Dự thảo nêu rõ, mục tiêu của Chương trình là củng cố, nâng cấp các mô hình sản xuất tập trung, liên kết sản xuất hiện có để phát triển thành khoảng 60 cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thuộc 6 ngành tiềm năng của nền kinh tế; hỗ trợ xây mới, nâng cấp từ 5-10 cơ sở kỹ thuật hỗ trợ DNNVV. Hỗ trợ ít nhất 6.000 DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị sản phẩm trong lĩnh vực sản xuất, chế biến.Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia trong các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị sản xuất, chế biến thuộc 6 ngành tiềm năng của nền kinh tế gia tăng ít nhất là 5% vào năm 2025 so với 2021.
Chương trình lựa chọn các ngành tiềm năng để hỗ trợ phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị dựa trên các tiêu chí: Đóng góp cao trong tổng sản phẩm GDP của quốc gia/ngành/địa phương (trên 3 tỷ USD/năm đối với quốc gia và 1 tỷ USD/năm đối với địa phương); tạo ra khối lượng việc làm lớn cho người lao động (trên 80 nghìn việc làm/năm/ngành); đóng góp cao trong kim ngạch xuất khẩu (trên 5 tỷ USD/năm).
Chương trình dự kiến lựa chọn 6 nhóm ngành sau đây để hỗ trợ phát triển theo mô hình cụm liên kết, chuỗi cung ứng giai đoạn 2021-2025: (1) Điện tử; (2) Cơ khí chế tạo; (3) Công nghiệp CNTT, điện tử-viễn thông; (4) Dệt may; (5) Da giầy; (6) Nông, lâm, thuỷ sản.
Giải pháp hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025 bao gồm: Hỗ trợ chi phí đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất chuyên biệt tại hiện trường; Hỗ trợ chi phí tư vấn thúc đẩy liên kết trong cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; tư vấn xây dựng các dự án liên kết kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển thị trường, nâng cao giá trị của sản phẩm, hàng hóa; hỗ trợ chi phí gian hàng tại Hội trợ triển lãm xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế; chi phí tư vấn về nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh; chi phí hợp đồng tìm kiếm thông tin, quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu chuỗi…