Ngày 13/11, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở đã có công văn gửi hiệu trưởng các trường THPT cảnh báo những thông tin sai lệch về du học Nhật Bản. Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội nhận được công văn J.F.1218 đề ngày 1/11/2018 của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam về việc cung cấp thông tin cho học sinh phổ thông, để tránh bị các công ty du học đưa thông tin không chính xác.
Theo đó, Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Nhật Bản đã cung cấp địa chỉ trang web chính thức, có các thông tin đúng và cập nhật về du học Nhật Bản. Đó là, trang web của Đại sứ quán Nhật Bản (thông tin du học Nhật Bản). Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cũng lưu ý về các công ty trung gian môi giới.
Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường cung cấp thông tin các trang web chính thức của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đến cha mẹ học sinh và học sinh toàn trường để tránh tình trạng lừa đảo, cung cấp thông tin không chính xác của các công ty du học.
Các trường cần tìm hiểu kỹ các thông tin trước khi giao lưu, liên kết với các công ty du học. Đồng thời các trường phải có công văn báo cáo Sở mọi hoạt động liên kết với nước ngoài của trường. Hiệu trưởng nhà trường chịu hoàn toàn trách nhiệm với các hoạt động giao lưu, hợp tác của trường.
Du học sinh Việt Nam làm thêm cực nhọc nhưng mức lương không cao như lời "quảng cáo".
Trong thông cáo của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam có nêu rõ thông điệp “Gửi các bạn trẻ đang dự định đi du học hoặc thực tập kỹ năng tại Nhật Bản”, trong đó nhấn mạnh: "Các bạn hãy cẩn thận với các đối tượng môi giới, cò mồi dụ dỗ các bạn về việc họ có thể giúp cho các bạn đi Nhật và thu tiền môi giới từ vài trăm đến 1.000, 2.000 đô la Mỹ để giới thiệu các bạn với công ty tư vấn du học hoặc công ty xuất khẩu lao động. Nếu các bạn nghe theo lời dụ dỗ của họ, các bạn sẽ lãng phí khoản tiền lớn mà đúng ra không cần phải trả".
Đối với du học, ĐSQ Nhật Bản tại Việt Nam cảnh báo, trong những năm gần đây một bộ phận các công ty tư vấn du học đã đăng tải những thông tin sai lệch trên website (Phần thông tin tuyển sinh du học Nhật Bản) như sau: ”Vừa học vừa làm thêm 1 tháng cũng kiếm được 300 nghìn Yên (khoảng 60 triệu đồng)”, không thể kiếm được như vậy. Mức lương thông thường cho 1 giờ làm việc tại Nhật Bản chỉ là 800 Yên (khoảng 7 USD).
Ngoài ra, các thông tin: ”Trong thời gian lưu học, thu nhập từ việc làm thêm không những có thể chi trả toàn bộ các chi phí học tập và sinh hoạt mà còn có thể gửi về gia đình”. ĐSQ Nhật Bản cho rằng, điều này là không thể. Trong Bản ghi nhớ hợp tác ký giữa Việt Nam và Nhật Bản về chương trình thực tập kỹ năng có quy định rõ môi giới trung gian không được can thiệp. Do vậy, các bạn đừng tìm đến “cò mồi” mà hãy liên hệ trực tiếp với các công ty xuất khẩu lao động hoặc công ty tư vấn du học.
Còn đối với thực tập sinh, theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH (Việt Nam), mức phí dịch vụ thu từ thực tập sinh kỹ năng được quy định như sau: Trường hợp Hợp đồng 3 năm là từ 3.600 USD trở xuống, trường hợp Hợp đồng 1 năm là từ 1.200 USD trở xuống. Bên cạnh đó, Luật pháp Nhật Bản nghiêm cấm việc thu tiền ký quỹ.
Cũng theo ĐSQ Nhật Bản tại Việt Nam, cần lưu ý để không phải trả những khoản tiền không cần thiết. Ngoài ra, khi đóng tiền cho công ty thì phải yêu cầu công ty đưa giấy biên nhận. Nếu không có giấy biên nhận thì bạn cũng không thể chứng minh được mình đã nộp tiền hay chưa. Hơn nữa, không có chuyện phí cao thì mới yên tâm được. Khoản phí thu cao hơn quy định là phạm luật.
Thời gian qua, đã có nhiều trường hợp học sinh, sinh viên bị mất tiền “oan” cho các dịch vụ môi giới du học, hoặc bị lừa đảo tiền đóng. Chỉ vì ham muốn vừa có bằng đại học, nhưng làm thêm lương có thể bỏ ra hàng chục triệu đồng gửi về nước như lời tư vấn, kêu gọi du học của một số môi giới, trung tâm mà rất nhiều du học sinh căng mình làm thêm, bị đuổi học và về nước vì vi phạm quy định làm thêm…
Quang Anh