Chưa tính đến chuyện mức học phí nửa tỷ đồng là đắt hay rẻ bởi mỗi gia đình sẽ có sự lựa chọn khác nhau dựa trên nhiều yếu tố như kỳ vọng của gia đình, khả năng tài chính hoặc nhu cầu của chính học sinh. Vấn đề đang khiến các bậc phụ huynh thực sự quan tâm chính là với mức học phí “ngoại” này thì chất lượng đào tạo của TH school đến đâu? 

Học phí "ngoại", chất lượng đến đâu?

Tại một số quốc gia có nền giáo dục phát triển như Anh, Mỹ, Singapore hay Hà Lan, học phí của các trường phổ thông hầu hết đều nằm dưới mức 500 triệu đồng mà TH school công bố.

Cụ thể, học phí bậc trung học tại Mỹ hiện dao động từ 15.000-25.000 USD/năm tương đương 300-500 triệu đồng/năm - mức phí này có thể biến động theo nhiều yếu tố và thấp hơn nếu trường nằm ở các tiểu bang.

Kể cả khi lên tới hệ đại học thì mức học phí trung bình của khối các trường công ở Mỹ cũng chỉ lên tới 23.000 USD, tương đương trên 460 triệu đồng/năm và khoảng 31.000 USD tương đương 630 triệu đồng/năm đối với các trường tư.

Tại Hà Lan, để học về chuyên ngành nghệ thuật và nhân văn, học phí ước tính khoảng 8,000 euro, tương đương khoảng 195 triệu đồng/năm đối với sinh viên nước ngoài. Các môn học chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật có mức phí cao hơn, nhưng luôn thấp hơn 9,000 euro, vào khoảng 200-220 triệu đồng/năm.

Theo đại diện của TH School thì một trong những ưu điểm của TH School chính là việc tạo ra một mô hình du học tại chỗ, chuyên biệt từ cấp bậc nhỏ tuổi nhất cho tới Đại học, giúp các em học sinh không phải xa gia đình mà vẫn được tiếp cận chương trình giáo dục quốc tế.

Có lẽ vì chính lý do này mà học phí tại TH School đang “cao ngất” giữa muôn vàn những mô hình giáo dục “bán quốc tế” khác tại Việt Nam.

Học phí tại TH School hiện tương đương với chi phí học tập tại một số trường trung học quốc tế. Ảnh: HH

Tuy nhiên, sự so sánh này rõ ràng là khập khiễng bởi việc du học thực sự ở nước ngoài sẽ hoàn toàn khác biệt so với việc “du học tại chỗ”.

Cụ thể, theo một du học sinh tại Đức, việc du học nước ngoài mang đến cho học sinh rất nhiều lợi ích thiết thực, đó là cơ hội rèn luyện kỹ năng sử dụng ngoại ngữ như tiếng mẹ đẻ bởi khi du học nước ngoài thì mọi công việc, từ giao tiếp hàng ngày đến vui chơi giải trí, học tập đều bắt buộc phải sử dụng ngoại ngữ.

Bên cạnh đó, các du học sinh được nâng cao kiến thức, văn hóa đời sống, tiếp cận phương pháp học tập, làm việc hoàn toàn mới thay vì việc tiếp cận một phương pháp học tập “chuẩn quốc tế” theo kiểu Việt Nam.

Hơn nữa, việc sinh sống và rèn luyện trong môi trường đa văn hóa toàn thời gian sẽ giúp các em có những thay đổi về tư duy, mở rộng tầm nhìn, thay đổi thói quen hành vi. Du học nước ngoài còn là cơ hội kết nối giáo sư, bạn bè, mở ra cơ hội du lịch, trải nghiệm.

Trong khi đó, việc “du học tại chỗ” sẽ tạo ra nhiều sự khập khiễng trong quá trình học tập và sinh hoạt của các em. Đơn cử như việc sử dụng tiếng anh trên lớp nhưng về nhà vẫn nói tiếng Việt khiến nhiều học sinh nói tiếng Anh như người Việt và sử dụng tiếng Việt như người… nước ngoài.

Chưa kể đến việc du học tại chỗ với “chi phí quốc tế” còn “tước” đi quyền du lịch, khám phá những nền văn hóa mới của các em, “tước” đi cơ hội mở rộng những mối quan hệ đa quốc gia mà chỉ có môi trường du học nước ngoài thực sự mới có.

