Để được sống thật với mình

Hiện nay Hormone dùng cho người chuyển giới ở Việt Nam đều được xách lậu từ nước ngoài về (Ảnh Minh Lê)

Hiện nay Hormone dùng cho người chuyển giới ở Việt Nam đều được xách lậu từ nước ngoài về 

Ở Việt Nam, vấn đề dùng hormone để thay đổi giới tính nói riêng và chăm sóc sức khỏe cho người chuyển giới chưa được pháp luật thừa nhận. Nhưng với khát khao cháy bỏng được trở về là chính mình, rất nhiều người trong cộng đồng đồng tính nữ - Lesbian, đồng tính nam - Gay, song tính - Bisexual, chuyển giới – Transgender (LGBT) vẫn đành “nhắm mắt đưa chân”, chấp nhận những rủi ro về sức khỏe, thậm chí là đánh đổi cả tính mạng.

Đỗ Ngọc Minh Châu – 24 tuổi quê ở tỉnh Phú Thọ là một cô gái xinh đẹp nhưng lại có tính cách, sở thích và cả tâm hồn của một chàng trai mới lớn. Khát khao được là chính mình, Châu đã tự dẫn mình vào một hành trình đầy khó khăn, nguy hiểm. Đó là hành trình “cãi” lại ông trời.

Châu tâm sự: “Năm cấp 3, em đã mơ hồ về giới tính của mình. Lúc ấy em đang là một nữ sinh nhưng cảm giác đó chỉ là cái vẻ bên ngoài, còn tính cách, sở thích và cả tâm hồn của mình đều thuộc giới tính nam. Em giấu kín điều này và thử yêu một bạn trai nhưng không có cảm xúc. Điều đó làm em càng thêm nghi ngờ giới tính của mình, càng ngày em càng tin mình là đàn ông trong vẻ ngoài của một cô gái”.

Tốt nghiệp cấp 3, Châu xuống Hà Nội và quyết định cho mình một cơ hội khi bày tỏ tình cảm với cô gái cùng lớp. Cô gái ấy từ chỗ rất quý Châu bỗng quay ra ghét bỏ. Sang năm thứ 2 đại học, Châu yêu một cô gái Hải Phòng, cuộc tình kéo dài hơn hai năm thì người yêu đột ngột đi lấy chồng Hàn Quốc.

Châu ngày càng cảm thấy thấy cô đơn, lạc loài trong thể xác của một cô gái, nhưng luôn khao khát được sống thật với chính mình. Châu quyết định cắt mái tóc dài, thay đổi cách ăn mặc khiến cô giáo, các bạn, gia đình vô cùng sốc.

Nhưng sự thay đổi về ngoại hình mới là bước khởi đầu, khao khát mỗi ngày thêm mãnh liệt, Châu quyết định chuyển giới, mặc cho gia đình phản đối quyết liệt. Đó là quyết định như đánh bạc với số phận, bởi vì  chuyển giới từ nữ sang nam chỉ có cách tiêm hormone vào cơ thể nhưng đều phải thực hiện “trong bóng tối” và không có gì đảm bảo cho sức khỏe lẫn tính mạng.

Ở Việt Nam, vấn đề dùng hormone để thay đổi giới tính nói riêng và chăm sóc sức khỏe cho người chuyển giới chưa được pháp luật thừa nhận. Tìm hiểu trong cộng đồng LGBT, Châu được biết có người chuyên bán Hormone xách tay từ Thái Lan về bán. Hormone trên thị trường cũng thật giả lẫn lộn, lỡ tiêm vào hàng giả có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng một khi hormone chuyển giới ở Việt Nam đang bị cấm, chất lượng của loại thuốc chưa được kiểm định, kiểm soát và có cơ quan nào chịu trách nhiệm thì những người như Châu đành “nhắm mắt đưa chân”. 

Ngày  16/8/2017 đánh dấu một sự kiện đổi thay cuộc đời của Châu. Khi mũi kim tiêm đâm vào da thịt đau nhói, Châu nhắm mắt hồi hộp chờ đợi điều gì sẽ đến với mình. Liều hormone làm Châu choáng váng, lên cơn sốt rét, nằm li bì ở nhà trọ mà không có ai bên cạnh, phải  nhờ người ship đồ ăn đến. 

Hành trình “lột xác” đầy vật vã và cô đơn ấy cứ kéo dài mãi. Ba tuần một lần, Châu lại tiêm một mũi hormone. Đến mũi thứ 5, giọng nói Châu bắt đầu thay đổi, như trẻ con bị vỡ giọng. Mũi thứ 6, thứ 7, lông chân, lông tay mọc lên, cơ bắp bắt đầu phát triển... 

Để duy trì chất đàn ông của mình, Châu vẫn phải chịu đựng những mũi kim tiêm bơm hormone  3 tuần một lần và kéo dài cho đến hết đời. Chi phi tiền thuốc hơn một trăm nghìn cho một mũi tiêm chưa kể tiền bồi dưỡng cho y tá nhưng không đáng lo bằng việc những liều hormone hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhập lậu. Nếu chẳng may gặp phải thuốc dởm hoặc bị cắt đứt nguồn cung thì những người như Châu có thể trả giá bằng chính mạng sống, hoặc quay trở lại giới tính nữ của mình với nhiều biến chứng nguy hiểm.

