Quận Hà Đông có hệ thống đài truyền thanh, UBND TP cũng không hạn chế 100% loa phường nên mỗi phường vẫn có hệ thống truyền thanh. Trên địa bàn quận có 340 loa nên góp phần hiệu quả trong tuyên truyền phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona.
Còn 22 trường hợp phải cách ly
Thông tin trên được ông Vũ Ngọc Phụng, Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chiều 11-2.
Theo ông Vũ Ngọc Phụng, trong thời gian ảnh hưởng dịch bệnh Corona, UBND quận đã chỉ đạo các đơn vị quản lý, kinh doanh, khai thác chợ, các doanh nghiệp, thương mại và UBND các phường tổ chức tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tăng cường công tác vệ sinh, biện pháp tẩy, khử trùng và biện pháp phòng, chóng khác cho khách tham quan, mua sắm; quản lý chặt việc kinh doanh thịt các loại động vật hoang dã và thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, đề phòng lây lan dịch bệnh
Thông báo tạm dừng tổ chức các lễ hội, yêu cầu người dân hạn chế tham gia các hoạt động du xuân, tụ tập đông người và thực hiện các biện phá phòng dịch theo các văn bản chỉ đạo của trung ương và TP.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về ảnh hưởng của việc cắt giảm hệ thống loa phường trên địa bàn ảnh hưởng ra sao đến công tác tuyên truyền phòng dịch, ông Vũ Ngọc Phụng nói: Việc tuyên truyền ngoài sử dụng loa phường, quận cũng phát tờ rơi, đã phát 105.473 hộ đã phát trên 106.000, tờ rơi đến tay từng hộ.
“Tuyên truyền trên loa là rất cần thiết vì khi phát tờ rơi đến hộ gia đình họ có thể đi công tác nhưng tuyên truyền loa thì đến tai nhân dân nắm được tình hình bệnh để có biện pháp phòng ngừa theo khuyến cáo Bộ Y tế, Sở Y tế”, ông Vũ Ngọc Phụng nói.
Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết, hiện quận có 66 người trong diện theo dõi, 22 người thuộc diện cách ly. Trong 66 người này thì 26 người đã kết thúc theo dõi, vẫn đang theo dõi số còn lại. Những công dân Trung Quốc đến Việt Nam cũng như người Việt Nam từ vùng dịch về hoàn toàn thực hiện cách ly theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giao UBND phường ký quyết định cách ly gửi tới tận tay công dân đi về từ vùng dịch, có liên quan đến vùng dịch.
Làm rõ hơn thông tin về “trường hợp trốn cách ly”, ông Vũ Ngọc Phụng cho biết: Đối với trường hợp chưa cách ly ở tòa nhà Mỗ Lao là công dân Trung Quốc. Trước khi ký quyết định cách ly thì công dân đó chuyển xuống tầng dưới ở, và cho người khác thuê lại căn hộ đó. Ngay sau đó, UBND phường đã thu hồi quyết định đó và ban hành quyết định cách ly khác đúng với địa chỉ công dân đó ở chứ không phải họ trốn đi đâu mất.
Loa phường không phải phương tiện duy nhất
Kết luận Hội nghị giao ban, ông Phạm Thanh Học, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội bày tỏ: Loa phường không phải phương tiện duy nhất để tuyên truyền về phòng dịch. Cách đây hơn 2 năm, UBND TP có chủ trương thí điểm giảm loa phường ở một số phường chứ không phải xóa để thay thế bằng phương tiện, thiết bị văn minh hơn.
“Chúng tôi khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, thí điểm ở Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Ba Đình. Sở TT&TT được giao nhiệm vụ tổng kết đánh giá. Tuy nhiên, tất cả các quận huyện thị xã còn lại vẫn còn hệ thống loa phường, vẫn còn cụm loa.
Vừa rồi TP cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh đảm bảo khi có nhu cầu đột xuất vẫn phát thanh kịp thời, đến ngày 9-2 vẫn phát trên hệ thống đài phát thanh của TP đến các phường.
Việc tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh phải tính phát ở thời điểm nào cho hiệu quả. Theo hướng dẫn của TP khi có thiên tai địch họa thì tăng thời lượng tuyên truyền trên loa truyền thanh. Thực tế thời gian qua tăng thời lượng rất nhiều, tuy nhiên “loa truyền thanh không phải phương tiện duy nhất” để tuyên truyền về phòng chống bệnh nCoV.
Thông tin về diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới, tại Việt Nam và Hà Nội, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đề nghị các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền đến người dân các biện pháp phòng, chống bệnh. Đặc biệt chú trọng vệ sinh môi trường, khử khuẩn, hạn chế tập trung đông người; khi có dấu hiệu bệnh lý của viêm đường hô hấp cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn.