Khối ngoại tăng rót vốn vào hạ tầng logistics
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), tốc độ tăng trưởng của ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt 14 - 16%, với quy mô 40 - 42 tỷ USD. Thị trường có sự tham gia của 4.000 doanh nghiệp trong nước và 25 tập đoàn nước ngoài.
Hiện nay, một trong những điểm nghẽn khiến chi phí dịch vụ logistics của Việt Nam rất cao là do hạ tầng logistics vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, trong đó bao gồm cả hạ tầng giao thông vận tải, kho bãi, giao nhận (liên quan tới bất động sản). Trước những tiềm năng và cơ hội mới mở ra đối với ngành dịch vụ này, đang có một "làn sóng ngầm" đầu tư hạ tầng logistics.
Cụ thể, Start-up logistics EcoTruck vừa nhận thêm 2 triệu USD vốn đầu tư từ STIC Ventures (Hàn Quốc). Cuối năm 2020, EcoTruck đã nhận hơn 100 tỷ đồng từ một nhóm nhà đầu tư do VNG dẫn đầu.
EcoTruck đang quản lý hơn 300 đối tác nhà xe với hơn 9.000 xe đầu kéo và xe tải các loại, phục vụ hơn 500 khách hàng là các doanh nghiệp có nhu cầu vận tải. EcoTruck đã vận hành xuyên suốt từ Bắc đến Nam và có nhiều tuyến hàng xuyên biên giới.
Chia sẻ sau khi gọi vốn thành công, ông Lê Hoàng Anh, CEO EcoTruck cho biết, với phần vốn tăng thêm, EcoTruck sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ, mở rộng hoạt động kinh doanh, mở rộng phạm vi vận hành, đầu tư vào phát triển các dịch vụ khác trong hệ sinh thái, nhằm phục vụ mục tiêu gia tăng tính hiệu quả cho ngành logistics.
Trong tháng 5/2021, Công ty Emergent Việt Nam Logistics Development Pte (Singapore) đã nhận giấy chứng nhận phát triển dự án Trung tâm Logistics ECPVN Bình Dương 2, tỉnh Bình Dương. Dự án có vốn 34,4 triệu đô la Mỹ này sẽ được phát triển ở khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B, nhằm cung cấp dịch vụ kho bãi và lưu trữ hàng hóa; dịch vụ logistics; cho thuê nhà kho, nhà xưởng.
Frasers Property Việt Nam - đơn vị có nhiều năm tham gia phát triển các dự án bất động sản nhà ở, thương mại và khách sạn - đã công bố dự án đầu tư bất động sản công nghiệp đặt tại tỉnh Bình Dương. Nhà đầu tư đến từ Singapore này sẽ phát triển dự án khu công nghiệp BDIP (Binh Duong Industrial Park) thành trung tâm công nghiệp và logistics, tập trung vào các khách hàng mục tiêu trong lĩnh vực hậu cần và phân phối, công nghiệp nhẹ và công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao...
Một thương vụ lớn và bất ngờ trong nửa đầu năm 2021 là Dương Minh Logistic nhận vốn 15 triệu USD từ một nhà đầu tư giấu tên. Ngày 18/5, sau khi tuyên bố sáp nhập và đặt tên là GoTo, Gojek và Tokopedia cho biết sẽ hợp tác trên 3 lĩnh vực, trong đó ưu tiên logistics và Việt Nam là một trong những thị trường lớn.
Ngoài ra, Công ty cổ phần Tân Cảng Cái Mép đã ký kết hợp tác với Công ty KCTC Việt Nam (Hàn Quốc), trở thành đối tác toàn diện trong việc cung cấp các dịch vụ khai thác kho bãi cảng và dịch vụ logistics.
Hãng vận tải biển Maersk mới đây cũng đã quyết định mở rộng hoạt động kinh doanh kho bãi tại Việt Nam bằng việc mở thêm hai cơ sở theo hợp đồng mới tại Bình Dương và một cơ sở thứ 3 tại Bắc Ninh. Tổng diện tích mở rộng kho bãi là 38.000m2, bên cạnh 11 cơ sở tự quản khác của Maersk tại Việt Nam.
Điều gì khiến nhà đầu tư đổ vốn vào logistics?
Theo đánh giá của bà Nguyễn Hoàng Anh, đồng sáng lập, Giám đốc vận hành Abivin, logistics là ngành rất tiềm năng, nhưng cũng tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết. Trong đó, tối ưu lộ trình vốn là bài toán rất khó, nhưng việc ứng dụng công nghệ tiên tiến có thể giải được bài toán này. Mặt khác, nhu cầu nâng cao hiệu suất và cắt giảm chi phí logictics của các doanh nghiệp Việt đang rất cấp bách. Cùng với đó, xu hướng ứng dụng các phần mềm thông minh để giải quyết các vướng mắc trong vận hành ngày càng gia tăng.
Trong khi đó, tại sự kiện Diễn đàn CEO hồi đầu năm nay, bà Bùi Trang, Giám đốc cấp cao thị trường Việt Nam, JLL Việt Nam, đơn vị tư vấn bất động sản, cho biết trong hai năm qua có gần 3 tỉ đô la đầu tư hệ thống kho vận và các trung tâm logistics. Bà cho rằng sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng đang đưa Việt Nam thành trung tâm “kho bãi” vận chuyển của thế giới chứ không chỉ đơn thuần dành cho vận chuyển nội địa.
Thống kê của JLL Việt Nam cũng cho thấy, hàng chục thương hiệu quốc tế đã dịch chuyển hoặc mở rộng sản xuất sang Việt Nam. Điều này cho thấy viễn cảnh ngành logistics Việt Nam là khá lạc quan.
Ông Marco Civardi, Giám đốc điều hành tại Việt Nam, Campuchia và Myanmar của Maersk cũng nhận định, nhu cầu về kho bãi của Việt Nam đã tăng nhanh đáng kể trong thời kỳ đại dịch. Tình trạng thiếu container và thiếu tàu do dịch Covid-19 đã làm tăng nhu cầu lưu kho. Ngoài ra, còn nhờ sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và giao hàng tận nơi.
Thực tế, các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như Shopee, Lazada, Tiki - vốn là khách hàng của start-up logistics, cũng đã bắt tay vào đầu tư cho mảng logistics. Các ông chủ lớn sau lưng các sàn thương mại điện tử này là Tencent, Alibabam JD.Com… đã thông qua các công ty khác mua lại cổ phần của các hãng bưu chính, chuyển phát.
Ông Richard Triều Phạm, Giám đốc tài chính của Tiki cho biết, mỗi năm, Tiki đầu tư hàng chục triệu USD vào hệ thống logistics, phát triển công nghệ, nguồn nhân lực và tiếp tục gia tăng đầu tư trong thời gian tới.
Nguồn: https://congluan.vn/nhu-cau-kho-bai-gia-tang-xuat-hien-lan-song-dau-tu-vao-ha-tang-logistics-post137901.html