Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, sau 2 tháng triển khai đồng loạt Đề án khám, chữa bệnh từ xa, đã có hơn 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh được kết nối với hơn 20 BV tuyến TƯ và các BV tuyến cuối của Hà Nội và TP HCM.
Nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ hội chẩn và cứu sống kịp thời không phải chuyển lên tuyến trên. Những điểm cầu vùng sâu, vùng xa đã được kết nối như: Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé…
Cứu chữa kịp thời
Cụ thể, ngày 01/09/2020, mẹ con sản phụ Trần Thị T (30 tuổi) giáo viên ở huyện Ba Đồn, Quảng Bình đã được cứu sống kịp thời nhờ thực hiện tốt hội chẩn trực tuyến giữa BV Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới và BV Trung ương Huế thông qua Đề án Khám chữa bệnh từ xa - Telehealth. Chị T nhập viện khi thai 35 tuần, dọa sinh non, có hội chứng tăng đông máu, nguy cơ tắc mạch máu rất hiếm gặp ở Việt Nam và trên thế giới. Sản phụ đã được BV Hữu Nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới báo cáo hội chẩn qua Telehealth với BV Trung ương Huế. Hai mẹ con sản phụ đã được cứu sống kịp thời.
Ngày 04/09, BVĐK tỉnh Quảng Ninh đã cứu sống bệnh nhân T.V.C (32 tuổi), Bình Liêu, Quảng Ninh. Bệnh nhân T.V.C được phẫu thuật trong tình trạng tràn khí màng phổi, tái phát do vỡ kén khí màng phổi nhờ sự chỉ đạo trực tuyến của các chuyên gia ngoại khoa của BV Hữu nghị Việt Đức thông qua hệ thống y tế từ xa. Ngày 11-9, BV Bạch Mai hỗ trợ BVĐK tỉnh Hòa Bình cứu sống bệnh nhân sốc phản vệ, ngừng tim gần 60 phút nhờ khám, chữa bệnh từ xa…
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết thêm, mục tiêu của Đề án khám, chữa bệnh từ xa là tất cả mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến T.Ư. Bên cạnh đó, người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới góp phần phòng, chống dịch bệnh, giảm quá tải BV tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.
Trong giai đoạn hiện nay với mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để các BV có căn cứ hoạt động và có các hướng dẫn cụ thể, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý khám, chữa bệnh phối hợp với các bên liên quan bước đầu xây dựng các văn bản hướng dẫn trong giai đoạn đầu của đề án.
Đó là hướng dẫn quy trình tổ chức hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa; quy chế hướng dẫn bảo mật thông tin trong tư vấn, hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa; danh mục các kỹ thuật khám, chữa bệnh từ xa; sách vàng 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa.
Tại BV ĐH Y Hà Nội tổ chức định kỳ tiến hành 1 tuần 2 buổi Telehealth (thứ ba và thứ năm). Mỗi buổi, sẽ có trung bình từ 8-10 bệnh nhân nặng được tham gia hội chẩn trực tuyến. Sau 5 tháng triển khai, BV đã tổ chức được 40 buổi hội chẩn Telehealth, 293 ca bệnh được hội chẩn; 162 BV đề xuất tham gia kết nối.
Triển khai bài bản để đạt kết quả tốt nhất
Bác sỹ Hoàng Quang Trung - GĐ BVĐK tỉnh Hà Tĩnh cho biết, qua 26 lần triển khai hội chẩn trực tuyến với BV ĐH Y Hà Nội, 29 bệnh nhân nặng của BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đã được các chuyên gia đầu ngành phân tích kỹ lưỡng, đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp nhất cho mỗi bệnh nhân. Nhờ đó, các bệnh nhân được điều trị tốt nhất ngay tại chỗ, hạn chế việc chuyển tuyến, tiết kiệm chi phí và giảm tải cho các BV tuyến trên.
Các thầy của BV ĐH Y Hà Nội triển khai rất bài bản và tâm huyết, có kiểm tra kết quả sau mỗi buổi hội chẩn nên bắt buộc các BV sau khi hội chẩn xong phải tập trung vào điều trị bệnh nhân. Sau 1 tuần, các thầy sẽ hỏi lại kết quả thực hiện. Đồng thời, việc triển khai khám chữa bệnh từ xa với BV ĐH Y Hà Nội không chỉ mang lại lợi ích lớn cho người bệnh mà còn tạo điều kiện cho các bác sĩ tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh cơ hội để học hỏi và nâng cao chuyên môn.
