Đại dịch Covid-19 lan rộng khắp toàn cầu không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến hành vi của người dùng.

Để đánh giá chính xác về ảnh hưởng đối với hành vi của người tiêu dùng, công ty đo lường Q&Me đã tiến hành kiểm tra dữ liệu để tìm hiểu sự thay đổi trong hành vi của người Việt. Khảo sát này làm rõ tác động của tin tức đến hành vi bảo vệ của họ cũng như những thay đổi trong cuộc sống khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra.

Trong thời kỳ dịch bệnh, khẩu trang được khuyến cáo là biện pháp cơ bản và đơn giản nhất phòng chống dịch bệnh. Cảnh báo đó đã mang đến hiệu ứng đặc biệt sốt khẩu trang và những người dùng nó. Theo khảo sát, 89% đeo khẩu trang khi họ ở bên ngoài, 47% đeo khi ở trong nhà. 88% đeo khẩu trang dùng một lần, 47% đeo khẩu trang được dùng lại. Tuy nhiên, do sự thiếu hụt nguồn cung sản phẩm này mà lượng người dùng khẩu trang vải cũng tăng vọt, tới 47% người chọn khẩu trang vải.

Khẩu trang được săn lùng trong mùa dịch

Sự lây lan của virus Corona trở thành vấn đề khẩn cấp mang tính toàn cầu. Ý thức bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng cũng tăng lên đáng kể. 78% giảm tần suất đi ra ngoài do lo ngại dịch bệnh Covid-19, 80% giảm tần suất giải trí, bạn bè đi chơi, ăn uống hay tụ tập nơi công cộng.

Tần suất đi mua sắm cũng giảm và thay vào đó, kích thước giỏ hàng tăng lên cho mỗi lần mua hàng. Tuy nhiên, điều này vẫn ảnh hưởng đến doanh số bán lẻ và doanh số hàng tiêu dùng nhanh trong ngắn hạn. Chỉ một số mặt hàng có xu hướng tăng cao như nước rửa tay, nước rửa tay khô diệt khuẩn, khăn giấy ướt.

Các loại thực phẩm lành mạnh như trái cây, nước ép hay các loại nước tăng khả năng miễn dịch có chiều hướng được mua sắm dự trữ nhiều và đồ khô cũng vậy.

Theo thống kê từ một số sàn thương mại điện tử lớn tính từ ngày 23/1 đến nay, lượng khẩu trang bán ra trên kênh online tăng đến 800%, nước rửa tay tăng trên 1.000%, trong nhiều thời điểm hàng vừa được đưa lên thì 30 phút sau đã được đặt mua hết.

Cập nhật tình hình dịch bệnh Covid-19

Theo Công ty Đo lường Kantar, dịch bệnh Covid-19 còn có thể thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm vệ sinh – các sản phẩm này trước đây được dùng rất khiêm tốn nhưng hiện tại được săn lùng mạnh.

Mặt khác, thời gian sử dụng các phương tiện truyền thông như Internet, TV dần tăng. 49% dành nhiều thời gian hơn cho Internet và 45% xem TV nhiều hơn so với trước đây. Các tin tức về virus Corona cũng ảnh hưởng đến thói quen mua sắm trực tuyến. Một số siêu thị đã nhanh chóng đẩy mạnh hợp tác với các trang bán hàng online như Tiki, Shopee, Lazada... và hỗ trợ người tiêu dùng bằng các hình thức khuyến mãi từ 20 - 25% trong suốt tháng 2 kéo dài đến tháng 3.

Đặc biệt, dịch vụ giao thức ăn tại nhà được sử dụng nhiều hơn với 28% người cho biết họ dùng dịch vụ này thường xuyên hơn so với trước đây.

Theo Thanh Vân/Đô Thị Mới