Sở Xây dựng Hà Nội vừa thông báo danh sách 372 hộ gia đình được mua nhà tái định cư trên địa bàn thủ đô nhưng chưa liên hệ với Ban quản lý các công trình nhà ở và công sở ký hợp đồng mua bán nhà, cũng chưa nộp tiền và nhận nhà.
Theo thông báo trên, danh sách gồm: 44 hộ ở nhà N01 – 7A Lê Đức Thọ; 28 hộ ở nhà N02 – 5A Lê Đức Thọ; 14 hộ ở nhà NO26A Bắc Đại Kim; 44 hộ ở nhà OCT Bắc Linh Đàm; 58 hộ ở nhà CTI.1-1A Vĩnh Hoàng, 34 hộ ở nhà CTI.1-1B Vĩnh Hoàng; 14 hộ ở nhà CT3 ao Hoàng Cầu và 136 hộ ở các nhà A14A1, A14A2, A14B2 Nam Trung Yên.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong thời gian 60 ngày kể từ thời điểm thông báo chính thức được đăng tải (13/08/2018), những hộ dân có tên trong danh sách mà vẫn không liên hệ với Ban Quản lý để hoàn tất thủ tục mua nhà sẽ được tổng hợp để báo cáo lên cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Tại Hà Nội, tình trạng nhà tái định cư xây dựng xong nhưng không có người đến nhận là câu chuyện diễn ra khá phổ biến. Trước đó, Công ty cổ phần Xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco3) từng đề xuất thành phố cho phép phá bỏ toàn bộ 3 toà nhà tái định cư tại Sài Đồng.
Đây là những toà nhà được xây dựng từ năm 2001 - 2006 dùng để tái định cư tại chỗ khi thực hiện dự án giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng nằm trong khu đô thị Sài Đồng. Do xảy ra tình trạng khiếu kiện, người dân không nhận nhà nên toàn bộ quỹ nhà này đã bị bỏ hoang từ khi xây dựng đến nay.
Bên cạnh đó, khu tái định cư Hoàng Cầu cũng vắng bóng người ở, mặc dù toạ lạc ở vị trí đẹp mắt, hướng ra hồ Hoàng Cầu và thuận tiện giao thông.
Hiện nay, Hà Nội còn tới gần 1.000 căn hộ tái định cư đã xây xong từ lâu nhưng bỏ trống. Trong khi đó, nhiều người dân tại Hà Nội đang phải sống trong cảnh thiếu đất, thiếu nhà.
Nguyên nhân do nhiều dự án giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc, khiếu kiện… Ghi nhận từ thực tế,nhiều công trình nhà tái định cư chất lượng thấp dẫn đến xuống cấp, thang máy hỏng không được sửa chữa, sụt lún chỉ sau một thời gian ngắn bàn giao.
Nói về lý do khiến người dân không còn “mặn mà” đón nhận loại hình nhà tái định cư, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho biết: “Hiện nay, việc xây dựng các dự án nhà tái định cư không hoàn chỉnh và không đồng bộ nên dẫn đến nhiều hệ quả. Theo như luật và chủ trương, nhà ở mới phải có điều kiện tốt hơn nhà ở cũ. Nhìn lại hệ thống nhà tái định cư từ trước đến nay thì chưa dự án nào đáp ứng được yêu cầu và chủ trương ấy. Bởi chúng ta đang chạy theo “lối mòn” cơ chế cũ.
Cũng thẳng thắn bàn về vấn đề này, theo luật sư Phạm Danh Tín, Giám đốc văn phòng luật sư Danh Tín, những hạn chế của các dự án nhà tái định cư xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cả khách quan và chủ quan, đó là quy định pháp luật chưa hợp lý về dự án tái định cư và sự buông lỏng trong quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chuyên ngành. Cái gốc của vấn đề, khi chưa tháo gỡ được thì đời sống của người dân sẽ khó được nâng lên, thậm chí giảm sút hơn so với nơi ở cũ là tất yếu.