Chỉ khi nào có sự tương tác, hỗ trợ nhau thực sự hiệu quả từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, lúc đó ngành nông nghiệp Việt Nam mới có thể phát triển bền vững và đời sống nông dân mới hết bấp bênh.

Trong những năm gần đây, mô hình liên kết "bốn nhà" - (Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông) đã được thực hiện nhằm hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hóa trên thị trường. Trong đó, các doanh nghiệp đóng vai trò là đội ngũ tiên phong, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư lớn đã áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. 

Chính doanh nghiệp sẽ là yếu tố quan trọng giúp nông dân tiếp cận tốt với các công nghệ và ứng dụng vào sản xuất; doanh nghiệp định hướng thị trường và liên kết với nông dân để mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu và phát triển thương hiệu sản phẩm.

huong di ben vung cho nguoi nong dan trong boi canh hoi nhap
Nông trại nuôi thả gà thuộc thương hiệu Gà 36

Nỗi ám ảnh "được mùa, mất giá" của nông sản Việt 

Thời gian qua, vòng tuần hoàn "được mùa mất giá, được giá mất mùa", hay "giải cứu nông sản" cứ lặp đi, lặp lại khiến nhiều người lo ngại về tương lai của nông sản Việt. Đã có nhiều chiến dịch tìm đường tiêu thụ cho nông sản, như: nông dân Mê Linh tự tay nhổ bỏ củ cải vì rớt giá, không ai đến thu mua; khoai tây Lạng Sơn ế ẩm giá chỉ 3.000 đồng/kg; bí đỏ rớt giá, chỉ 800 đồng/kg còn không có người mua; hàng trăm tấn dưa hấu tại Quảng Ngãi, Quảng Nam tìm đường tiêu thụ; hàng chục tấn bí xanh tại huyện Kim Bôi (Hòa Bình) xếp thành dãy dài và mới đây là các chiến dịch giải cứu dứa cho nông dân Yên Bái, Thanh Hoá. 

Theo các chuyên gia nông nghiệp, sản xuất phá vỡ quy hoạch khiến cung vượt quá cầu, thiếu một chuỗi sản xuất bền vững chính là nguyên nhân dẫn đến sự mất giá của nông sản trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, tình trạng phá vỡ hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa người dân và doanh nghiệp vẫn thường xuyên xảy ra. Do đó, cần bổ sung, sửa đổi và có chế tài trong xử phạt vi phạm cũng như có những chính sách cụ thể hỗ trợ đầu ra cho nông sản. Giải quyết vấn đề cấp bách hiện nay đối với sản xuất nông nghiệp là tiêu thụ sản phẩm và quản lý chất lượng, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất. Vì thế, các quy định cần tạo điều kiện để phát triển sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản cho nông dân, tập trung hỗ trợ vào khâu yếu nhất trong chuỗi liên kết (chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp).

Để tạo đầu ra ổn định, bền vững cho nông sản, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh yếu tố về khoa học kỹ thuật, về cơ cấu cây trồng... thì rất cần sự định hướng, lãnh đạo đúng đắn cho người nông dân trước những diễn biến khó lường của thị trường. Trong buổi đối thoại trực tiếp với nông dân ở Hải Dương hồi tháng 4/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: "Không chỉ chăn nuôi mà nông sản nói chung nếu sản xuất theo chuỗi cũng đều giảm được rủi ro, do kiểm soát được an toàn thực phẩm, chia sẻ được lợi nhuận giữa các đối tác tham gia sản xuất và kiểm soát được cung cầu, biết được thị trường cần gì. Còn nếu từng người sản xuất riêng lẻ, tự phát, mạnh ai nấy làm thì lại được mùa mất giá, lại phải giải cứu". 

Phải khẳng định rằng, nếu có dự báo chính xác về nhu cầu thị trường, đưa ra quy hoạch đúng đắn, không để người dân phá vỡ quy hoạch và đặc biệt đảm bảo có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, người chăn nuôi, trồng trọt..., chắc chắn tình trạng bấp bênh trong tiêu thụ nông sản sẽ giảm đáng kể.

 Hướng đi bền vững cho nông sản Việt

Theo chân đoàn công tác của Gà 36 về nông trại nuôi thả gà ta của gia đình ông Hòa (ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc) hay ông Quý (ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa) và một số địa phương khác do Công ty Cổ phần Anh Em Đầu Tư (thương hiệu Gà 36) khởi sự và bao tiêu sản phẩm theo mô hình "khép kín", mới hiểu hết được niềm vui của những người nông dân thỏa sức lao động, làm giàu ngay trên mảnh vườn nhà mình. Qua đó mới thấu hiểu quyết tâm tìm ra hướng đi bền vững cho người nông dân của ông chủ Gà 36 nức tiếng Hà thành. 

huong di ben vung cho nguoi nong dan trong boi canh hoi nhap

Với mô hình đạt chuẩn Thương hiệu Gà 36 giúp người nông dân yên tâm chăn nuôi, làm giàu ngay ở vườn nhà. Ảnh: Lan Hương

Khi được hỏi về trăn trở, khó khăn hiện nay với nguồn đầu ra cho nông sản, ông Trần Văn Toán - Chủ thương hiệu Gà 36 chia sẻ: "Thương hiệu Gà 36 hiện không thu mua nguồn hàng từ bất kỳ nhà cung cấp nào ở bên ngoài. Chúng tôi hiện có các trang trại chính ở Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, là những nông trại được đầu tư lâu nhất đạt chuẩn thương hiệu Gà 36, quy mô hơn một vạn con mỗi trại, chưa kể hệ thống các nông trại vệ tinh khác. Đây là các nông trại hoạt động theo đúng chu trình chăn nuôi do đơn vị nghiên cứu và áp dụng, nhằm đảm bảo một chu trình khép kín từ khi con gà giống nguyên liệu đầu vào cho tới lúc lên mâm phục vụ thực khách. 

Nhờ đó, thương hiệu có thể phát triển bền vững với nguồn nguyên liệu ổn định và chất lượng. Không chỉ vậy, các nông trại gà còn tạo công ăn việc làm và giải quyết kinh tế cũng như tận dụng đất nhàn rỗi cho người dân tại địa phương. Con em của những hộ chăn nuôi này cũng là những người chiếm đa số nhân viên tại nhà hàng Gà 36 hiện tại.

Chính doanh nghiệp sẽ là yếu tố quan trọng giúp nông dân tiếp cận tốt với các công nghệ và ứng dụng vào sản xuất; doanh nghiệp định hướng thị trường và liên kết với nông dân để mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu và phát triển thương hiệu sản phẩm. Thực tế, nhiều mô hình liên kết 4 nhà đã thành công, như: Tập đoàn Vingroup đã đưa ra thương hiệu nông nghiệp là VinEco với sản phẩm thực phẩm sạch từ một số trang trại ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Đông Triều (Quảng Ninh), Củ Chi (TPHCM) và Long Thành (Đồng Nai), Lạc Dương (Đà Lạt)... Đồng thời, khởi động chương trình liên kết với 1.000 hộ nông dân và HTX trong sản xuất rau sạch. 

Chương trình chính thức triển khai từ tháng 9/2016 với tổng ngân sách khoảng 300 tỉ đồng cho năm đầu tiên. Điều kiện tham gia là các hộ sản xuất có quy mô tối thiểu trên 1 ha, cam kết sản xuất nông sản sạch, an toàn, ưu tiên những hộ sản xuất đã đạt tiêu chuẩn VietGap hoặc chuyên sản xuất trái cây đặc sản theo vùng miền. Với việc kiểm soát khép kín từ đồng ruộng đến siêu thị, chương trình sẽ cắt giảm được tối đa các khâu trung gian, tập trung nâng cao chất lượng nông sản cung ứng ra thị trường. 

Tuy nhiên, mô hình được áp dụng ở nhiều nơi vẫn chưa thực sự bền vững. Sự phân chia lợi ích trong chuỗi liên kết thiếu minh bạch đặc biệt là giữa doanh nghiệp và nông dân, dẫn đến ngành nông sản rơi vào tình trạng khó khăn. Có thể kể đến tình trạng doanh nghiệp ép giá nông dân khi được mùa, người nông dân không giữ chữ tín khi được giá. 

huong di ben vung cho nguoi nong dan trong boi canh hoi nhap
Liên kết trong sản xuất là xu thế phát triển tất yếu của nông nghiệp hiện đại, trong đó không thể thiếu mối liên kết giữa nhà doanh nghiệp với nông dân - Ảnh minh họa

Điển hình là vấn nạn ồ ạt phá mía trồng mì (sắn) tại một số vùng nguyên liệu mía lớn như: Gia Lai, Tây Ninh, Phú Yên... bất chấp khuyến cáo của các cơ quan chức năng. Khi việc chuyển đổi này mang tính tự phát, không được quy hoạch chặt chẽ, khoa học, lựa chọn cây trồng không phù hợp sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực đối với kinh tế nông nghiệp nói riêng, tình hình kinh tế - xã hội nói chung. 

Suy cho cùng, câu chuyện muôn thuở "được mùa mất giá" khiến người nông dân điêu đứng, về cơ bản vẫn thiếu và yếu những mô hình doanh nghiệp "cung - cầu" khép kín như Gà 36, VinECo hay do mối liên kết "bốn nhà" chưa chặt chẽ. Chỉ khi nào những nút thắt đó được bền chặt, có sự tương tác, hỗ trợ nhau thực sự hiệu quả từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm, lúc đó ngành nông nghiệp Việt Nam mới có thể phát triển bền vững và đời sống nông dân hết bấp bênh.

Tháng 7/2018, Chính phủ đã đưa chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp kỳ vọng sẽ đưa việc hợp tác, liên kết này trở về đúng vị trí, đem lại lợi ích bền vững cho các bên. Theo đó, bên chủ trì liên kết sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa không quá 300 triệu đồng, bao gồm tư vấn, nghiên cứu để xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết, phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường. Dự án liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết bao gồm: nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỉ đồng.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/huong-di-ben-vung-cho-nguoi-nong-dan-trong-boi-canh-hoi-nhap-5082.html
 

Theo Kinh Tế Môi Trường