Để chủ động triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố, UBND TP yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị liên quan, đặc biệt là các địa phương đang có ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi tập trung chỉ đạo, nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, UBND TP và đề nghị của Sở NN&PTNT tại Báo cáo số 79/BC-SNN ngày 11-3-2019.

Theo đó, các hộ chăn nuôi và toàn thể người dân cần thực hiện tốt phương châm 5 không: “(1) Không giấu dịch; (2) Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; (3) Không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; (4) Không vứt lợn chết ra môi trường; (5) Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt”.

 Hà Nội sẽ thành lập 5 tổ công tác liên ngành đi kiểm tra tất cả các quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; thực hiện ký cam kết với các hộ chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Về phía lực lượng chức năng, theo ông Đăng, lực lượng thú ý thường xuyên đi kiểm tra nhanh tại các chợ, nếu phát hiện lợn có biểu hiện dương tính với dịch tả lợn châu Phi sẽ dừng bán và tiêu hủy ngay. Còn tại tất cả các lò mổ đều có lực lượng kiểm dịch liên ngành đóng chốt kiểm soát dịch bệnh.

 Đồng thời, các tổ chức, cá nhân kinh doanh thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn và người tiêu dùng cần quan tâm, thực hiện tốt các nội dung sau:

Các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi, cửa hàng tiện lợi, các cơ sở, hộ kinh doanh thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn trên địa bàn Thành phố cam kết với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Kinh doanh thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch thú y; không kinh doanh thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn không có nguồn gốc, xuất xứ, chưa qua kiểm dịch.

Chủ động phối hợp với các sở, ngành, lực lượng chức năng triển khai biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Tuyên truyền tại các điểm bán hàng về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm thịt lợn và các sản phẩm có nguồn gốc thịt lợn để người dân yên tâm mua sắm.

Đối với người tiêu dùng: Lựa chọn và mua thịt lợn và các sản phẩm có nguồn gốc từ thịt lợn ở những cơ sở kinh doanh có uy tín, được kiểm dịch và có nguồn gốc rõ ràng. Khi mua hàng, nên kiểm tra rõ về nguồn gốc, thông tin thực phẩm trước khi mua. Tuyệt đối không lựa chọn, sử dụng các sản phẩm thịt lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được kiểm dịch. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, phải thông tin ngay cho các cơ quan chức năng để kịp thời xác minh, xử lý vi phạm và được bảo vệ quyền lợi.

 

Bên cạnh đó, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng khuyến cáo người dân không quay lưng với sản phẩm thịt lợn

“Bệnh này gây thiệt hại về kinh tế, không lây sang người. Người dân ăn thịt lợn bình thường với phương châm ăn chín uống sôi, dùng thực phẩm có nguồn gốc, được kiểm soát”, ông Đăng nhấn mạnh.

Theo Minh Đỗ(tổng hợp)/Đô Thị Mới