Đối tượng lừa đảo có thể mua các tên miền website có địa chỉ dễ gây nhầm lẫn với địa chỉ ngân hàng mà khách hàng muốn truy cập (chỉ khác nhau một ký tự) và thiết kế giao diện website giống hệt với trang web thật khiến người xem nhầm tưởng để lừa đảo.

Thực tế, nhiều người đã mất tiền trong tài khoản sau khi truy cập vào đường link giả mạo ngân hàng và vô tình cung cấp thông tin tài khoản và mã OTP cho kẻ gian. Do đó, khách hàng tuyệt đối không nhấp vào liên kết do người lạ cung cấp, kể cả khi liên kết đó được gửi từ bạn bè (không loại trừ trường hợp tài khoản của họ đã bị hack).

Các ngân hàng khuyến cáo, người dùng không nhập mật khẩu, mã OTP, không cung cấp thông tin vào bất kỳ các trang mạng hoặc đường link không rõ nguồn gốc.

Bên cạnh đó, các ngân hàng còn khuyến cáo người dùng phải kiểm tra thật kỹ tên liên kết của ngân hàng cần giao dịch xem có bị giả mạo không trước khi thực hiện các giao dịch trực tuyến (các liên kết giả mạo thường chỉ thay đổi một vài ký tự mà người dùng khó nhận biết); không lưu mật khẩu vào ghi chú trên điện thoại hoặc các giấy tờ không được bảo mật. Số tiền trong tài khoản thanh toán không nên để nhiều, nên chuyển qua các tài khoản tiết kiệm.

Trong trường hợp nghi ngờ đã bị lừa bằng các hình thức trên, người dùng nên tiến hành thay đổi thông tin tài khoản, mật khẩu, thiết đặt các cấu hình bảo mật cho tài khoản của mình sử dụng.

Hiện nay, rất nhiều ngân hàng bị giả mạo website theo cách rất tinh vi, đôi khi chỉ khác một chữ cái trong tên miền khiến nhiều người vì thiếu hiểu biết, không kiểm tra kĩ càng dẫn đến mất số tiền lớn vào tay kẻ gian.

Theo Công luận

Nguồn: https://congluan.vn/gia-mao-website-ngan-hang-de-lua-dao-gia-tang-manh-dip-can-tet-post114582.html