Đầu năm 2021, thị trường đã chứng kiến hàng loạt cuộc “giải cứu” nông sản dư thừa, ùn ứ. Thanh long, dưa hấu, cà chua, củ cải… và nhiều loại nông sản khác rơi vào cảnh rớt giá trầm trọng.  Nhiều nơi nông dân phải bán nông sản với giá từ 500 - 1.000 đồng/kg, thậm chí phải đổ bỏ xuống sông vì không có người mua. Tác động của dịch Covid-19 chỉ là yếu tố khách quan, còn nguyên nhân chính vẫn đến từ điệp khúc “được mùa mất giá” và thừa nguồn cung, thương lái bỏ mặc không thu mua, không kết nối được với thị trường tiêu thụ. Đây là thực tế đã diễn ra nhiều năm qua như một bài toán cũ vẫn chưa tìm ra lời giải.

Người nông dân vẫn đang trông chờ vào giải pháp tình thế là những “cuộc giải cứu” toàn dân, những “chợ nghĩa tình” mới gỡ gạc được phần nào vốn liếng, nếu không, đành ngậm ngùi đổ bỏ hàng tấn nông sản. Nhưng một nền sản xuất không gắn liền với tiêu thụ, còn dựa vào những giải pháp tình thế như vậy thì liệu có thể phát triển bền vững? Giải cứu nông sản, bao giờ mới đến hồi kết? Để làm rõ hơn về vấn đề này, phòng viên đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam.

Kêu gọi “giải cứu nông sản” là cụm từ đã trở nên quen thuộc trong nhiều năm trở lại đây (Ảnh minh hoạ)
Kêu gọi “giải cứu nông sản” là cụm từ đã trở nên quen thuộc trong nhiều năm trở lại đây (Ảnh: Internet)

ĐIỂM YẾU CỦA NGÀNH NÔNG SẢN VIỆT NAM 

PV: Thưa PGS.TS. Đào Thế Anh, hiện tượng “giải cứu” nông sản diễn ra thường xuyên trong nhiều năm qua quả thực đã cho thấy tinh thần tương thân tương ái của người dân Việt Nam nhưng nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra phải chăng sẽ cho thấy ngày càng nhiều bất cập trong bức tranh tiêu thụ nông sản của Việt Nam hiện nay? 

PGS.TS. Đào Thế Anh: Giải cứu nông sản chính là điểm yếu nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Nông dân nước ta đã qua thời kỳ “sản xuất để ăn” và bây giờ là thời kỳ của “sản xuất để bán”. Tuy nhiên những cơ chế để nông dân tiếp cận thị trường lại rất yếu. Dù đã xuất hiện các mô hình chuỗi giá trị nhằm thúc đẩy quá trình tiếp cận nhanh hơn với thị trường nhưng lại chưa được hình thành đồng đều ở các địa phương.

Chúng ta vẫn luôn nói rằng, nông dân phải sản xuất những thứ thị trường cần nhưng thị trường cần gì, cơ chế thị trường ra sao thì nông dân chưa hề biết và nắm rõ. Nông dân Việt Nam đa phần vẫn đang sản xuất theo kinh nghiệm trong khi đó rủi ro về thị trường luôn lớn và tiềm ẩn mọi thời điểm. Đặc biệt trong hai năm trở lại đây, thị trường nông sản Việt Nam lại chịu thêm tác động từ yếu tố dịch Covid- 19 khiến việc lưu thông hàng hoá càng trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, những vùng sản xuất chuyên môn hoá thì sẽ chịu nhiều thiệt hại nặng hơn.

Ngoài ra, nông dân Việt Nam còn sản xuất theo kiểu đơn lẻ, chưa có sự thống nhất, tập hợp. Cụ thể ở đây là sự tập dưới một tổ chức hay đơn vị nào đó như hợp tác xã. Vì vậy, giai đoạn sau sản xuất – tiêu thụ còn non yếu, không có tính kết nối để phân phối rộng rãi.  Bên cạnh đó còn phụ thuộc quá nhiều vào các thương lái, nên khi thương lái “đem con bỏ chợ” thì nông dân chỉ biết nhìn nông sản “chết ỉm” trên đồng ruộng.

Chính những vấn đề trên khiến nông sản dù mất mùa hay được mùa đều cần giải cứu. Và câu chuyện giải cứu đã trở nên quá quen thuộc với người dân Việt.

PV: Hạ tầng, logistics cho nông nghiệp chưa được đồng bộ có phải là một nguyên nhân khác khiến nông sản tại nhiều địa phương thường xuyên rơi vào tình trạng tắc nghẽn tiêu thụ không, thưa ông?

