Golf và kinh tế

Một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, giống như nhiều ngành kinh tế khác, golf cũng cho thấy sự phát triển vượt bậc ở mọi khía cạnh trên thị trường quốc tế. Số liệu năm 2016 từ Báo cáo Kinh tế Golf Hoa Kỳ được Tổ chức We Are Golf công bố cho thấy, golf đã trực tiếp mang về cho nền kinh tế Mỹ 84,1 tỷ USD, tăng 22% so với thống kê năm 2011. Con số này sẽ lên tới 191,9 tỷ USD nếu tính cả nguồn thu gián tiếp và những tác động kinh tế mà golf mang lại.

Ngay sau Mỹ, Vương Quốc Anh là nước có ngành dịch vụ golf mạnh thứ 2 thế giới. Năm 2016, tại đây các golf thủ chi tổng cộng 4,3 tỷ bảng Anh (tương đương với 5,6 tỷ USD), chiếm 14% tổng chi tiêu cho thể thao trên toàn đất nước. Nếu tính cả nguồn thu gián tiếp và các tác động kinh tế, golf mang về cho nền kinh tế Anh Quốc xấp xỉ 10,3 tỷ bảng Anh mỗi năm (khoảng 13,42 tỷ USD).

Sẽ là khập khiễng nếu so sánh giữa hai cường quốc golf kể trên, vì Mỹ lớn hơn Vương quốc Anh đến 40 lần về diện tích. Nhưng khi nhìn riêng vào bình diện Anh Quốc, golf là bộ môn có nhiều người chơi thứ 5 ở đất nước này, và là môn thể thao duy nhất đạt chỉ tiêu chiến lược phát triển kinh tế do chính phủ đề ra.

Ở phạm vi châu Á, Trung Quốc hiện đang dẫn đầu trong việc phát triển golf. Tuy nhiên, câu chuyện golf ở đây cũng còn khá mới. Cho đến tận năm 1995, khi Trung Quốc giành quyền đăng cai Giải Golf Thế giới, các nhà lãnh đạo nước này mới nhận ra tầm ảnh hưởng của golf. Có 2 điều mà họ rút ra được sau khi tổ chức giải thế giới: Thứ nhất là người phương Tây sinh sống tại Trung Quốc cần một nơi để thư giãn và trao đổi công việc. Và thứ hai, golf là thứ mà tầng lớp doanh nhân đang lên của Trung Quốc thể hiện đẳng cấp. Chính vì vậy, bắt đầu từ năm 2007, Chính phủ Trung Quốc đã hạ quyết tâm xây dựng một “Hawaii phương Đông” tại đảo Hải Nam với 10 sân golf, biến nơi này thành “Thủ đô thể thao và giải trí của Châu Á”.

Ngoài những lợi ích kinh tế chung, điểm khác biệt đầu tiên so với các môn thể thao khác đó là golf ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực bất động sản. Sẽ không có ai mua nhà hoặc đầu tư đất chỉ để đến đó chơi đá bóng hay bóng rổ. Nhưng số khách du lịch đòi hỏi khu nghỉ dưỡng của mình phải có golf đang ngày càng tăng và số tiền họ sẵn sàng bỏ ra để thoả mãn nhu cầu đó, đến nay vẫn chưa hề có dấu hiệu chững lại. Ở Mỹ, du lịch và bất động sản là hai phân khúc được hưởng lợi lớn nhất từ việc phát triển golf. Chi tiêu du lịch golf tại đất nước cờ hoa đạt 25,7 tỷ USD, còn tổng cộng thu nhập từ việc xây dựng bất động sản cho các cộng đồng golf là 7,2 tỷ USD.

Điều này dẫn đến điểm khác biệt thứ hai của golf so với các môn thể thao thông thường – đó là golf mang về những giá trị kinh tế cụ thể cho ngành du lịch và lĩnh vực lao động việc làm. Ở Mỹ, golf đã tạo ra gần 2 triệu việc làm và 58,7 tỷ USD tiền lương cho toàn bộ lao động trong phân khúc dịch vụ này. Golf cũng tạo ra 75.000 việc làm cho người Anh và mang về 775 triệu bảng Anh hằng năm cho ngành du lịch nước này.

