Tuy nhiên, có một thực tế là nguồn vốn ưu đãi dành riêng cho đối tượng này còn khá hạn chế, khiến nhiều NKT vẫn chưa được tiếp cận với các cơ hội việc làm. Theo ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, phần lớn những NKT sống ở nông thôn (chiếm 87,27%); có khoảng 65% NKT trong độ tuổi lao động và 40% NKT còn khả năng lao động.
Họ chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp và có thu nhập rất thấp so với các công việc khác. Bên cạnh đó, hầu hết NKT có trình độ học vấn thấp với 41,01% số NKT từ 6 tuổi trở lên không biết chữ; 19,5% người có trình độ từ tốt nghiệp THCS trở lên; có đến 93,4% người không có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ 16 tuổi trở lên và chỉ 6,5% người có bằng cấp, chứng chỉ.
Việc cho vay vốn ưu đãi đối với NKT và các DN sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là NKT cũng chính là phương thức giúp NKT có thu nhập ổn định, tạo dựng cuộc sống độc lập, bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. |
Với thực tế này, số NKT trong khả năng lao động cần được hỗ trợ học nghề, vay vốn để tạo việc làm hiện nay là rất lớn. Tuy nhiên, khó khăn về nguồn vốn ưu đãi dành riêng cho đối tượng này còn khá hạn chế khiến nhiều NKT vẫn chưa được tiếp cận với các cơ hội việc làm. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hồi thừa nhận, dù hiện nay có nhiều DN đã quan tâm đến tạo việc làm cho NKT song những hạn chế về trình độ, kỹ năng nghề nghiệp nên sản phẩm của NKT làm ra khó cạnh tranh trên thị trường.
Điều này cũng gây ảnh hưởng đến cơ hội tìm kiếm việc làm của NKT. Vì vậy, cần có những giải pháp để tạo việc làm bền vững, có thu nhập cao và tạo được nhiều việc làm hơn với NKT. Để giải quyết được vấn đề này, ông Hồi cho rằng cần có sự chung tay của nhiều Bộ, ngành, địa phương trong việc có cơ chế tháo gỡ nguồn vốn cho Ngân hàng chính sách xã hội nhằm giải quyết vốn vay cho NKT. “Nếu nguồn vốn còn ít và không được bổ sung thì số cơ sở dạy nghề, DN và các dự án hỗ trợ cho NKT được tiếp cận vốn sẽ ngày càng ít đi”, ông Hồi nhấn mạnh.
Trong nhiều năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) đã đẩy mạnh thực hiện nhiều chương trình tín dụng hỗ trợ vốn vay cho NKT và các DN có sử dụng lao động là NKT. Tính đến cuối tháng 2-2018, dư nợ cho vay đối NKT, DN sử dụng lao động là NKT tại NHCSXH đạt 118 tỷ đồng, với 5.838 khách hàng còn dư nợ, chiếm tỷ lệ 0,07% trên tổng dư nợ các chương trình tín dụng của NHCSXH (dự nợ cho vay của NHCSXH là 170.775 tỷ đồng, với trên 6,7 triệu khách hàng còn dư nợ).
Trong đó, dư nợ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là NKT là 3,6 tỷ đồng, với 22 cơ sở còn dư nợ. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm chưa được bổ sung thêm để NHCSXH mở rộng cho vay giải quyết việc làm đến các đối tượng chính sách trong đó có NKT, mà chỉ thực hiện cho vay bằng nguồn vốn quay vòng. Do vậy người lao động khuyết tật cũng chưa có điều kiện tiếp cận nhiều hơn các nguồn vốn ưu đãi tạo việc làm, dẫn đến tỷ lệ NKT được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi thấp.
Có thể thấy, để hỗ trợ vốn cho NKT cũng như DN sử dụng lao động là NKT phát triển sản xuất, kinh doanh cần tiếp tục xem xét hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về NKT, tạo điều kiện để họ được hưởng thụ các chính sách của Nhà nước.
Đồng thời, xem xét bố trí nguồn vốn để dành riêng cho vay ưu đãi đối với NKT và DN sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là NKT. Bên cạnh đó, đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để cho vay đối với NKT trên địa bàn. Phương thức kêu gọi nhà tài trợ quốc tế quan tâm hỗ trợ nguồn vốn để cho vay ưu đãi đối với NKT và DN sản xuất, kinh doanh sử dụng người lao động là NKT cũng được cần thiết phải tính đến và nhân rộng nhằm tăng thêm nguồn vốn vay hỗ trợ.