PGS.TS. Đào Thế Anh: Nước ta vẫn đang là một nước nông nghiệp và ngành logistics đóng vai trò cực kỳ quan trọng, giúp ngành nông nghiệp được phát triển một cách chuyên nghiệp hơn. Thế nhưng hiện nay, logistics ở nước ta lại chưa có thể chế cho ngành nông nghiệp và thực phẩm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nông sản Việt Nam khó khăn trong việc vận chuyển và lưu trữ.

Vì vậy, để đảm bảo xuất khẩu nông sản thì ngành logistiscs cần có những chiến lược. Bởi vì, logistics là lĩnh vực nằm ngoài tầm với của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên vấn đề này cần nhờ đến Bộ Giao thông Vận tải hay Bộ Công Thương.

Xét cho cùng, muốn đẩy mạnh tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu nông sản, đẩy mạnh tính cạnh tranh của các giá trị nông sản thì cần tập trung hơn nữa ở mảng này. Trước hết là cần đầu tư đầy đủ các hệ thống kho lạnh, vận chuyển lạnh.

Bên cạnh sự đầu tư đồng bộ, đầy đủ, logistics cần phát triển hơn nữa để trở thành các dịch vụ chuyên nghiệp. Ở nước ta đã có một số doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu nước ngoài tự đầu tư kho lạnh. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp tự đầu tư thì sẽ không hiệu quả vì doanh nghiệp sẽ không đủ các mặt hàng để vận hành suốt cả năm mà chỉ hoạt động được vài tháng trong mùa vụ. Như vậy sẽ có nguy cơ lỗ cao. Vì vậy, Nhà nước cần có những cơ chế nhằm phát triển logistics phục vụ cho ngành nông nghiệp - thực phẩm.

Một vấn đề nữa chúng ta cần bàn rõ là việc kết nối cung – cầu giữa người sản xuất, kinh doanh nông sản và bên cung cấp dịch vụ logistics. Bởi hiện tại kết nối này chưa thực sự chặt chẽ. Nơi cần thì không có dịch vụ, trong khi nhiều nơi lại “chất đống” kho lạnh không sử dụng vì không có khách hàng. Bài toán này sẽ trở nên đơn giản nếu cả hai bên áp dụng công nghệ thông tin. Hầu hết các nước trên thế giới đều có một mảng logistics phục vụ cho nông sản, vì vậy tôi nghĩ, Việt Nam trong thời gian tới cũng cần chú tâm vào vấn đề này. Nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp để thúc đẩy logistics phù hợp các mạng lưới sản xuất nông ngiệp ở nước ta. Nhất là các vùng sản xuất chuyên canh, các sản phẩm chủ lực cấp Nhà nước,…

Logistics phục vụ ngành nông nghiệp còn yếu và chưa được chú tâm (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

GIẢI PHÁP BỀN VỮNG ĐỂ CỨU NGUY

PV: Chuyên gia có thể phân tích sâu hơn về các giải pháp để trong tương lai, chúng ta sẽ không còn phải giải cứu nông sản mà người tiêu dùng sẽ lựa chọn mua vì chất lượng nông sản Việt, hướng tới sự phát triển bền vững hơn cho ngành nông nghiệp?

PGS.TS. Đào Thế Anh: Chúng ta cần những thể chế về thị trường để làm sao kết nối được cung và cầu - đây đang là vấn đề khó khăn nhất. Năng lực sản xuất của nông dân Việt Nam rất tốt, tiếp thu công nghệ cũng khá nhanh tuy nhiên lại thiếu “người đặt hàng” - nơi tiêu thụ. Điểm đến trên thị trường còn khá eo hẹp, không được đa dạng. Vì vậy cần phải đa dạng hoá thị trường, từ thị trường trong nước đến thị trường ngoài nước.

Và để làm được điều này, tôi nghĩ cần hình thành mô hình hợp tác xã liên kết. Ở câu chuyện thị trường, nông dân không thể giải quyết một mình mà cần có sự kết nối của một tổ chức, đơn vị.

Điều này cũng đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, sản xuất nông nghiệp cần theo lối tư duy kinh tế - “sản xuất để bán”. Vì vậy, trước khi bắt tay vào sản xuất cần tìm “bến đỗ” cho sản phẩm của mình, cụ thể ở đây là những hợp đồng tiêu thụ nông sản. Muốn ký đựơc hợp đồng thì chắc chắn phải tham gia vào Hợp tác xã bởi sẽ chẳng doanh nghiệp nào muốn ký hợp đồng với từng hộ dân, trên từng thước ruộng.