Cũng như Châu, Nguyễn Lan Hương sinh ra lớn lên ở Hà Nội để được trở lại là chính mình, cô gái cũng đã trải qua hành trình chuyển giới đầy vật vã. Hương kể: Để có được hình hài của một chàng trai đầy nam tính, Hương mua hormone nhập lậu của một bạn ở Hà Nội. Một  người có chuyên môn về ngành y tiêm nhận lời tiêm giúp và dĩ nhiên họ sẽ không chịu trách nhiệm nếu có điều gì không hay xảy ra.

Hương chấp nhận gật đầu. Mũi tiêm đầu tiên làm Hương choáng váng. Cứ thế, 3 tuần một lần tiêm, Hương bắt đầu cảm nhận có những sự thay đổi lớn bên trong cơ thể mình như mặt to ra, cơ bắp dày hơn, quần áo mặc không vừa nữa… Rồi cô gái Nguyễn Lan Hương đã đổi tên thành Hưng. Khi gặp mặt, nghe gọi tên ít người nhận ra trong vẻ ngoài điển trai của người đối diện lại từng là một cô gái nữ tính, xinh đẹp.

Quyết định hành trình lột xác cho bản thân trong cô đơn, chàng trai Hưng đã phải chuẩn bị rất kỹ các kiến thức về chuyển giới, thậm chí phải tự làm bác sĩ cho chính mình. Hàng tháng, Hưng vẫn phải đều đặn đi xét nghiệm máu một lần xem nồng độ hormone trong máu để tự điều chỉnh. Những tấm gương về nhiều người bạn chuyển giới sau khi tiêm hormone, có người bị hỏng gan, hỏng thận, có người bị liệt vì tiêm vào tĩnh mạch khiến Hưng thấy mình cần phải có thêm nhiều kiến thức hơn để không chỉ tự cứu mình mà còn có thể hỗ trợ những người bạn khác.

Dịch vụ y tế cho người chuyển giới còn trong “bóng tối”

Để duy trì được hormone cơ thể, người chuyển giới phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe (Ảnh Minh Lê)

Để duy trì được hormone cơ thể, người chuyển giới phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe 

Bà Vũ Thị Thanh Nhàn, Trung tâm SCDI cho hay, câu chuyện của Hoàng Châu, Lan Hương không còn là câu chuyện mới mà là khá phổ biến hiện nay. Trong quá trình tiến hành khảo sát nhu cầu và thực trạng về cung cấp dịch vụ cho người chuyển giới tại Việt Nam, bà nhận thấy, phần lớn người chuyển giới đều đã từng sử dụng các dịch vụ y tế như uống hóc môn, phẫu thuật ngực, phẫu thuật bộ phận sinh dục… nhưng tất cả đều được thực hiện “trong bóng tối”. 

Hoạt động trong cộng đồng người chuyển giới 10 năm nay, chị Nguyễn Hoàng Mai Châu cho biết, người chuyển giới gặp rất nhiều trở ngại. Hiện nay đa số các cơ sở y tế từ chối thực hiện chuyên môn vì không được phép; có một vài cở sở tư nhân nhận làm nhưng với giá rất đắt nên người chuyển giới thường truyền miệng nhau sử dụng thuốc trôi nổi, tự thực hiện việc tiêm hormone mà không được tư vấn, hỗ trợ từ các bác sĩ nên có nhiều rủi ro, không ít trường hợp tử vong vì sốc thuốc.

Bình luận về những rủi ro từ việc tự tiêm hormone, Ths. Bs Ngô Hải Sơn, Khoa Phẫu thuật - Tạo hình - Thẩm mỹ (Bệnh viện Việt Đức) cho rằng, người chuyển giới để duy trì được hormone cơ thể, phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe. Khi sử dụng hormone nữ hóa, người chuyển giới sẽ có thể mắc sỏi mật, huyết khối tĩnh mạch, tăng men gan, tăng cân, bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, tăng prolactin máu… Trong khi đó, với hormone nam hóa sẽ là bệnh lý đa hồng cầu, rụng tóc, tăng cân, ngưng thở khi ngủ, tăng men gan, mỡ máu...

 

Chia sẻ về tình trạng sử dụng hóc môn của người chuyển giới, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cũng cho biết, hiện nay, theo ước tính của tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam có khoảng 300.000 - 500.000 người chuyển giới. Tuy nhiên, nước ta chưa có cơ chế pháp lý để công nhận chuyển đổi giới tính. Trong khi đó, trên thế giới đã có 71 quốc gia ban hành luật này. Hệ lụy là nhiều người chuyển giới thường tự mua hóc môn qua đường xách tay, qua mạng Internet, liều dùng do họ tự ấn định… Đó là sự thiệt thòi lớn đối với cộng đồng người chuyển giới tại Việt Nam. Vì vậy, việc ban hành luật Chuyển đổi giới tính thực sự rất quan trọng.

Đứng trước thực tế này,  từ năm 2016 Chính phủ đã phân công Bộ Y tế soạn thảo luật tuy nhiên đến nay sau 3 năm vẫn chưa được trình lên Quốc hội. Trước đó, mặc dù, quyền của cộng đồng người chuyển giới đã được thừa nhận trong Luật Dân sự 2015 nhưng đến nay vẫn chưa được hiện thực hoá. Thêm một ngày chờ đợi là một ngày mà hơn 300.000 người chuyển giới ở Việt Nam phải sử dụng hormone hay các dịch vụ y tế không có quản lý của các cơ quan chức năng, và chịu những rủi ro về sức khoẻ và tính mạng chỉ vì mong muốn được là chính mình.

 

Theo congluan.vn