Hướng tới môi trường học đường không có bạo lực giới - Ảnh 1

Bạo lực giới ở trường học không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm lý của học sinh. 

 Vừa qua, Bộ GD&ĐT, tổ chức ChildFund Việt Nam và Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Hội thảo Tập huấn công tác tư vấn tâm lý học đường cho học sinh phổ thông và giới thiệu bộ công cụ “Thúc đẩy mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong trường học” có điều chỉnh với bối cảnh Việt Nam để triển khai thử nghiệm tại các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Hòa Bình, Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.

Với tên gọi “Xây dựng các mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng: Ngăn ngừa bạo lực giới học đường”, bộ công cụ được biên soạn trên cơ sở nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm từ nhiều chương trình ở các nước khác nhau trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với mục tiêu hỗ trợ giáo viên cấp trung học cơ sở (THCS) phòng ngừa bạo lực giới trong trường học, thông qua các hoạt động và bài học mang tính tương tác. Các hoạt động theo thiết kế sẽ khuyến khích các mối quan hệ mang tính xây dựng, bình đẳng giới và sự đoàn kết giữa các học sinh ở lứa tuổi 11 đến 14.

Bộ tài liệu do trường Đại học Melbourne xây dựng, với sự hỗ trợ của Nhóm công tác Khu vực về Bạo lực giới ở trường học, thuộc Sáng kiến Giáo dục cho trẻ em gái khu vực Đông Á Thái Bình Dương (UNGEI) và dự án “Đoàn kết để chấm dứt bạo lực với phụ nữ” với sự tham gia của các tổ chức Plan International, UN Women, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm ở nhiều nước khác nhau trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mục tiêu là hỗ trợ giáo viên THCS trong việc khuyến khích các mối quan hệ mang tính xây dựng, bình đẳng giới và gắn kết xã hội giữa các học sinh ở các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo một nghiên cứu do UNESCO tiến hành về bạo lực giới ở trường học tại sáu tỉnh ở ba miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam vào năm 2015, có tới hơn một nửa số học sinh tham gia nghiên cứu cho biết từng là nạn nhân của ít nhất một hành vi bạo lực trong vòng sáu tháng trước đó. Trong đó, học sinh các lớp đầu cấp THCS là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất. Bạo lực giới ở trường học không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm lý, khiến các em tự ti, trầm cảm, có trường hợp dẫn đến mang thai và nhiễm các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như HIV, tăng nguy cơ các em bỏ học.

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam, đánh giá cao nỗ lực của Bộ GD&ĐT trong quyết định triển khai thử nghiệm bộ công cụ nhằm thực hiện một nền giáo dục chất lượng, toàn diện và bình đẳng cho mọi trẻ em. “Trẻ em cần được học về cách thức xây dựng và duy trì các mối quan hệ trong trường học dựa trên nền tảng tôn trọng và bình đẳng, từ đó các em sẽ áp dụng những nguyên tắc này trong cuộc sống của mình”, Trưởng đại diện UN Women nhấn mạnh.

 

Hướng tới môi trường học đường không có bạo lực giới - Ảnh 2

Giám đốc Quốc gia ChildFund Việt Nam- Nguyễn Thị Bích Liên chia sẻ, trẻ em và thanh thiếu niên ngày nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới trong một thế giới có nhiều biến động. Các em không chỉ cần nỗ lực học tập thật tốt mà còn cần được hỗ trợ để có những kiến thức, hiểu biết thích hợp về hành vi ứng xử, xây dựng bản lĩnh của công dân toàn cầu để khi lớn lên các em có thể tự tin khẳng định “Tôi được giáo dục, Tôi có tương lai”. Sự hợp tác lần này giữa Bộ GD&ĐT, ChildFund, UN Women sẽ tiếp tục thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đang được hướng tới.

Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết, bộ tài liệu và Hội thảo giới thiệu và lập kế hoạch triển khai thử nghiệm bộ công cụ này là một trong những bước đi quan trọng của Bộ GD&ĐT và các đối tác đồng hành là UN Women, ChildFund và Plan International trong việc triển khai Nghị định về xây dựng trường học an toàn, thân thiện không có bạo lực và Thông tư 31 về Công tác tư vấn tâm lý học đường. Sau hai năm tiếp cận và nghiên cứu thích ứng, bộ tài liệu đã sẵn sàng cho việc thử nghiệm tại Việt Nam. “Chúng tôi tin rằng các địa phương tiến hành thử nghiệm sẽ cung cấp bằng chứng cụ thể về hiệu quả áp dụng bộ công cụ trong việc xây dựng mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong trường học, làm cơ sở nền tảng cho việc nhân rộng cấp quốc gia sau này”, ông Bùi Văn Linh nhấn mạnh.

HÒA THANH

Theo baodansinh.vn