PV: Phải chăng đã đến lúc cần chuyển đổi kết cấu sản xuất ngành nông nghiệp, hình thành các chuỗi cung ứng sản xuất – tiêu thụ, thưa ông?

PGS.TS. Đào Thế Anh: Đúng vậy. Thứ nhất, như tân Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Minh Hoan đã nói, tư duy của ngành nông nghiệp ở nước ta cần hình thành chuỗi giá trị. Trong chuỗi giá trị ấy cần có sự chặt chẽ giữa các chủ thể gồm sản xuất và tiêu dùng.

Và để tạo được chuỗi giá trị bền vững thì yếu tố chất lượng phải được đưa lên hàng đầu. Nếu lỏng lẻo về chất lượng, chỉ “giao kèo” với nhau về số lượng thì sự “bẻ kèo” rất dễ dàng. Yếu tố chất lượng là yếu tố sống còn trong chuỗi giá trị.

Thứ hai, cần hình thành những cụm sản xuất – dịch vụ ở những vùng chuyên canh. Cụ thể là các nền tảng logistics ở nơi sản xuất nông sản như các kho lạnh nhỏ.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư kho lạnh ở một số vùng như Bình Dương, Đồng Nai. Trong khi đó, các khu vực chuyên sản xuất lại không có một kho lạnh nào cả. Khi không có dịch vụ này để bảo quản nông sản thì việc tiêu thụ cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ ba, để hình thành được chuỗi giá trị sản xuất - tiêu thụ, phải đề cao vai trò của hợp tác xã. Hợp tác xã có vai trò rất lớn ở khâu sau thu hoạch - tức là có trách nhiệm đi tìm nơi tiêu thụ sản phẩm.

PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam
PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam

PV: Nhiều địa phương thời gian qua cũng đã xây dựng các chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản, các hợp tác xã nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn, khâu tiêu thụ vẫn khó khăn. Theo ông, nguyên nhân là do đâu?

PGS.TS. Đào Thế Anh: Có thể nói, mô hình hợp tác xã đang trong quá trình chuyển đổi và hoàn thiện pháp lý nên trên thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc. Một trong những nguyên nhân đầu tiên là do tư tưởng, trình độ của người lãnh đạo. Một hợp tác xã muốn thành công thì đòi hỏi người lãnh đạo phải có tư tưởng về kinh doanh, tư tưởng về thị trường. Nếu chưa có thì cần được đào tạo, cần thay đổi tư duy. Đặc biệt trong thời kỳ nông nghiệp hiện đại thì những yêu cầu về chất lượng nông sản sẽ phải cao hơn như an toàn thực phẩm, nông sản sạch,…

Vì vậy, công tác đào tạo cần phải được chú tâm. Cần đào tạo hợp tác xã kiểu mới, biết chú trọng tập trung vào vấn đề kinh doanh và sau thu hoạch còn về khâu sản xuất, nông dân hoàn toàn có thể tự làm.

Nguyên nhân thứ hai là thiếu vốn đầu tư. Phần vốn của các hợp tác xã đang cực kỳ khó khăn. Ngân hàng không cho trực tiếp các hợp tác xã vay, đơn giản vì không có sổ đỏ để thế chấp. Sổ đỏ chỉ có ở mỗi gia đình. Vì vậy, các nguồn vốn mà hợp tác xã có thể tiếp cận chủ yếu từ vốn vay xoá đói giảm nghèo. Trong khi đó, để đầu tư cho các dịch vụ, khâu sau thu hoạch phải cần đến số vốn rất lớn. Do vậy, cần có những chính sách về tín dụng nông nghiệp đầu tư vào chuỗi giá trị, hỗ trợ các hợp tác xã phát triển và hiệu quả hơn.

Bản chất doanh nghiệp và hợp tác xã đã có nhu cầu hợp tác với nhau nhưng vì hợp tác xã thiếu vốn nên doanh nghiệp không chịu đầu tư. Không có vốn thì không thể đầu tư công nghệ, không có công nghệ thì khó vận hành.

Vì vậy, để giải quyết khúc mắc này, theo tôi, Nhà nước cần có cơ chế cho vay theo dự án, không nên cho vay theo sổ đỏ, để hợp tác xã dễ dàng hơn trong việc tiếp cận vốn, đẩy mạnh đầu tư phát triển.

PV: Ngoài ra, việc đánh giá đúng tiềm năng của thị trường tiêu thụ nông sản trong nước, để tránh lệ thuộc vào nước ngoài theo ông có phải là một yếu tố cần quan tâm?

