cung-ung-lua-gao-vu-he-thu-dang-co-nguy-co-du-thua-rat-lon-post148947.html