Chưa đáp ứng được nhu cầu

 

Thực phẩm an toàn trong đó có rau củ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu người dân Hà Nội (Ảnh Phương Linh)

Hiện nay, theo thống kê, Hà Nội có khoảng 7,2 triệu dân và khoảng 2,5 triệu người ngoại tỉnh như học sinh, sinh viên, người lao động cư trú, sinh sống. Để đáp ứng cho gần 10 triệu người, mỗi ngày, thị trường Hà Nội tiêu thụ khoảng 1.000 tấn thịt các loại, 700 tấn cá, 2.500 tấn rau củ các loại….

Vấn đề này cho thấy, nhu cầu thực phẩm của Hà Nội rất lớn, trong khi đó sản xuất nông nghiệp của Hà Nội mới đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu thịt gia súc, gia cầm, 32% cá, 60% rau củ tươi và 18% quả tươi các loại...

Số lượng thực phẩm thiếu hụt còn lại là từ các tỉnh khác cung cấp cho thành phố và nhập khẩu. Từ thực tế này cho thấy, để bảo đảm vấn đề an toàn thực phẩm cho người dân Thủ đô còn là cả một vấn đề.

Theo số liệu của ngành nông nghiệp Hà Nội, diện tích sản xuất rau của Hà Nội được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt hơn 5.000 ha, sản lượng đạt gần 400.000 tấn/năm, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu của người tiêu dùng trên địa bàn.

Riêng về mặt hàng rau, tuy có quy hoạch và đầu tư lớn về phát triển vùng sản xuất rau an toàn nhưng tính đến nay, diện tích sản xuất rau đủ điều kiện an toàn thực phẩm của Hà Nội chỉ có 184 cơ sở với 504/1200 ha (chiếm gần 40% diện tích sản xuất rau).

Như vậy số diện tích rau an toàn cần phải có của Hà Nội còn thiếu tới 60% mới đạt nhu cầu. Bên cạnh số lượng rau an toàn thiếu hụt, hiện nay số cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 125 cơ sở.

Còn nhiều bất cập

 

Cần một môi trường rau quả sạch cho người tiêu dùng chốn Thủ đô (Ảnh TL)

Theo định hướng đến năm 2020, Hà Nội sẽ mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn lên hơn 16.000 ha, trong đó vùng sản xuất rau tập trung là 151 vùng, với tổng diện tích là 6.644,7 ha (trung bình 44 ha/vùng).

Phát triển vùng sản xuất rau an toàn và bền vững, đưa sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành nông nghiệp Hà Nội nhằm kiểm soát chất lượng nông sản, xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm.

Tuy nhiên hiện nay hầu hết các chuỗi tiêu thụ rau an toàn chỉ tiêu thụ được một phần nhỏ sản lượng thông qua các hợp đồng với bếp ăn tập thể, siêu thị, còn lại đa số phải bán buôn, bán lẻ tại chợ dân sinh, chịu sự cạnh tranh khốc liệt về giá với các loại rau thường.

Mặt khác, vì chưa có chính sách hỗ trợ hợp lý cho kinh doanh rau an toàn, nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, dẫn đến phần đông người tiêu dùng vẫn còn lạ lẫm với khái niệm “rau an toàn”.

Ngoài nguyên nhân thực tiễn trên, còn tồn tại một bộ phận người sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận đã vi phạm các quy định về sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn, hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ… Lý do này đã dẫn tới người tiêu dùng thiếu lòng tin về thực phẩm an toàn.

Trước thực trạng trên và yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, trong những năm qua việc kiểm soát chất lượng, an toàn các mặt hàng thực phẩm luôn là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Để “tuyên chiến” với thực phẩm không an toàn và đã thực hiện triển khai nhiều kế hoạch.

Hiện nay các chợ trên địa bàn Thành phố Hà Nội đều chưa đạt quy mô theo quy định nên các chợ này chỉ đảm bảo chức năng tập trung các hàng hóa. Do các quy định của pháp luật về ATTP tại chợ, do chồng chéo và trùng lắp; đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP ở các tuyến còn thiếu, trình độ quản lý chuyên môn về ATTP còn hạn chế… nên rất khó nâng cao ý thức của cả người buôn và kẻ bán.

Tổng thể những phức tạp và khó khăn này đã dẫn đến chưa đủ một môi trường sạch cho hàng hóa với người tiêu dùng trên chốn Thủ đô!

Phương Nguyên

Theo congluan.vn