Tại BV Nhi Trung ương, BV đã có quy định bác sỹ trực toàn viện sẽ tiếp nhận và hướng dẫn cho các bác sỹ các tuyến để bảo đảm xử lý tốt nhất. Hiện nay, BV đã triển khai Telehealth thường quy với hình thức hội chẩn song phương.
“Chúng tôi chưa triển khai hội chẩn đa phương vì còn liên quan bảo mật bệnh nhân, uy tín bác sỹ soạn bệnh án, uy tín của BV. Sau phiên hội chẩn, chúng tôi có khoảng 15-20 phút mở toàn bộ hệ thống các điểm cầu vào để các chuyên gia Trung ương giảng bài trên tình huống cụ thể. Thí dụ như, từ trường hợp một ca bệnh ở Cô Tô về xử lý cơn giật do sốt cao, các chuyên gia cũng đã có 10-15 phút đưa ra kiến thức cập nhật cho các tuyến về xử trí” – PGS.TS Trần Minh Điển, PGĐ BV cho biết.
Tại BV Hữu nghị Việt Đức - đơn vị đầu tiên thực hiện khám chữa bệnh từ xa cách đây 15 năm trong dự án tăng cường năng lực các BV vệ tinh do Bộ Y tế phê duyệt năm 2004. Năm 2006, BV Hữu nghị Việt Đức đã bắt đầu thực hiện tư vấn phẫu thuật trực tuyến cho ca bệnh đầu tiên tại BV Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) và từ đó đã trở thành hoạt động thường xuyên.
Đến nay, BV đã kết nối với trên 100 điểm cầu, trong đó có các BV tuyến huyện, các BV công và BV tư đăng ký trở thành điểm cầu vệ tinh của BV Hữu nghị Việt Đức. Từ đầu tháng 9-2020, khi khai trương Trung tâm Tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, BV Hữu nghị Việt Đức thường xuyên tổ chức tư vấn phẫu thuật trực tuyến, đặc biệt qua hệ thống mổ nội soi với công nghệ 3D Einstein Vision cho BV tuyến dưới.
Từ trung tâm y tế cấp huyện, xã cũng có thể lên hệ thống này hỏi ý kiến của chuyên gia ở tuyến T.Ư. Mọi khoảng cách địa lý, sự phân cấp tuyến này tuyến kia sẽ được xóa nhòa. GS.TS Trần Bình Giang - GĐ BV Hữu nghị Việt Đức nhận định, với sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực truyền thông và công nghệ số như hiện nay, thì càng ngày chúng ta càng có nhiều phương tiện để làm việc tốt hơn đặc biệt là hoạt động khám, chữa bệnh từ xa này. Đồng thời, người bệnh là đối tượng được hưởng thụ trực tiếp từ những thành công của việc triển khai hệ thống khám, chữa bệnh từ xa.
Một trong những khó khăn hiện nay của triển khai khám chữa bệnh từ xa là việc chi trả bảo hiểm cho các bác sĩ các tuyến như thế nào. GS.TS Nguyễn Lân Hiếu – GĐ BV ĐH Y Hà Nội cho biết: “Hiện nay, Luật Khám, chữa bệnh chưa sửa đổi, chúng ta chưa có hành lang pháp lý cho việc triển khai ký đơn khám chữa bệnh từ xa như thế nào. Ví dụ vừa qua chúng tôi hội chẩn cho một bệnh nhân người Lào ở BV 199, nhưng đơn thuốc cho người bệnh vẫn là bác sĩ của BV 199 ký”.
BV E hiện cũng đã kết nối hệ thống khám chữa bệnh từ xa với gần 80 cơ sở y tế, gồm 21 BVĐK, chuyên khoa tuyến tỉnh, còn lại là hơn 54 BV tuyến huyện và trung tâm y tế tuyến huyện... Trong đó, có rất nhiều BV tuyến huyện vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn ở các địa phương trên toàn quốc và đặc biệt là 2 TTYT huyện Tam Đường và Than Uyên của tỉnh Lai Châu.
Qua mỗi buổi khám chữa bệnh từ xa, các bác sĩ TTYT Tam Đường đã trình bày hồ sơ bệnh án, kết quả xét nghiệm, chẩn đoán và hướng điều trị cho bệnh nhân; song song đó, truyền hình ảnh trực tiếp đang nội soi tiêu hóa cho bệnh nhân... Tại đầu cầu BV E, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn, thảo luận cân nhắc kỹ để đưa ra chẩn đoán và hướng điều trị tốt nhất cho người bệnh.