Không chỉ vậy, hiện tại TH School chỉ có khoảng 50 học sinh đang theo học ở 3 lớp khối trung học phổ thông, tức là chưa đầy 20 học sinh cho mỗi lớp học. Điều này không chỉ gây khó khăn cho việc tạo lập các nhóm học tập, chơi thể thao mà còn là một “thiệt thòi” cho các em trong việc mở rộng mối quan hệ và học tập.

Mạo hiểm đặt niềm tin?

Tại TH School, nhiều hạng mục còn chưa hoàn thiện. Ảnh: KL 

Theo chia sẻ từ một số học sinh bậc THPT tại TH School, hầu hết các em đều đến từ khu vực miền Trung theo hệ học bổng và hiện học theo hệ nội trú, chịu toàn bộ sự quản lý từ nhà trường. Mọi hoạt động học tập, vui chơi giải trí của các em buộc phải tuân theo nội quy, khuôn khổ đặt ra.

Ngoài giờ học các bạn muốn ra ngoài, về quê hay đi chơi cuối tuần đều cần đăng ký, thông báo trước với nhà trường. Thậm chí ngay cả việc bố mẹ các em đến thăm cũng phải đăng ký và phải được sự đồng ý của nhà trường.

Theo đại diện của trường thì đây là cơ sở để trường quản lý và kiểm soát hoạt động của học sinh, đồng thời đảm bảo sự an toàn của các em khi sống xa gia đình. Tuy nhiên, việc nhà trường đưa ra các quy định quản lý quá ngặt nghèo sẽ khiến các em bị áp lực và cảm thấy gò bó khi thực hiện vì các quy định này vẫn mang tính bắt buộc.

Trong khi đó, nếu được đi du học nước ngoài, được sống trong một môi trường chuyên nghiệp và năng động, các em học sinh sẽ tự ý thức chủ động học tập, tự đưa bản thân vào khuôn khổ một cách hoàn toàn chủ động.

Có lẽ bởi vậy mà khi được hỏi “các em có thích môi trường học tập và sinh hoạt ở đây không?” thì một em học sinh của TH School đã phải ngập ngừng nhìn xung quanh rồi mới khẽ trả lời: “Cũng thích ạ, nhưng mà hơi khó thở”.

Đấy là còn chưa kể sự khác biệt và các giá trị chuẩn mực không thể đo đếm giữa những ngôi trường giàu truyền thống, có uy tín lâu năm ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển với một ngôi trường có bề dày kinh nghiệm chưa được... 1 năm tuổi như TH school.

Ngoài ra, chương trình đào tạo tiếng Anh tại đây xuyên suốt từ bậc mầm non đến THPT nên học sinh đang theo học tại các trường khác muốn chuyển sang học tập tại TH School sẽ phải trải qua những bài kiểm tra chất lượng khác nhau.

Chính đại diện TH School cũng phải thừa nhận rằng việc chuyển đổi sẽ khá vất vả đối với các bạn học sinh vì chương trình đào tạo tại 2 mô hình là khác nhau, thêm vào đó, chương trình giáo dục tiếng anh của TH School trải dài từ cấp bậc mầm non đến hết THPT theo giáo trình và kế hoạch đặt sẵn, do vậy, sẽ rất khó khăn cho các em học sinh khi chuyển trường và bắt đầu theo học chương trình mới tại TH School.

Khi đánh giá về môi trường học của TH School, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng nhận định: Ở Việt Nam, việc chuyển đổi môi trường học giữa hai hệ thống này thậm chí sẽ còn trở nên khó khăn hơn bởi “chúng ta chưa có chương trình chuyển đổi đối với các trường hợp này”.

Hiện tại, dù đã công bố thông tin tuyển sinh và đi vào hoạt động từ tháng 9/2016 nhưng đến nay nhiều hạng mục tại trường vẫn chưa hoàn thiện, khu vực góc sân trường và một số hạng mục ngay trong trường như phòng học vẫn còn ngổn ngang.

Một câu hỏi đặt ra là khi đã hoàn thiện, với những lo ngại về sự chuyển đổi khó khăn giữa mô hình học tập căn bản với mô hình giảng dạy của TH School cũng như những khác biệt về chương trình đào tạo tiếng Anh, cùng mức học phí “quốc tế”, liệu chăng các phụ huynh sẽ lựa chọn mạo hiểm tin tưởng ngôi trường "1 năm tuổi" này?

Theo Minh Chuyên/Reatimes