Dự báo tăng trưởng trung hạn tích cực
Ngày 8/12/2023, Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB), triển vọng “Ổn định”. Theo Fitch Ratings, việc nâng hạng phản ánh triển vọng tăng trưởng trung hạn thuận lợi của Việt Nam, được củng cố bởi dòng vốn FDI mạnh mẽ mà kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy những cải thiện bền vững về các chỉ số cơ cấu tín nhiệm. “Chúng tôi ngày càng tin tưởng rằng, những trở ngại kinh tế trong ngắn hạn do căng thẳng trong lĩnh vực bất động sản, nhu cầu bên ngoài yếu và sự chậm trễ trong việc thực thi chính sách… khó có thể ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế vĩ mô trong trung hạn”.
Cụ thể theo kịch bản cơ sở, Fitch Ratings dự báo tăng trưởng GDP sẽ ở mức 4,8% vào năm 2023; 6,3% vào năm 2024 và 6,5% vào năm 2025. Tăng trưởng GDP trung hạn dự báo khoảng 7%. Khả năng cạnh tranh về chi phí, lực lượng lao động được đào tạo của Việt Nam so với các quốc gia khác và việc tham gia các hiệp định thương mại tự do khu vực và toàn cầu là tín hiệu tốt cho dòng vốn FDI tiếp tục mạnh mẽ trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” vào tháng 9 vừa qua có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động thương mại và FDI của Hoa Kỳ vào Việt Nam.
Theo đánh giá của Fitch Ratings, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã dần cải thiện sau mức giảm mạnh trong năm 2022. “Điều này phần nào phản ánh sự quay trở lại của dòng vốn và thặng dư thương mại lớn hơn. Chúng tôi kỳ vọng dự trữ ngoại hối sẽ cải thiện hơn nữa trong giai đoạn 2024 - 2025”, tổ chức này dự báo.
Một trong những yếu tố được Fitch Ratings đánh giá cao trong hồ sơ tín nhiệm của Việt Nam là nợ Chính phủ ở mức thấp hơn nhiều so với các nước có cùng xếp hạng BB. Cơ cấu nợ nước ngoài của Việt Nam vẫn thuận lợi do phần lớn nợ là nợ song phương và đa phương. Điều này dẫn đến gánh nặng trả nợ nước ngoài thấp hơn và hỗ trợ củng cố chỉ số thanh khoản. Trong trung hạn, thu ngân sách sẽ được củng cố nhờ vào các giải pháp mở rộng cơ sở thu thuế đặt ra tại Chiến lược tài chính đến năm 2030 của Việt Nam.
Theo Fitch Ratings, các yếu tố (riêng lẻ hoặc cùng lúc) có thể, dẫn đến hành động xếp hạng tiêu cực/hạ cấp gồm:
* Tài chính công: Sự kết tinh của các khoản nợ tiềm tàng trên bảng cân đối kế toán của Chính phủ hoặc tình trạng thâm hụt tài chính cao hơn kéo dài trong một thời gian dài, dẫn đến việc không ổn định được nợ Chính phủ trong trung hạn.
* Tài chính bên ngoài: Sự sụt giảm liên tục trong dự trữ ngoại hối liên quan đến áp lực lên tỷ giá hối đoái sẽ góp phần làm suy yếu vị thế ròng của chủ nợ bên ngoài.
Các yếu tố (riêng lẻ hoặc cùng lúc) có thể dẫn đến hành động xếp hạng tích cực/nâng cấp gồm:
*Hiệu quả và chính sách kinh tế vĩ mô: Tăng trưởng cao được duy trì giúp giảm khoảng cách GDP bình quân đầu người với các nước xếp hạng tương đương và những cải thiện trong khuôn khổ chính sách vĩ mô bao gồm cả việc nâng cao tính minh bạch.
