Các dịch vụ gọi xe và giao đồ ăn ở khu vực Đông Nam Á đang tham gia cuộc chạy đua theo hướng “vận chuyển xanh”, với mục tiêu triển khai các phương tiện chạy bằng điện nhằm thúc đẩy nền kinh tế xanh, theo Nikkei Asia đưa tin.

Ứng dụng Grab, GoTo đẩy mạnh mảng xe điện

Để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2040, siêu ứng dụng Grab của Singapore gần đây đã cam kết chuyển sang các phương tiện phát thải thấp. Cụ thể, Grab bước đầu sẽ thay thế đội gọi xe ở thành phố bằng phương tiện chạy bằng điện vào năm 2030. Động thái này của Grab "tiếp bước" theo đối thủ GoTo - công ty thành lập thông qua sự hợp nhất của Gojek và nền tảng thương mại điện tử Tokopedia.

Trước đó, Gojek được biết đến là một trong những công ty khởi nghiệp đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á công khai mục tiêu về tính bền vững môi trường.

Theo báo cáo của công ty về các mục tiêu ESG (môi trường, xã hội và quản trị), GoTo đang "trên đường đạt được mục tiêu không phát thải". Việc công ty đặt mục tiêu chuyển sang sử dụng toàn bộ xe điện vào năm 2030 sẽ giúp đạt được những cột mốc nhất định, thông qua chương trình thử nghiệm với công ty năng lượng TBS Energi Utama, hay hợp tác cùng nhà sản xuất xe điện Đài Loan Gogoro và Mitsubishi Motors.

Grab, GoTo đẩy mạnh mảng xe điện, chạy đua theo hướng
Grab, GoTo đẩy mạnh mảng xe điện, chạy đua theo hướng "vận chuyển xanh"

Những nỗ lực này được đưa ra khi chính phủ các nước đặt ra những mốc thời gian để từ bỏ các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Singapore có kế hoạch loại bỏ dần các loại xe sử dụng động cơ đốt trong vào năm 2040. Hay chính phủ Indonesia đã chốt phương án sẽ chỉ bán xe máy điện vào năm 2040 và ô tô điện vào năm 2050.

Dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn đặt câu hỏi về tính hiệu quả của các biện pháp và lợi ích với người tiêu dùng do giá xe điện cao và cơ sở hạ tầng trạm sạc xe điện hầu hết chưa phát triển ở hầu hết các thành phố châu Á.

Theo Walter Theseira, Phó giáo sư kinh tế tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore, việc chuyển sang sử dụng xe điện có thể gây bối rối ở một số địa phương. Cùng với đó, ở thời điểm hiện tại, các quốc gia cũng chưa tính toán được rõ sự thay đổi này sẽ kéo theo những gì. 

"Chi phí vận hành có thể giảm bởi xe điện có hiệu suất cao cũng như giá xăng dầu hiện tại cũng đang tăng. Tuy nhiên, chúng ta phải xem xét tại một vài thị trường vì chưa rõ liệu các nhà khai thác có tăng phí hay không”, ông Walter cho biết.

Grab hiện đang có khoảng 2,8 triệu tài xế hoạt động tại 8 quốc gia Đông Nam Á. Năm ngoái, 96% lượng khí thải carbon của siêu ứng dụng này đến từ chính các phương tiện mà nhân viên của họ sử dụng. "Một phần cốt lõi trong chiến lược của Grab là giúp xây dựng một hệ sinh thái xe điện toàn diện", báo cáo về ESG của Grab được công bố trong tháng 5.

Để giải quyết bài toán này, Grab đang vận hành đội ngũ dịch vụ đặt xe lớn nhất Indonesia với khoảng 8.500 xe điện, và con số này dự kiến tăng lên 26.000 xe vào năm 2025. Bên cạnh đó, siêu ứng dụng Grab đã hợp tác với Tập đoàn ô tô Hyundai để triển khai chương trình tại Singapore, Indonesia và Việt Nam nhằm khuyến khích các tài xế sử dụng xe điện.

Tại Thái Lan, Grab đã hợp tác với công ty con của Kasikornbank trong một chương trình cho vay, giúp tài xế mua xe điện với giá ưu đãi. Doanh nghiệp hy vọng sẽ có 10% tài xế sử dụng xe điện tại Thái Lan vào năm 2026.

Nỗ lực không ngừng trong lĩnh vực gọi xe, giao hàng 

Không thể phủ nhận được mức độ "bùng nổ" của dịch vụ gọi xe, giao hàng ở Đông Nam Á khi tổng giá trị thị trường của cả hai dịch vụ này rơi vào khoảng 13 tỷ USD trong năm 2021 và dự kiến ​​sẽ đạt 42 tỷ USD vào năm 2025, theo Statista.

Khi hai lĩnh vực này tiếp tục phát triển, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, các công ty sẽ nâng cao tiêu chuẩn và chú trọng hơn đến hoạt động môi trường, xã hội. Mặc dù cả Grab và GoTo đã ghi dấu với những thành tựu trong lĩnh vực xã hội, quan trị doanh nghiệp nhưng nỗ lực về bảo vệ môi trường vẫn đang được giới đầu tư theo sát. 

Bởi lẽ, cả hai công ty đều xây dựng dựa trên phương tiện chạy bằng xăng. Việc chuyển đổi sang phương tiện thân thiện môi trường có thể ngăn cản nỗ lực đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai. Đơn cử, số lượng xe máy truyền thống vẫn chiếm ưu thế (tới 85%) trong việc di chuyển trên đường phố Indonesia.

Không chỉ Đông Nam Á, những doanh nghiệp cùng ngành ở Trung Quốc và Mỹ cũng đang tiến hành kế hoạch để tiến tới "vận chuyển xanh". Tại Trung Quốc, các nhà sản xuất xe điện như BYD đã cung cấp đội xe điện cho Didi Chuxing nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ. 

Trong khi đó, hai ông lớn Uber và Lyft thông báo, tất cả các phương tiện trên nền tảng sẽ chạy bằng điện vào năm 2030. Bởi lẽ trụ sở công ty đặt tại California - nơi có kế hoạch cấm bán xe chạy xăng từ năm 2035.

Việc giá xăng dầu toàn cầu có xu hướng tăng lên có thể phần nào thúc đẩy sự chuyển đổi của Grab và Gojek tiến gần hơn tới việc dùng phương tiện thân thiện môi trường. 

CEO Grab, Anthony Tan, lưu ý rằng ảnh hưởng của việc tăng giá nhiên liệu đã dẫn đến việc "tăng phí nhẹ" ở Singapore và Việt Nam, mặc dù công ty "chưa nhận thấy tác động đáng kể đến nhu cầu di chuyển".

Theo An An/Đô thị mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/grab-goto-day-manh-mang-xe-dien-chay-dua-theo-huong-van-chuyen-xanh-20201231000006596.html