Cánh cửa cơ hội cho Việt Nam

Bức tranh thế giới và châu lục là vậy; còn tại Việt Nam, không thể phủ nhận những năm gần đây golf ngày càng trở nên phổ biến hơn. Sự phát triển nhanh chóng của golf thể hiện qua số lượng người chơi trong nước và đến từ nước ngoài ngày một tăng. Cùng với đó, ngày càng có thêm nhiều sân golf được đưa vào hoạt động. Giá dịch vụ của các sân cũng khác nhau tuỳ vào vị trí, địa điểm, quy mô giúp cho người chơi ở các tầng lớp khác nhau có thể tiếp cận bộ môn này dễ dàng hơn. Đến nay, Việt Nam đã có hơn 60 sân golf đi vào hoạt động (theo thống kê của Reatimes) và con số này ước tính sẽ lên đến 100 chỉ trong vòng 2 năm nữa.

Sẽ là thiếu sót nếu chỉ nhìn vào số lượng sân và người chơi golf để đánh giá tầm ảnh hưởng của bộ môn này lên nền kinh tế, mà phải có cái nhìn toàn diện, từ xây dựng, bất động sản, chăm sóc, dịch vụ, việc làm, cho đến du lịch, để hiểu được giá trị mà golf mang lại cho một quốc gia.

Nhận thấy tiềm năng của golf Việt Nam, Chính phủ cũng đã có những động thái tích cực và hợp lý nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành kinh tế này. Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, các sân golf được phê duyệt đều gắn với các vùng cát trắng, đất trống đồi trọc, không có khả năng sản xuất nông nghiệp và trồng rừng, ở những địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch và dịch vụ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất lên chính phủ tăng số lượng dự án sân golf lên 115 đến năm 2020. Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam khẳng định Việt Nam mới chỉ có 60 sân golf trong khi các nước láng giềng như Indonesia có 152 sân, Maylasia 230 sân và Thái Lan có 253 sân. Theo ước tính, golf thủ quốc tế đến Việt Nam khoảng 5 triệu khách mỗi năm, trong khi ở Thái Lan là hơn 13 triệu.

Những động thái này cho thấy, các cơ quan quản lý nhà nước cũng rất quan tâm đến việc thúc đẩy phát triển golf nói chung và du lịch golf nói riêng. Theo Viện Chiến lược phát triển, các sân golf đã đóng góp ngân sách 505 tỷ đồng và cung cấp hơn 10.000 việc làm (số liệu năm 2010).

Ông Daniel Levine, chuyên gia xu hướng toàn cầu.

Ông Daniel Levine, chuyên gia xu hướng toàn cầu.

“Golf đúng là một thứ có thể đưa mọi người lại gần nhau. Điều tuyệt vời của golf là nó không dựa trên bất kỳ ngôn ngữ nào. Mọi người từ những nước khác nhau, với những nền văn hoá khác nhau đều có thể chơi cùng nhau. Đó cũng là một trong những lý do khiến nhiều người đi du lịch, để thử sức với các sân golf mới. Vậy nên golf đang ngày càng trở thành một phần không thể thiếu của ngành du lịch.”

Với nhu cầu không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới cũng tăng cao, sân golf sẽ là mảnh ghép quan trọng hoàn thiện mô hình du lịch chuỗi bao gồm nghỉ dưỡng và giải trí. Không những thế, golf còn là sản phẩm của hội nhập hoá và nhu cầu thể hiện đẳng cấp, thị hiếu thời thượng.

Do đó, sân golf sẽ thực sự nâng tầm cho một khu resort nghỉ dưỡng, chứng tỏ rằng tất cả du khách ở đây đều ở một đẳng cấp nhất định, phân biệt với các khu du lịch thông thường khác. Từ đó thúc đẩy khách hàng đến và chi nhiều tiền cho các khu du lịch và dịch vụ đi kèm với sân golf. Tầng lớp thượng lưu thế giới là tiềm năng vàng, nhưng golf, truyền thông và hội nhập mới là chất xúc tác quan trọng thúc đẩy ngành du lịch phát triển lên một đẳng cấp khác.