*Tài chính công: Giảm đáng kể rủi ro liên quan đến các khoản nợ tiềm tàng, bao gồm thông qua việc tính toán tốt hơn những rủi ro đó và cam kết rõ ràng hơn của Chính phủ để giải quyết chúng nếu xảy ra.
TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, đây là một tin rất tích cực đối với Việt Nam. “Trong bối cảnh nợ công, nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách của nhiều nước cùng thứ hạng tương đối cao và có rủi ro, thì tại Việt Nam đều ở mức độ khá thấp, an toàn, trong ngưỡng cho phép và đây là một trong những điểm chính để họ nâng hạng. Cùng với đó, Việt Nam vẫn duy trì được ổn định nền kinh tế vĩ mô”, chuyên gia này nhận định về lý do Fitch Ratings tăng xếp hạng.
Tăng hấp dẫn của Việt Nam - điểm đến đầu tư
Về tác động, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, trong bối cảnh thế giới đang nhiều biến động thì thông tin tích cực này giúp tăng hấp dẫn của Việt Nam là điểm đến đối với đầu tư và thương mại. Việc dịch chuyển chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất gắn với công nghệ đang diễn ra thì đây cũng là yếu tố tích cực để chúng ta triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách thu hút đầu tư mới của Việt Nam. Đồng thời, việc được nâng hạng cũng có thể giúp chi phí đi vay vốn của Việt Nam giảm đi.
Cùng quan điểm trên, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, việc nâng hạng sẽ có tác động tích cực ở nhiều phương diện. Trong đó, sẽ giúp củng cố thêm niềm tin của các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư nước ngoài (kể cả nhà đầu tư trực tiếp lẫn nhà đầu tư gián tiếp) đối với nền kinh tế Việt Nam. “Như vậy có kỳ vọng là những cam kết về đầu tư trực tiếp đối với Việt Nam cũng như trong giải ngân vốn đầu tư thời gian tới sẽ gia tăng. Bên cạnh đó, đầu tư gián tiếp (như mua bán, sáp nhập, đầu tư trên thị trường chứng khoán…) cũng sẽ gia tăng”, chuyên gia này nhận định.
Cùng với đó, việc nâng hạng cũng gửi đi một tín hiệu tích cực đến thị trường quốc tế, khi một tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã “đóng dấu xác nhận” ở cấp độ cao hơn về lòng tin đối với kinh tế Việt Nam và triển vọng tăng trưởng. Một điểm tốt nữa là chi phí vay vốn của Việt Nam trên thị trường quốc tế (kể cả của khu vực công và khu vực tư) trong trung hạn có thể được giảm bớt. Bởi khi xếp hạng tín nhiệm tăng thì thường song hành với đó là chi phí vay vốn sẽ giảm đi. “Tôi cho rằng cùng với các lợi ích cụ thể như vậy, việc nâng hạng này cũng cho thấy các chính sách quản lý về mặt vĩ mô của Việt Nam đang đi đúng hướng, tích cực và qua đó có thêm niềm tin để tiếp tục thực hiện các chính sách này”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Việc Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam trong bối cảnh thế giới đối mặt với các thách thức về suy giảm tăng trưởng, kinh tế, thương mại cũng như sự gia tăng các rủi ro về tài chính ở nhiều quốc gia đã thể hiện sự đánh giá hết sức tích cực của cộng đồng quốc tế về nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam thời gian qua nhằm ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế, củng cố nền tảng chính trị - xã hội; nỗ lực của các bộ, ngành liên quan trong việc cập nhật thường xuyên và định kỳ truyền tải thông tin về những thành tựu, kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đến các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và cộng đồng nhà đầu tư. Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Fitch và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng như tổ chức quốc tế khác để tiếp tục có đánh giá đầy đủ và cập nhật về hồ sơ tín nhiệm của Việt Nam thời gian tới đây./.
Nguồn: https://reatimes.vn/fitch-ratings-nang-xep-hang-cua-viet-nam-20201224000024397.html