5:21

Sau phần tham luận, Đại hội đã nghe công bố kết quả bầu cử Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII và tiến hành lấy phiếu giới thiệu chức danh Bí thư Thành ủy khóa XVII.

Kết thúc ngày làm việc thứ nhất phiên chính thức của Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII họp phiên thứ nhất bầu Ban Thường vụ, Bí thư, các Phó Bí thư, Ủy ban Kiểm tra và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.

Kết quả Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ được báo cáo tại phiên làm việc sáng mai, 13-10.

Theo chương trình, trong sáng mai, Đại hội cũng sẽ bầu đại biểu chính thức và đại biểu dự khuyết dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

4:56

Đầu tư thích đáng nhằm đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao

Tham luận tại Đại hội về chủ đề góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn đánh giá, Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đã được chuẩn bị công phu, bố cục chặt chẽ, khoa học; thể hiện tính kế thừa và phát triển về tư tưởng, lý luận của Đảng ta; phản ánh được khát vọng, tâm tư, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Đóng góp vào các văn kiện, tham luận của đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội đã đề cập đến nhiều nội dung, trong đó đề xuất giải pháp giám sát việc phân bổ và quyết toán ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ đảm bảo các chỉ tiêu đã được đề ra.

Theo đồng chí Nguyễn Kim Sơn, hiện nay, nước ta đang chuyển đổi mô hình đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ, do vậy, cần đặt giáo dục và đào tạo lên làm mục tiêu hàng đầu để đầu tư phát triển mạnh nhằm đào tạo nguồn nhân lực có năng lực, trình độ chuyên môn cao phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đem lại sự phát triển, thịnh vượng cho đất nước và làm thay đổi căn bản trình độ dân trí.

4:46

Xây dựng nông thôn mới vẫn là nhiệm vụ trọng tâm

Đồng chí Trần Đức Hải, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng tham luận về kết quả và kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Đan Phượng giai đoạn 2016-2020.

Đồng chí Trần Đức Hải, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng tham luận tại Đại hội.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, năm 2015, Đan Phượng vinh dự là huyện đầu tiên của thành phố Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, huyện xác định, khi chưa trở thành quận thì mục tiêu xây dựng nông thôn mới chưa có điểm dừng. Vì vậy, mặc dù chưa có hướng dẫn của Trung ương, thành phố về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, huyện Đan Phượng đã chủ động tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Trong giai đoạn 2021- 2025, huyện Đan Phượng xác định xây dựng nông thôn mới vẫn là mục tiêu trọng tâm, là tiền đề để phát triển, xây dựng huyện Đan Phượng trở thành quận. Vì vậy, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu của Thủ đô gắn với các tiêu chí đô thị.

4:40

Khoa học công nghệ phải trở thành nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tham luận với nội dung “Tham mưu các cơ chế, chính sách nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, nguồn lực, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”.

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tham luận tại Đại hội.

Để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, xây dựng Thủ đô đến năm 2025 trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; đến năm 2030 thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”, phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; đến năm 2045 là thành phố có chất lượng cuộc sống cao, kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn nêu rõ, một trong những khâu đột phá quan trọng được xác định là phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Hà Nội cần phát triển thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu cả nước, tiến tới là trung tâm của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.

Tham luận cũng nêu một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Theo đó, để thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người dân Thủ đô. Khoa học công nghệ phải trở thành nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, bắt buộc trong mọi ngành, lĩnh vực, trong đời sống kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội. Mọi cấp, ngành cần xác định rõ các chỉ tiêu, nhiệm vụ, đề án cụ thể về ứng dụng, phát triển nhanh khoa học công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của mình.

4:40

Thực hiện bài bản, quyết liệt và thận trọng trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy

Đồng chí Vũ Thu Hà, Giám đốc Sở Nội vụ trình bày tham luận về kinh nghiệm sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TƯ, Nghị quyết 19-NQ/TƯ của Trung ương (khóa XII).

Đồng chí Vũ Thu Hà, Giám đốc Sở Nội vụ tham luận tại Đại hội.

Đồng chí khẳng định, với nhận thức sâu sắc rằng, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là đòi hỏi khách quan, là chủ trương đúng của Đảng và hết sức cần thiết với thực tiễn Thủ đô. Đến nay, có thể nói, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo hai nghị quyết trên, được Trung ương và dư luận đánh giá cao.

Kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố đã đạt được một số kết quả nổi bật là tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế; quy định lại chức năng, nhiệm vụ của các sở, phòng chuyên môn cấp huyện và toàn bộ đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng quy định; khắc phục sự chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ, phù hợp với điều kiện tự nhiên, dân số, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố...

Qua sắp xếp, thành phố đã giảm 1 cơ quan hành chính cấp sở, 2 chi cục, 3 phòng chuyên môn cấp huyện; giảm 65 phòng thuộc sở; giảm 290 đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thành sắp xếp 70 ban quản lý dự án đầu tư xây dựng (với quy mô lớn 2.110 người) thành 5 ban quản lý dự án chuyên ngành trực thuộc UBND thành phố, 3 ban quản lý duy tu thuộc sở, 3 ban quản lý dự án đặc thù và 30 ban quản lý dự án khu vực thuộc quận, huyện, thị xã; giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã; giảm 2.708 thôn, tổ dân phố; giảm 65 trưởng phòng, 116 phó trưởng phòng cơ quan hành chính, 290 thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 18.403 biên chế công chức, viên chức; giải quyết nghỉ tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP cho 1.172 đối tượng.

4:32

Sau khi hoàn thành việc bầu cử Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII, Đại hội tiếp tục thảo luận tại hội trường.

3:49

Đại hội đã bầu Ban kiểm phiếu gồm 15 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Thành ủy viên khóa XVI, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ làm Trưởng ban. Tiếp theo Đại hội đã tiến hành bầu Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII.

3:45

Giới thiệu 80 đồng chí để bầu Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII

Thực hiện quy trình bầu cử theo quy định, Đại hội đã tiến hành các bước ứng cử, đề cử.

Với sự thống nhất cao, Đại hội đã thống nhất biểu quyết 100% nhất trí danh sách đề cử bầu Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII gồm 80 đồng chí.

100% đại biểu dự Đại hội cũng đã biểu quyết thống nhất thông qua danh sách 80 đồng chí được giới thiệu bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII.

Các đại biểu biểu quyết.

3:44

Theo Quy chế làm việc tại Đại hội đã được thông qua tại phiên trù bị hôm qua (11-10), phần nội dung liên quan đến bầu cử được quy định như sau: Tại Đại hội, đại biểu có nhiệm vụ bầu cử Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo Quy chế bầu cử trong Đảng và các văn bản hướng dẫn của cấp trên.

Khi bầu cử Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII và bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, mỗi đại biểu được Đoàn Chủ tịch cung cấp 01 (một) bản danh sách trích ngang các đồng chí đã được Đại hội biểu quyết chốt danh sách để bầu cử vào Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cùng với phiếu bầu.

Đại biểu được sử dụng danh sách trích ngang để nghiên cứu trước khi thực hiện bầu cử (khi bỏ phiếu bầu vào thùng phiếu, các đại biểu gửi lại bản danh sách trích ngang cho Đoàn Chủ tịch theo sự hướng dẫn của Ban Kiểm phiếu, không lưu giữ làm tài liệu cá nhân).

Thời gian dành cho đại biểu nghiên cứu, lựa chọn, chuẩn bị và thực hiện bầu cử từ 20 đến 30 phút.

Sau khi đại biểu bỏ phiếu xong trở về vị trí, ngồi tại hội trường để chứng kiến Ban Kiểm phiếu đếm phiếu thu về, đối chiếu với tổng số phiếu phát ra và công bố tổng số phiếu thu về trước Đại hội.

2:54

Giảm 6,5% số Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố

Mở đầu phiên làm việc buổi chiều, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã báo cáo Đề án nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII do Thành ủy khóa XVI chuẩn bị; trong đó nêu rõ tiêu chuẩn, tiêu chí, cơ cấu nhân sự được lựa chọn giới thiệu bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng báo cáo đề án nhân sự tại Đại hội.

Đại hội đã biểu quyết nhất trí 100% số lượng Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khoá XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 là 71 đồng chí. So với khoá XVI, số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã giảm 6,5% (Trung ương yêu cầu giảm 5%).

Theo Hà Nội Mới