Ngày 17/7/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành thực hiện quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với 02 bị can: là Tạ Bá Long sinh ngày 20/4/1955 tại Yên Mô, Ninh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Dầu Khí Toàn Cầu và Đoàn Văn An sinh ngày 10/12/1958 tại Nam Sách, Hải Dương, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu.
Hai người này bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, ngày 26/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành một số quyết định đình chỉ quyền và nghĩa vụ đối với một số chức danh HĐQT của GPBank. Đồng thời, để đảm bảo hoạt động của GPBank tiếp tục diễn ra bình thường, NHNN đã Quyết định chỉ định bà Trần Thị Lệ Nga là người đại diện (bao gồm người đại diện theo pháp luật) của GPBank kể từ ngày 8/4/2015.
Năm 2012, qua thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát hiện Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank) bộc lộ nhiều yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro, kết quả kinh doanh thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu và quản trị, điều hành ngân hàng kém hiệu quả.
Trong hơn 3 năm qua, NHNN đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để GP.Bank tìm kiếm đối tác, bao gồm cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, xây dựng phương án tái cơ cấu khả thi để trình NHNN xem xét, chấp thuận phù hợp với quy định của pháp luật và Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD theo Đề án 254.
Tuy nhiên, GP.Bank không đề xuất được phương án tái cơ cấu khả thi trong khi ngân hàng tiếp tục bộc lộ nhiều yếu kém, kinh doanh thua lỗ.
Để kiểm soát rủi ro, giảm thiểu tổn thất tài sản của ngân hàng và bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, bảo vệ tiền gửi của nhân dân,NHNN quyết định đặt GP.Bank vào tình trạng kiểm soát đặc biệt theo quy định của pháp luật, đồng thời yêu cầu GP.Bank thuê tổ chức độc lập thực hiện kiểm toán và định giá tài sản để xác định giá trị thực của vốn điều lệ.
Căn cứ kết quả kiểm toán và định giá độc lập, NHNN đã yêu cầu GP.Bank tổ chức ĐHCĐ bất thường để thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ, đảm bảo giá trị thực của vốn điều lệ không thấp hơn vốn pháp định.
Tuy nhiên 3 lần tổ chức ĐHCĐ bất thường của GP.Bank đã không thành công, ngân hàng cũng không đề xuất được các giải pháp khả thi về tăng vốn điều lệ đảm bảo giá trị thực của vốn không thấp hơn vốn pháp định (3.000 tỷ đồng – PV) theo yêu cầu của NHNN.
Ngày 7/7/2015, NHNN cho biết, căn cứ quy định của Luật TCTD và quyết định 48/2013/QĐ-TTg ngày 1/8/2013 của Thủ tướng về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của TCTD được kiểm soát đặc biệt và chỉ đạo của Thủ tướng, NHNN đã ban hành Quyết định 1304/QĐ-NHNN ngày 7/7/2015 mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của cổ đông hiện hữu tại GP.Bank với giá 0 đồng/cổ phần.
NHNN cho biết thêm, việc NHNN trực tiếp mua lại toàn bộ cổ phần của GP.Bank nhằm giúp NHNN chủ động trong việc tiếp tục tái cơ cấu GP.Bank, đảm bảo mục tiêu bảo đảm sự an toàn, ổn định hệ thống các TCTD, đồng thời góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Sau quyết định này, NHNN trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của GP.Bank, chấm dứt toàn bộ quyền , lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông hiện hữu của GP.Bank.
Để đảm bảo ổn định công tác quản trị, điều hành, NHNN chỉ định VietinBank tham gia quản trị, điều hành GP.Bank, đồng thời kiện toàn HĐQT, Ban điều hành và BKS của GP.Bank.
NHNN khẳng định, toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại GP.Bank sẽ được đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Như vậy, GP.Bank trở thành ngân hàng thứ 3 sau OceanBank và VNCB bị mua lại bắt buộc giá 0 đồng. Cả ba trường hợp mua lại, Ngân hàng Nhà nước đều chỉ định một ngân hàng quốc doanh tham gia quản trị, điều hành. Trong đó, Vietinbank đến nay đã nhận hỗ trợ hai ngân hàng là OceanBank và GPBank, cònVietcombank lo công việc tại VNCB./.