PGS.TS. Đào Thế Anh: Hiện nay, nông dân chúng ta đã làm rất tốt mặt sản xuất nhưng còn phụ thuộc quá nhiều vào thương lái ở khâu tiêu thụ sản phẩm. Hầu hết, nông dân chỉ ngồi đợi thương lái Trung Quốc đến, để rồi khi biên giới có vấn đề trục trặc, đóng cửa thì coi như “chết đứng”. Các cuộc giải cứu nông sản lại rộ lên.

Vì vậy, yếu tố đa dạng hoá thị trường tiêu thụ cũng là một yêu cầu cần quan tâm. Cần đa dạng hoá các kênh hàng cho các thị trường khác nhau. Ví dụ như ở Nhật Bản, các hợp tác xã ở đây không bao giờ bán 100% nông sản của mình cho một kênh, dù doanh nghiệp tiêu thụ đưa ra mức giá cao, cam kết sẽ mua lâu dài. Bởi vì, người Nhật biết, sẽ có rất nhiều rủi ro khi mình chỉ bán cho một đơn vị, bởi nó sẽ hình thành tính phụ thuộc và sẽ chẳng ai đảm bảo chắc chắn đơn vị ấy không gặp sự cố. Theo đó, họ sẽ bán 30% cho công ty thu mua, 30% bán tại chỗ, 30% bán cho các tiểu thương nhỏ lẻ hay cung cấp cho các chợ, siêu thị,…

Tóm lại cần hình thành đa dạng các kênh bán hàng cho các vùng sản xuất chuyên canh. Và để làm được điều đó, theo tôi cần kết nối với các đô thị trong nước. Hiện nay, thị trường đô thị trong nước đang ngày càng lớn do tốc độ đô thị hoá tăng nhanh, nhu cầu đô thị hóa cao. Vì vậy, cần chủ động kết nối với các thị trường này mà muốn kết nối thành công thì chúng ta lại phải quay trở về câu chuyện hợp tác xã. Mỗi một hộ dân sẽ không thể làm được điều này, chỉ có hợp tác xã mới đứng ra chỉ đạo, kết nối tốt. Khi đã kết nối tốt với thị trường trong nước thì có thể không cần đến xuất khẩu. Bởi thị trường trong nước với sức mua của 100 triệu dân, còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Nhiều khi bán rau ở trong nước giá còn cao hơn khi đưa ra nước ngoài. Giá xuất khẩu không phải khi nào cũng cao.

PV: Vai trò của Nhà nước với ngành nông nghiệp, không chỉ lo tăng cung mà còn đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, tạo lập thị trường tiêu thụ nông sản cần được thể hiện như thế nào, thưa ông?

PGS.TS. Đào Thế Anh: Không chỉ ngành nông nghiệp mà đối với tất cả các ngành khác, Nhà nước luôn đóng vai trò đầu tàu, mở đường, lãnh đạo phát triển. Thứ nhất, để tạo ra thị trường tiêu thụ nông sản một cách chuyên nghiệp, Nhà nước cần đào tạo lãnh đạo hợp tác xã, doanh nghiệp về nhu cầu thị trường, cơ chế thị trường.

Thứ hai, Nhà nước cần đẩy mạnh đầu tư vào yếu tố khoa học công nghệ, cần làm chủ các yếu tố công nghệ, gắn liền với chuyển giao. Chuyển giao ngay và trực tiếp cho các hợp tác xã, các doanh nghiệp sản xuất để từ đó áp dụng vào sản xuất cũng như sau sản xuất.

Thứ ba, cần nghiên cứu sâu sắc các thị trường, đặc biệt là những thị trường xuất khẩu để có được hệ thống thông tin của thị trường tăng sự hiểu biết cho doanh nghiệp, hợp tác xã và cả người nông dân.

Ngoài ra, Nhà nước cũng nên hỗ trợ về các chứng nhận chất lượng nông sản. Thị trường đòi hỏi như thế nào thì Nhà nước cũng nên hỗ trợ nông dân làm như thế đó để đảm bảo được yêu cầu đặt ra.

Cuối cùng là vốn đầu tư. Như đã nói, chúng ta nên thay đổi chính sách về tín dụng nông nghiệp, chuyển sang đầu tư cho chuỗi giá trị nông sản chứ không chỉ tập trung mỗi sản xuất, nếu không sản xuất sẽ bị tắc.

-    Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Theo Đô Thị Mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/giai-cuu-nong-san-de-khong-con-den-hen-lai-len-20201231000002293.html