Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ hai, các đại biểu đã nghe Báo cáo định hướng phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 của Ban cán sự Đảng UBND TP.
Báo cáo cho biết, 5 năm qua, thành phố đã chú trọng phát triển đô thị theo hướng bền vững, đô thị thông minh. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, khu nhà ở theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại, làm thay đổi diện mạo kiến trúc Thủ đô.
Đồng thời, tập trung phát triển các loại hình nhà ở cho các đối tượng có thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Triển khai thí điểm xây dựng 5 khu nhà ở xã hội tập trung với quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ, tổng diện tích 272,45 ha, cung cấp thêm 2,5 triệu m2 sàn nhà ở.
Chủ động phát triển nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng. Từng bước thực hiện cụ thể hóa chủ trương phát triển nhà ở Thành phố với tổng diện tích sàn nhà ở đã phát triển mới giai đoạn từ 2016 đến nay là 25,3 triệu m2, đạt 27,25m2/người, vượt mục tiêu đề ra.
Tập trung đầu tư chuẩn bị các điều kiện để thành lập các quận mới (Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng), tỷ lệ đô thị hóa đạt 49,2%.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và cung cấp đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch thông tin cần thiết trong thực hiện các quy định về quy hoạch, đất đai và cấp phép xây dựng tại khu vực đô thị. Thực hiện hiệu quả mô hình thí điểm đội quản lý trật tự xây dựng trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã. Trật tự, kỷ cương xây dựng từng bước được lập lại, số công trình vi phạm giảm mạnh từ 13,5% năm 2015 xuống còn 3,07%.
Thành phố cũng đã hoàn thành Chương trình một triệu cây xanh trước 2 năm và trồng thêm 600 nghìn cây. Nhiều vườn hoa, công viên được cải tạo, xây mới; các tuyến phố được chỉnh trang, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.
Đã tập trung khắc phục cơ bản tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo; xử lý ô nhiễm môi trường các hồ. Bảo đảm an toàn lưới điện, cung cấp điện ổn định cho sản xuất và sinh hoạt; các chỉ số cung ứng điện được cải thiện đáng kể; đầu tư hệ thống chiếu sáng, trang trí đô thị, đảm bảo tỷ lệ chiếu sáng từ 95-98%.
Công tác bảo vệ môi trường được tích cực triển khai. Tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt khu vực nội thành, chất thải y tế đạt 100%. 100% các bệnh viện tư nhân, 92,8% bệnh viện do Thành phố quản lý có hệ thống xử lý chất thải tập trung.
Xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường nước tại 129 hồ và xử lý triệt để 25/25 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tiếp tục thực hiện kế hoạch di dời các cơ sở công nghiệp không phù hợp quy hoạch, cơ sở ô nhiễm ra khỏi khu vực đô thị.
Thành phố đã triển khai và cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đến năm 2019 đạt 86%. Chất lượng quy hoạch được nâng cao, tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan Thủ đô văn minh, hiện đại, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử.
Đồng thời, tổ chức nghiên cứu lập một số quy hoạch đặc thù như: Hệ thống không gian ngầm; làng nghề truyền thống kết hợp du lịch; Ga Hà Nội và khu vực phụ cận. Hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội. Diện tích đất dành cho giao thông tăng, năm 2020 ước đạt 10,05% đất đô thị.
Định hướng 5 năm 2021-2025, thành phố xác định hoàn thành việc rà soát, tổng hợp quy hoạch để điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai xây dựng Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Hoàn thành các quy hoạch phân khu nội đô lịch sử, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống, các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh; khớp nối đồng bộ quy hoạch nông thôn và khu vực đô thị; xây dựng, bổ sung các quy chế, quy định quản lý quy hoạch kiến trúc đối với các khu vực hành lang xanh, vành đai xanh. Thực hiện triển lãm công bố công khai quy hoạch đối với người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông; tập trung đầu tư, nâng tỷ lệ quỹ đất cho giao thông đô thị khoảng 20-25% diện tích đất đô thị (trong đó giao thông tĩnh 4-6%), riêng ở các quận nội đô lịch sử đạt khoảng 10-12%...