Điểm mở cho hội nhập và đầu tư

Khi xây dựng sân golf, các nhà đầu tư phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế, pháp lý và trách nhiệm môi trường; nhưng nếu biết kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, sẽ đem lại những thành quả xứng đáng. Một sân golf đứng riêng lẻ chỉ hấp dẫn các golf thủ, nhưng nếu biết kết hợp thì sẽ là mảnh ghép hoàn hảo cho mô hình bất động sản du lịch nghỉ dưỡng trọn gói. Đồng thời thu hút đầu tư hưu trí từ giới thượng lưu nước ngoài, những người muốn sở hữu một căn nhà thứ hai để nghỉ dưỡng tuổi già.

Đồng thời, đây còn là cơ hội hội nhập kinh tế giữa các nước. Sở hữu một sân golf tầm cỡ sẽ cho phép doanh nghiệp tổ chức các sự kiện quốc tế. Người chơi golf ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ hay Anh rất hứng thú với golf Việt Nam và chắc chắn sẽ tham gia các sự kiện này. Từ đó, sẽ mang lại thu nhập cho địa phương, danh tiếng và truyền thông miễn phí cho đất nước.

Khi được hỏi về tiềm năng hội nhập dựa trên nền tảng golf, ông Kelvin Wong, Giám đốc Công ty Dịch vụ Bất động sản Resource Mỹ, nhấn mạnh: “Đây là một điểm tốt để bắt đầu. Các nhà kinh doanh, đầu tư đều thích chơi golf. Hơn thế nữa, chơi golf cũng là trao đổi công việc. Bạn có thể thấy các nhà môi giới địa ốc sang Mỹ để đầu tư nhà đất với mục đích xây dựng hay giải trí. Phát triển bất động sản và phát triển sân golf là mối quan hệ tương sinh tương hỗ. Và điều tương tự có thể áp dụng với Việt Nam. Với xu hướng bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đang trên đà phát triển, việc xây dựng các sân golf, sân tennis hay những loại hình giải trí tượng tự ở Việt Nam là rất phù hợp với mô hình du lịch đa dạng, trọn gói”.

Có thể thấy, thế giới đã đi trước một bước trong việc đưa sân golf vào các khu resort. Trong khi Việt Nam lại có rất nhiều tiềm năng, đã được giới chuyên gia trong và ngoài nước thừa nhận, để phát triển golf. Nếu khai thác tốt những ưu thế này, VIệt Nam hoàn toàn có thể trở thành lựa chọn số 1 khu vực Đông Nam Á cho loại hình du lịch kết hợp chơi golf. Thị trường nghỉ dưỡng đã bắt đầu bước vào giai đoạn bão hoà. Để có thể vượt lên dẫn đầu, Việt Nam thật sự cần có một loại hình du lịch độc đáo, và golf chính là câu trả lời cho bài toán này.

"Việt Nam có tài nguyên đất rộng lớn và nhiều cấu trúc địa hình khác biệt, nhưng vẫn mềm mại và hòa quyện vào nhau. Ngoài bờ biển dài, đẹp, tôi được biết Việt Nam có các đồng bằng được bồi bắp bởi phù sa, ngoài ra còn các cao nguyên, đồi núi đan xen nhiều đụn cát khổng lồ, hay địa hình núi đèo cao chót vót. Ngoài lợi ích phát triển du lịch, các loại địa hình này là tiềm năng vô hạn cho golf. Golf thủ luôn háo hức với những thử thách, trải nghiệm mới, và họ sẵn sàng chi tiền để thoả mãn niềm đam mê đó. Nếu tôi lựa chọn đầu tư vào nhà đất ở Việt Nam, và các bạn có nhiều sân golf đẹp, tôi sẽ chọn mua một căn biệt thự gần khu vực sân golf để an dưỡng tuổi già, hoặc làm một ngôi nhà thứ hai để du lịch kết hợp kinh doanh. Tôi tin rằng sân golf chắc chắn sẽ nâng tầm và nâng giá trị cho bất động sản khu vực đó”.

- Herman Yeo - Chủ tịch thứ 11 Tổ chức Môi giới bất động sản Singapore

Phúc Nguyễn

Theo dulich.reatimes.vn