Giấc mơ “khỏe - đẹp” khiến nhiều người tiêu tốn không ít tiền và thời gian cho việc tập luyện nâng cao sức khỏe, tạo hình thể, vóc dáng đẹp; đàn ông đầy cơ bắp, có 6 múi; phụ nữ eo thon, mông nở, đùi săn...

Ác nỗi, đa phần người tập Gym không có đủ kiên nhẫn hoặc vì điều kiện, hoàn cảnh mà không biến giấc mơ thành hiện thực, dù đã bỏ ra một đống tiền mua dịch vụ từ ngày đầu. Chính vì thế, việc kinh doanh dịch vụ Gym được gọi là “kiếm tiền trên những giấc mơ dang dở”, nói cách khác, đó là dụ khách đóng tiền đăng ký thời gian dài, rồi hy vọng họ sớm bỏ cuộc.

Tại các phòng tập Gym đã và đang có hiện tượng “giá sập sàn”. Chi phí tập Gym ngày càng rẻ, vừa túi tiền của đại đa số người tập. Có những phòng Gym đặt mức giá rẻ khủng khiếp, chỉ từ 200.000 đồng/người/tháng để cạnh tranh và thu hút càng nhiều người đăng ký càng tốt. Tại nhiều trung tâm tập Gym, Yoga danh tiếng, mức giá tập 1 năm, 5 năm rất rẻ, nếu người tập chăm chỉ khoảng 300 ngày/năm, chia ra trung bình mỗi ngày chỉ mất chưa tới 20.000 đồng, vừa được tập một cách bài bản, có huấn luyện viên chuyên nghiệp hướng dẫn, vừa được được sử dụng nhiều loại máy tập, được tắm gội nước nóng thoải mái, thậm chí có thể kèm thêm 1 người thân đi cùng...

Ảnh minh họa

Câu hỏi đặt ra: Các phòng tập Gym sống bằng cách nào?

Thực tế, có một công thức với phòng tập Gym: 18/82. Có tới 82% người đăng ký bỏ tập giữa chừng, chỉ có 18% người tập “xài hết ga” những dịch vụ mà họ đã trả tiền, kiên trì theo đuổi tập luyện đến cùng. Số học phí của 82% người bỏ cuộc sẽ bù đắp chi phí hoạt động và sử dụng thiết bị của 18% người chăm chỉ. Một phòng Gym thường xuyên chỉ phục vụ số ít người tập dù số người đăng ký cao gấp nhiều lần năng lực cung cấp dịch vụ.

Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới cũng vậy. Theo một nghiên cứu gần đây, Planet Fitness - chuỗi Gym lớn nhất nước Mỹ - có số lượng thành viên lên tới 6.500 người mỗi địa điểm tập. Nhưng trên thực tế, cơ sở vật chất mỗi chỗ chỉ đủ phục vụ hơn 300 người cùng một lúc và số người tập thường xuyên chưa tới con số 300. Điều đó cho thấy số người bỏ cuộc vô cùng lớn.

Một câu hỏi nữa đặt ra: Nếu tất cả người tập đều chăm chỉ, mỗi tuần tập 6 - 7 buổi, khoảng 300 buổi/năm, các phòng Gym còn sống khỏe hay sẽ chết yểu?

Hãy xem câu trả lời bằng một ví dụ thực tế.

Lifestyle WeFit của Việt Nam (ra đời năm 2016) kinh doanh dựa trên việc sử dụng các tài nguyên dư thừa của đối tác, những phòng tập cung cấp dịch vụ tập luyện. WeFit thu tiền của người tập theo thời gian 1 tháng, 3 tháng, 18 tháng... và chia sẻ lại với phòng tập mỗi khi có khách đi tập (trả theo lượt tập). WeFit có cách thức hoạt động tương tự ClassPass tại New York, Mỹ - mô cung cấp “bữa buffet không giới hạn” cho tất cả người dùng và trả tiền cho đối tác phòng tập theo lượt người tập.

ClassPass (thực chất là doanh nghiệp trung gian) thu của người tập 79 USD/tháng. ClassPass trả cho phòng tập 30 USD/tháng nếu người dùng tập 1 lần/tuần; nếu người dùng tập 2 lần/tuần, trả phòng tập 60 USD/tháng, lãi 19 USD/tháng; nếu người dùng tập 3 lần/tuần, phải bù lỗ để trả phòng tập 90 USD/tháng; nếu người dùng chăm chỉ với tần suất tập luyện 3 - 4 lần/tuần, đây sẽ là một vấn đề cực lớn trong cân đối dòng tiền bởi trung gian phải bù một khoản không nhỏ để chi trả cho phòng tập; còn nếu người tập đi đủ 30 ngày/tháng, đây sẽ là thảm họa, bởi trung gian phải trả 225 USD cho phòng tập, thu 79 USD những phải móc túi thêm 146 USD trả phòng tập trong tháng đó (chưa tính các chi phí khác như tiền thuê văn phòng, lương nhân viên...).

Việc gì đến sẽ đến, hệ lụy của công thức 18/82 đã hiện hữu, một cơn bão xoáy qua WeFit. Các đối tác phòng tập lần lượt công bố “tiền nợ, tình tan” với WeFit. Hàng trăm khách hàng phàn nàn về dịch vụ hoặc giận dữ vì chính sách chuyển từ tập không giới hạn sang tập đổi điểm (tập buổi nào tính tiền buổi ấy)... WeFit đứng ở một khúc cua hiểm nguy, không phải vì cái con Covid-19 ác nghiệt mà vì sai lầm của bản thân.

Gần đây, CEO WeFit đã gửi tâm thư xin lỗi khách hàng, thừa nhận: “Nhiều khoản chi phí đến từ việc chúng tôi không kiểm soát được những lỗ hổng của mô hình tập luyện không giới hạn như: booking ảo, nhiều người dùng chung 1 tài khoản, có những tài khoản tập đến hơn 100 lần/tháng, đỉnh điểm là 202 lần/tháng...”.

Có lẽ không cần những câu trả lời khác. Còn với người tập Gym, hãy nhanh chóng “tỉnh giấc mơ”, muốn khỏe - đẹp trước hết phải tự chủ, thực dụng! 

Theo Phương Minh/Đô Thị Mới