Nhiều hội nhóm “bùng nợ”

Tín dụng tiêu dùng đang trong giai đoạn khó khăn nhất trong vòng hơn 15 năm qua. Dư nợ cho vay của nhóm công ty tài chính tiêu dùng tính tới cuối tháng 6/2023 giảm 10,2% so với thời điểm cuối năm 2022. Nợ xấu của nhóm công ty tài chính cũng tăng từ mức 10,7% cuối năm 2022 lên 12,5% cuối tháng 6/2023 - theo thống kê của Fiingroup.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, tính đến 31/8, dư nợ cho vay tiêu dùng của 16 công ty tài chính là 135.945,36 tỷ đồng (chiếm hơn 5% dư nợ cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng). Thực trạng nợ xấu của các công ty tài chính đang tăng cao là hồi chuông cảnh báo về tình trạng người vay không thực sự nghiêm túc trong việc trả nợ vay. Theo đại diện của Hiệp hội Ngân hàng, ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung còn có khách hàng cố tình không trả nợ, rủ nhau bùng nợ.

Hiện nay, cho vay thông qua phương tiện điện tử đang ngày càng phổ biến. Các công ty tài chính tiêu dùng đang thực hiện tiếp cận khách hàng từ việc quảng cáo vay không cần tài sản đảm bảo trên các mạng xã hội ngày càng nhiều. Nhưng từ đây, các hội nhóm rủ nhau bùng nợ, trốn nợ cũng lập ra với sự tham gia của ngày càng nhiều thành viên.

Chỉ cần tìm kiếm với từ khóa "bùng nợ" trên các mạng xã hội lập tức sẽ có hơn 100 hội nhóm. Đáng nói, những hội nhóm này lại có lượng thành viên tham gia rất lớn. Một số hội nhóm có hơn 10.000 thành viên tham gia. Thậm chí có nhóm lên tới 132.000 thành viên... Đáng chú ý mỗi ngày có hơn chục bài đăng với nhiều nội dung như hỏi cách "bùng nợ", hướng dẫn chiêu quỵt nợ các app cho vay... và dưới mỗi bài đăng đều có sự tương tác rất lớn.

Theo ông Lê Quốc Ninh - Chủ nhiệm câu lạc bộ tài chính tiêu dùng, Tổng Giám đốc Mcredit, có nhiều người "đánh đồng” các tổ chức tín dụng đen với các công ty tài chính cho vay tiêu dùng và khách hàng cố tình "bùng nợ". Hàng loạt hội nhóm ra đời chia sẻ cách thức trốn nợ, người trước bảo người sau, tạo hệ lụy lớn cho cho thị trường cũng như các công ty tài chính.

Gia tăng tình trạng 'bùng nợ' tập thể
Gia tăng tình trạng 'bùng nợ' tập thể

Hệ lụy khó vay vốn

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Quyền Tổng Giám đốc FE Credit chia sẻ, nếu như 2 năm trước số vụ việc nhân viên đòi nợ của doanh nghiệp này bị gây khó khăn chỉ có 2 trường hợp thì từ cuối năm 2022 đến nay đã trầm trọng hơn, lên tới 24 - 25 vụ. Nguyên nhân chủ yếu do sự thiếu hiểu biết của người vay. “Họ không biết được hậu quả của hành vi này. Họ hiểu đơn giản là họ thích thì trả, họ đang khó khăn thì họ không trả. Hành lang pháp lý chưa chặt chẽ cũng gây khó khăn cho công ty tài chính, gây tâm lý hoang mang cho nhân viên thu hồi nợ” - bà Nguyệt nói.

Còn TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, cần có luật riêng cho ngân hàng thương mại và luật riêng cho các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, trong đó có cho vay tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần phải hoàn thiện hơn nữa chuẩn mực với hoạt động cho vay tiêu dùng cũng như trả nợ, đòi nợ.

“Nhiều người đang có quan niệm sai lầm rằng: Lỗi luôn thuộc về người cho vay chứ không phải người vay, giống như khi va chạm xảy ra giữa ô tô và người đi bộ thì lỗi luôn thuộc về người lái ô tô. Rõ ràng đó là quan niệm chưa công bằng về quyền lợi, trách nhiệm giữa bên vay và bên cho vay, vì vậy cần luật hóa để công bằng hơn” - ông Lực lý giải.

Là người trong cuộc, ông Lê Quốc Ninh - Tổng Giám đốc Mcredit, mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ các lực lượng thu hồi nợ và nhân sự của các công ty tài chính tiếp cận khách hàng để tìm giải pháp, thay vì có những hành vi tiêu cực, thậm chí là ngăn cấm. Đồng thời phối hợp, xử lý các đối tượng cố tình chây ì không trả nợ.

"Việc thu hồi nợ của các công ty tài chính tiêu dùng bị hạn chế hơn rất nhiều so với ngân hàng bởi khách hàng không có tài sản đảm bảo. Hoạt động cho vay hoàn toàn dựa vào tín chấp, ý thức trả nợ của khách hàng" - ông Ninh cho biết. Đại diện Mcredit cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện các quy định đảm bảo phù hợp với đặc thù hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng. Trong đó đáng chú ý là nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý cho phép quản lý dịch vụ thu hồi nợ chuyên nghiệp.

Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, việc lập hội nhóm bùng nợ, kích động bùng nợ… có thể bị xử lý, xử phạt hành chính. Nếu cố tình vi phạm, cố tình không trả nợ thì có thể xem xét yếu tố hình sự với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Theo An An (dẫn)/Đô thị mới