Hàng không “thoi thóp”

Đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại nước ta. Đường bay quốc tế ngay lập tức phải tạm dừng để ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh từ bên ngoài. Không lâu sau đó, lần lượt các đường bay nội địa cũng bị tạm dừng khi danh sách những địa phương bùng phát dịch ngày một nối dài. Và, đến đợt bùng phát thứ 4 của dịch bệnh diễn ra, vào cuối tháng 8/2021, Cục Hàng không Việt Nam đã phát đi yêu cầu tất cả hãng bay dừng việc bán vé trên các đường bay nội địa cho đến khi có thông báo mới để phòng, chống bệnh Covid-19.

Mãi đến tận cuối tháng 10/2021 vừa qua, các đường bay nội địa mới được nối lại. Một tin vui đến với ngành hàng không là từ 1/1/2022, đường bay quốc tế sẽ bắt đầu được nối lại. Ban đầu là một số chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ được triển khai thí điểm theo kế hoạch mà Bộ GTVT xây dựng. Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, “cánh cửa bầu trời” sẽ chính thức rộng mở sau đó một thời gian nữa. Đây sẽ là cơ hội vàng để các hãng hàng không nước ta phục hồi. Tuy nhiên, đó vẫn là câu chuyện của tương lai, còn hiện tại ngành hàng không vẫn “thoi thóp” bay như một người bệnh liệt giường lâu năm đang cố gắng tập vận động để giành lại sự sống.

Việc dừng các đường bay, nhất là đường bay quốc tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền của hãng hàng không. Số lượng chuyến bay và hành khách 6 tháng đầu năm giảm 60 - 70% so với thời điểm trước khi xuất hiện dịch Covid-19. Điều này khiến doanh thu của ngành hàng không giảm tới 80 - 90% từ cuối tháng 5 đến nay. Cùng với đó, những khoản nợ ngắn hạn và nợ đến hạn của các DN hàng không trong nước cũng ngày một lớn dần.

Thống kê của Hiệp hội DN Hàng không Việt Nam (VABA) cho thấy, chỉ tính đến giữa năm 2021, khoản nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng bay lớn nhất là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways đã lên tới 36.000 tỷ đồng. Trong đó, Vietnam Airlines chiếm hơn 66%, tương đương khoảng 20.000 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân khiến hàng không trở thành nạn nhân lớn nhất của Covid-19 bởi đây chính là một trong những lĩnh vực vận tải có chi phí đầu tư và vận hành lớn nhất. Đơn cử với Vietnam Airlines, thống kê trong năm 2019 (năm cuối cùng trước khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện) trung bình mỗi ngày hãng bay này chi hết 268 tỷ đồng cho chi phí đầu tư và vận hành. Con số này với Viejet Air là 128 tỷ đồng.

Hai năm Covid-19 hoành hành: Hàng không, đường bộ thiệt hại nặng
Hai năm Covid-19 hoành hành: Hàng không, đường bộ thiệt hại nặng

Tuy nhiên, trong suốt gần 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 khiến nguồn thu của các hãng hàng không sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, các khoản chi thường xuyên như chi trả tiền thuê, mua tàu bay; trả nợ, lãi ngân hàng; chi bảo hiểm; bảo dưỡng; chi trả lương nhân viên... vẫn “đều như vắt chanh”. Điều này đã đẩy các hãng hàng không vào tình trạng thua lỗ và nợ ngày càng lớn. Theo tính toán của Chủ tịch VABA Phạm Việt Dũng, trung bình mỗi ngày dừng bay, ngành hàng không Việt Nam thiệt hại tới hơn 500 tỷ đồng.

Vận tải khách đường bộ nhiều nơi “chết lâm sàng”

Cũng giống như hàng không, vận tải khách liên tỉnh bằng ô tô cũng chịu thiệt hại nặng nề bởi Covid-19. Trong suốt thời gian qua, hoạt động vận tải khách đường bộ gần như bị tê liệt. Trớ trêu nhất, mỗi khi các tuyến xe liên tỉnh được nối lại, gần như ngay lập tức, dịch bệnh Covid-19 lại bùng phát, trong đó nhiều lần dịch bệnh nổ ra đúng vào lúc cao điểm lễ, Tết khiến cho các DN vận tải khách liên tỉnh không còn sức lực để trụ vững. Họ như một người vừa chết đuối hụt, cố sức bơi vào bờ thì liên tiếp bị các đợt sóng dồn tới đánh cho mệt nhoài. Không ít DN vận tải đã phải dừng hoạt động vì không đủ sức để trụ vững. Thậm chí, khi hoạt động vận tải khách liên tỉnh bằng ô tô được nối lại từ giữa tháng 10/2021 vừa qua, tình hình cũng không được cải thiện là bao khi lượng khách đi ô tô sụt giảm nghiêm trọng.

