Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn
Trong năm 2021, Việt Nam có 1.738 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt trên 15,2 tỷ USD, tăng 4,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Về vốn đăng ký điều chỉnh, có 985 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 9,01 tỷ USD, tăng 40,5% so với năm trước.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 18,1 tỷ USD, chiếm tới 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Các ngành kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là trên 2,6 tỷ USD và trên 1,4 tỷ USD...
Năm qua, có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 10,7 tỷ USD, chiếm 34,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 5 tỷ USD, chiếm 15,9% và Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,9 tỷ USD, chiếm 12,5%.
2021 cũng là năm thu hút thêm nhiều dự án lớn từ vài trăm triệu đến nhiều tỷ USD từ vốn FDI như: Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh, nhà máy nhiệt điện Ô Môn, nhà máy sản xuất giấy Kraft Vina... Loạt dự án tỷ đô của Foxconn, Lego, Pegatron, Jinko Solar, Luxshare... đã đầu tư vào Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh...
Mới đây, Quảng Ninh đã chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án Sangshin Central Việt Nam của Công ty Sangshin Electronics Co., Ltd (Hàn Quốc). Theo đó, nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc sẽ xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử với sản phẩm chính là bộ lọc tiếng ồn, cuộn cảm và linh kiện bằng nhựa đúc… có tổng mức đầu tư 81,2 tỷ đồng, tương đương 3,5 triệu USD. Đây là dự án thứ hai của nhà đầu tư Sangshin Electronics sau dự án đầu tư từ năm 2017 tại Khu công nghiệp Đại An, tỉnh Hải Dương. Việc mở rộng tại thời điểm kinh tế có nhiều biến động vì Covid-19 cho thấy Việt Nam vẫn được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn với nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc.
Không chỉ Sangshin Electronics, nhiều nhà đầu tư ngoại cũng liên tục đẩy mạnh hoạt động đầu tư. Mới đây, Tập đoàn Kurz (Đức) đã nhận chứng nhận đăng ký đầu tư để triển khai xây dựng nhà máy chuyên sản xuất nhũ và màng mỏng công nghệ cao tại Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định. Dự án có vốn đầu tư 40 triệu USD, dự kiến đi vào hoạt động giữa năm 2023.
Trong khi đó, Bắc Ninh cũng vừa ký thỏa thuận với Tập đoàn Amkor Technology, Inc (Mỹ) phát triển dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C.
Mặc dù không có nhiều cam kết “khủng” như giai đoạn trước khi có dịch Covid-19, nhưng các động thái của nhà đầu tư nước ngoài đã cho thấy, rất có thể hoạt động FDI tại Việt Nam sẽ sôi động trở lại trong thời gian tới.
Chủ động xúc tiến đầu tư
Tại Việt Nam, với những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, do đó kinh tế vẫn đạt kết quả tích cực, duy trì tăng trưởng dương trong năm 2020 và bứt phá vào cuối năm 2021. Kết quả này cộng hưởng với nỗ lực thực hiện cam kết các FTA, sẽ mang lại những tín hiệu tăng trưởng khả quan cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới cũng như thu hút FDI.
Điển hình là các FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)... Đặc biệt là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được kỳ vọng tạo ra một khu vực thương mại tự do mới có quy mô lớn, thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, góp phần phát triển kinh tế ASEAN, trong đó có Việt Nam và các đối tác.
Theo kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2020, đa số doanh nghiệp FDI tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn, với lợi thế chính trị ổn định, thủ tục hành chính dần thông thoáng, thanh kiểm tra và chi phí không chính thức đã giảm bớt. Những thành công ban đầu trong việc kiểm soát dịch bệnh, chính trị ổn định, môi trường kinh doanh không ngừng cải thiện, cùng các điều kiện khuyến khích thương mại và đầu tư quốc tế đã đưa Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút FDI.
Ngoài ra, sự chủ động trong xúc tiến đầu tư, tiếp xúc doanh nghiệp FDI trong năm qua đã phần nào mang lại kết quả nhất định khi nhiều nhà đầu tư lớn cam kết đầu tư lâu dài, bền vững tại Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, để thu hút được hàng chục tỷ USD đầu tư vào Việt Nam trong năm 2021, Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã thực hiện chiến lược thu hút đầu tư FDI chủ động để tiếp cận những nhà đầu tư tiềm năng.
“Ngay trong dịch bệnh, các hoạt động xúc tiến đầu tư vẫn được duy trì dưới hình thức trực tuyến. Bên cạnh các hội nghị, hội thảo quảng bá môi trường đầu tư, Bộ vẫn có những cuộc họp riêng với đối tác lớn như Google, Apple, Intel, Dell... và luôn lắng nghe, cung cấp đủ thông tin họ quan tâm”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
Bên cạnh đó, Bộ cũng thành lập các đoàn công tác để cùng đồng hành với nhà đầu tư từ khâu hỗ trợ nhập cảnh đến khảo sát địa bàn, kết nối, làm việc với các bộ, ngành, địa phương.
Ở cấp địa phương, nhiều tỉnh thành cũng triển khai kế hoạch tiếp cận nhà đầu tư chiến lược và chủ động "săn đón" các dự án tỷ đô. Theo Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Quang Thành, những năm qua tỉnh này luôn kiên định thu hút dự án đầu tư sử dụng ít lao động, ít đất, suất vốn đầu tư cao, hiệu quả kinh tế cao và công nghệ cao. Đồng thời, tỉnh thực hiện "5 sẵn sàng" gồm sẵn sàng mặt bằng, nhân lực, cải cách, hỗ trợ và chống dịch.
Dù bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, nhưng năm qua Hà Nội vẫn đứng thứ 5 tỉnh, thành thu hút FDI cao. TP nỗ lực, quyết tâm hỗ trợ, đồng hành giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp FDI. Từ ngày 21/9/2021 đến nay, Hà Nội đã cấp phép điều chỉnh vốn cho một số dự án lớn sau khi nhận được đề nghị tăng vốn của nhiều đơn vị FDI. Thành phố đã tổ chức hội nghị "Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp FDI trên địa bàn thành phố trong bối cảnh dịch Covid-19”. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng sẵn sàng tạo điều kiện để thu hút đầu tư, từ quỹ đất sạch, nguồn cung cấp điện, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghiệp phụ trợ đến cải thiện thủ tục hành chính…
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay, để tăng sức hút, đón đầu dòng dịch chuyển FDI trong năm 2022 và thời gian tới, Bộ tiếp tục đề xuất 6 giải pháp lớn, trong đó điển hình như chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bổ sung chính sách và biện pháp để phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư FDI có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; chủ động phối hợp với các cơ quan ngoại giao, hiệp hội doanh nghiệp, công ty tư vấn, công ty luật... để tiếp cận, lên danh sách các doanh nghiệp đang quan tâm đến đầu tư vào Việt Nam để chủ động tiếp cận, trao đổi, mời vào đầu tư...
Bên cạnh việc duy trì và thắt chặt quan hệ hợp tác đầu tư với các đối tác đầu tư truyền thống từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ..., Việt Nam đẩy mạnh xây dựng và cải thiện quan hệ hợp tác đầu tư với các quốc gia châu Âu như: Áo, Bỉ, Phần Lan, Anh, Pháp, Thụy Sĩ…
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/fdi-nam-2022-cu-hich-tu-cac-du-an-ty-usd.html