Theo BHXH Việt Nam, tính đến ngày 31/5/2015, cả nước đã có 64,6 triệu người tham gia BHYT, tăng 2,7 triệu người, tương đương 4,4% so cùng kỳ năm trước, đạt tỷ lệ bao phủ 71,4% dân số.
Đáng chú ý, nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình đã có sự gia tăng tích cực. Cùng với việc chủ động, tích cực phát triển đối tượng tham gia BHYT, công tác thu BHYT cũng được chú trọng, số thu BHYT được 19.589 tỷ đồng, đạt 33,8% kế hoạch, tương đương quỹ BHYT được sử dụng là 17.631 tỷ đồng.
Ngành BHXH đã tổ chức ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với 2.089 cơ sở y tế trong đó có 1.688 cơ sở y tế công lập, 401 cơ sở ngoài công lập; 69 cơ sở khám, chữa bệnh tuyến trung ương, 536 tuyến tỉnh, 1.206 tuyến huyện, 278 tuyến xã. Thông qua việc ký hợp đồng với các đơn vị này tổ chức khám chữa bệnh tại 9.496 trạm y tế xã. Thực hiện rà soát, giảm các thủ tục hành chính đối với người bệnh tham gia BHYT.
Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ BHYT các địa phương không đồng đều, nhiều tỉnh, thành phố có tỷ lệ tham gia BHYT thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Hiện có 31 địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT đạt dưới 70%, trong đó có 15 tỉnh, thành phố mới bao phủ đạt dưới 60% dân số. Đặc biệt, tám tỉnh: An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Hậu Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long mới chỉ bao phủ BHYT hơn 55% dân số.
Một số tỉnh từ năm 2014 trở về trước có tỷ lệ bao phủ BHYT rất cao do có nhiều đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, nhưng đến năm 2015 bị sụt giảm mạnh, như: Bắc Cạn, Hậu Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang...
Mặt khác, tính tuân thủ pháp luật tham gia BHYT của một bộ phận DN, người sử dụng lao động còn chưa cao. Thống kê hiện có tới hơn 40% số DN có biểu hiện trốn đóng, nợ đóng BHYT cho người lao động; một số tỉnh có hơn 20% số học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT. Hoàn thành mục tiêu 75% dân số có BHYT năm 2015 đang là thách thức rất lớn đối với ngành BHXH Việt Nam.
Đề cập mục tiêu phấn đấu diện bao phủ BHYT tới 75% dân số cuối năm 2015, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho hay, ngành BHXH sẽ quyết liệt thực hiện các giải pháp về cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành tham gia BHYT đối với người lao động, DN...
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh, BHXH Việt Nam đang đề nghị Chính phủ sớm ban hành Quyết định giao chỉ tiêu phát triển đối tượng BHYT cho các tỉnh, thành phố và xác định đây là chỉ tiêu đánh giá tình hình phát triển kinh tế, xã hội của mỗi địa phương.
Các tỉnh, thành phố đặc biệt là các tỉnh có tỷ lệ bao phủ thấp xây dựng kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHYT, theo từng nhóm đối tượng, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân tham gia BHYT, tập trung hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo, và một phần mức đóng BHYT cho các hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp...
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, mục tiêu 75 % diện phủ BHYT trong toàn dân vào cuối năm 2015 phải đạt được, nhằm tiến tới BHYT toàn dân. Để đạt mục tiêu này, ngành y tế và BHXH Việt Nam cần chủ động tìm ra những lý do vì sao một số nhóm đối tượng chưa đạt tỷ lệ 75 % tham gia BHYT? Tại sao có nơi huyện đảo, xã đảo chỉ vì thủ tục không xác nhận được mà không cấp thẻ BHYT.
Đây là chủ trương lớn, không phải chỉ là chỉ tiêu thành tích, mà nó còn có ý nghĩa lớn hơn thế. Các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành tham gia BHYT; xử lý nghiêm các hành vi gian lận, trục lợi quỹ BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh./.