Thực tế, các bến xe luôn vắng vẻ, những chuyến xe thưa thớt chỉ vài người, nhiều tài xế, phụ xe buộc phải nghỉ việc để tìm sinh kế mới vì DN quá khó khăn... Thậm chí nhiều DN vận tải đã rơi vào tình trạng “chết lâm sàng” dù đã được chạy lại nhưng càng chạy càng lỗ. Có lẽ chưa bao giờ vận tải khách bằng ô tô phải trải qua giai đoạn khó khăn với những thiệt hại nặng nề đến thế.

Ông Nguyễn Duy Ninh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Ninh Quỳnh (chủ sở hữu hãng xe Ninh Quỳnh) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, nhiều DN vận tải khách đã tới hạn chịu đựng và cần được “cứu” ngay nếu không sẽ khó tránh được phá sản. “Gần hai năm ảnh hưởng bởi Covid-19, DN vận tải khách chúng tôi hầu như lỗ liên tục, mong hòa vốn còn khó nói gì đến lãi. Cuối năm sẽ có thêm rất nhiều khoản phải chi, nhất là tiền lương cho nhân viên, chúng tôi không biết sẽ xoay xở ở đâu?” - ông Nguyễn Duy Ninh nói.

Dù cùng chịu thiệt hại vì dịch bệnh Covid-19 giống như hàng không nhưng cơ hội phục hồi của các DN vận tải khách đường bộ là khó khăn hơn nhiều. Bởi, trong khi hàng không vẫn duy trì được lượng khách đi máy bay ổn định, thậm chí có thời điểm cầu còn vượt xa cung thì xe khách liên tình ngày càng ít khách. “Thời gian đầu khi dịch mới bùng phát, mỗi lần được chạy lại chúng tôi đều tranh thủ chạy hết công suất có thể vì khi đó nhu cầu đi ô tô của người dân còn nhiều. Nhưng càng ngày khách đi ô tô càng ít và đến giờ gần như không có khách. Có chuyến chỉ được 1 - 2 khách trên xe” - ông Nguyễn Duy Ninh thở dài.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (chủ sở hữu nhà xe Sao Việt) cho rằng, với tình hình hiện tại các DN vận tải khách bằng ô tô chẳng khác nào “cá nằm trên thớt”. Vận tải khách liên tỉnh vốn đã rất khó khăn vì dịch bệnh, khi được chạy lại thì khách vắng cộng với giá nhiên liệu tăng cao. Đây chẳng khác nào những “cú đấm bồi” nhắm thẳng vào các DN vận tải khách khiến họ chưa kịp ngẩng đầu lên đã bị “knock out” tại chỗ.

“Giá xăng dầu tăng liên tục đã đẩy DN vận tải tiếp tục chìm sâu vào thua lỗ. Các đơn vị vận tải đang loay hoay vì không biết xoay xở kiểu gì. Tiếp tục chạy sẽ thua lỗ, nghỉ thì không có tiền trả lãi vay ngân hàng, bán xe cắt lỗ thì không ai mua” - ông Bằng nói.

Đại diện nhiều DN vận tải khẳng định, với tình hình như hiện nay, rất nhiều DN vận tải khách liên tỉnh đang đứng trước bờ vực phá sản. Dịch bệnh khiến doanh thu sản xuất, kinh doanh của DN gần như bằng 0, trong khi đó hàng ngày vẫn phải chịu vô vàn chi phí như lãi ngân hàng; tiền thuê nhà xưởng, kho bãi; tiền lương hỗ trợ cán bộ, công nhân viên, lái xe; phí bảo trì đường bộ... Nếu không được “cứu” kịp thời bằng các gói hỗ trợ ưu đãi, danh sách các DN vận tải khách bằng ô tô phải dừng hoạt động hoặc tuyên bố phá sản sẽ ngày một dài thêm.q

Để giải cứu các hãng hàng không, VABA đề nghị cho các hãng hàng không được vay gói 25.000 - 30.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất (Nhà nước cấp bù lãi suất 4 - 5%) nhằm giúp các hãng chi thường xuyên, mua sắm vật tư thiết bị, thực hiện các chương trình dự án, bảo trì, duy trì hoạt động và phát triển trong và sau dịch.

Theo Kinh tế Đô thị

Nguồn: https://kinhtedothi.vn/hang-khong-duong-bo-thiet-hai-nang-444735.html