Kinh tế tăng trưởng thuộc top đầu cả nước

Sở hữu vị trí giáp ranh TP.HCM, đồng thời là "thủ phủ" công nghiệp của cả nước, Bình Dương đã đạt được những thành tựu đáng tự hào trong phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, Bình Dương là một trong những địa phương dẫn đầu về thu hút nguồn vốn FDI, đồng thời cũng là địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất của cả nước (82%) với 3 thành phố (TP. Dĩ An, TP. Thuận An, TP. Thủ Dầu Một) và 2 thị xã (Bến Cát, Tân Uyên).

Năm 2022, mặc dù phải đối diện với nhiều thách thức sau đại dịch, nhưng kinh tế Bình Dương vẫn đạt được bước tăng trưởng vượt bậc, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 8,29%; GRDP bình quân đầu người đạt kế hoạch (169,8 triệu đồng); cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỷ trọng tương ứng là 67,63% - 22,23% - 2,69% - 7,45% (đạt kế hoạch). Đặc biệt, thu hút nguồn vốn FDI của Bình Dương đứng thứ 2 cả nước. Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 11 tháng năm 2022, tỉnh đã thu hút 3,078 tỷ USD. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.082 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn 39,7 tỷ USD.

Về hạ tầng, nhiều dự án phát triển kết cấu hạ tầng Bình Dương đã được khởi động và gấp rút thi công như: Khu công nghiệp VSIP III, nhà ở xã hội, cầu Bạch Đằng 2, mở rộng Quốc lộ 13; đồng thời khẩn trương triển khai thủ tục đầu tư các dự án giao thông nội tỉnh, liên vùng…

Tính chung năm 2022, kinh tế - xã hội của tỉnh đã phục hồi và đạt nhiều kết quả khả quan trên các lĩnh vực, đạt và vượt 30/34 chỉ tiêu kế hoạch năm 2022. Dự báo năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có những khó khăn thách thức. Do đó, UBND tỉnh Bình Dương cho biết sẽ tập trung vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Tỉnh cũng chú trọng đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên nguồn lực thích hợp cho các lĩnh vực như giao thông, chỉnh trang đô thị, cấp thoát nước công cộng, giáo dục, y tế. Dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 157.482 tỷ đồng, bằng 31% GRDP của tỉnh năm 2023.

Đẩy nhanh tốc độ xây dựng nhà ở xã hội
Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp, việc xây dựng dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp là rất quan trọng và luôn được tỉnh quan tâm. Quan điểm chung, xuyên suốt về định hướng phát triển nhà ở của Bình Dương là thực hiện chính sách xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho đối tượng chính sách, công nhân và người lao động có thu nhập thấp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Võ Hoàng Ngân - Giám đốc Sở Xây dựng, từ năm 2011 - 2020, Bình Dương đã phát triển các loại hình nhà ở, hiện có 40 dự án nhà ở xã hội hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ngoài ra, doanh nghiệp sử dụng lao động xây nhà cho công nhân ở, nhà trọ người dân tự xây cho thuê với tổng diện tích trên 1,7 triệu m2 sàn với trên 600.000 phòng trọ cho thuê đã góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho trên 1.481.000 người lao động.

Với dự báo mỗi năm Bình Dương cần thêm hàng chục ngàn lao động để bảo đảm phát triển các ngành công nghiệp, tăng trưởng kinh tế, mục tiêu của tỉnh đặt ra trong giai đoạn 2021 - 2025 là phấn đấu phát triển thêm 1 triệu căn nhằm giải quyết chỗ ở cho công nhân, người thu nhập thấp trên địa bàn. Tỉnh cũng đặt mục tiêu tiếp tục phát triển nhà ở xã hội phục vụ nhu cầu chỗ ở cho công nhân, người lao động, người thu nhập thấp tại đô thị, nhà xã hội khác và một phần nhu cầu nhà ở tái định cư…

Để thực hiện mục tiêu này, Bình Dương đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng và các cơ quan Trung ương nhiều vấn đề quan trọng về chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Cụ thể, xem xét, tạo điều kiện cho Bình Dương vay vốn từ nguồn ngân sách Trung ương để đầu tư xây dựng số lượng lớn nhà ở công nhân, nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị có nhu cầu đã được xác định trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, bổ sung cơ chế Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong phạm vi dự án nhà ở xã hội.

Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, Bình Dương đề xuất được hỗ trợ toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội. Song song đó là được đơn giản hóa thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tạo mọi điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư nhanh chóng triển khai dự án và đưa vào sử dụng.

Đối với việc bố trí quỹ đất nhà ở xã hội, Bình Dương cũng đề xuất được thay đổi vị trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án phát triển nhà ở và đô thị đối với trường hợp có sự thay đổi quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của địa phương, hoặc tại các dự án có phân khúc đầu tư không phù hợp với yêu cầu bố trí nhà ở trong khu vực dự án, để bố trí tập trung ở các địa điểm khác có điều kiện bố trí đồng bộ và kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thuận tiện hơn.

Đa dạng hóa loại hình nhà ở, đáp ứng đúng nguồn cầu

Là tỉnh công nghiệp, có tốc độ phát triển kinh tế thuộc top của khu vực và cả nước, hiện Bình Dương được xem là "miền đất đáng sống" của hơn 2,6 triệu người. Trong đó, có khoảng hơn 1,2 triệu công nhân lao động ngoại tỉnh luôn có nhu cầu sở hữu nhà ở để yên tâm an cư lập nghiệp.

Tỉnh Bình Dương đã xây dựng đề án an sinh - xã hội gắn liền các chương trình quy hoạch, xây dựng nhà ở xã hội phục vụ các nhóm đối tượng lao động thu nhập thấp, phấn đấu từ nay đến năm 2030 hoàn thành các mục tiêu về nhà ở cho người dân, công nhân lao động.

Song song đó, tỉnh kết hợp sử dụng nhiều hình thức kêu gọi đầu tư để đảm bảo nhu cầu về nhà ở và giãn dân, giảm tải áp lực lên hệ thống hạ tầng cho khu vực trung tâm hiện hữu, đặc biệt là khu trung tâm của TP. Thủ Dầu Một, TP. Thuận An, TP. Dĩ An.

Về giải pháp, đối với nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, các địa phương có khu công nghiệp phải đảm bảo các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa. Điều này nhằm tạo môi trường thuận lợi huy động, khuyến khích các doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia đầu tư nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp thông qua các chính sách ưu đãi về đất đai, quy hoạch, thuế, tài chính - tín dụng.

Đối với nhà ở cho người có thu nhập thấp khu vực đô thị, Bình Dương tập trung huy động nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, vốn vay, vốn huy động khác để thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhà ở xã hội. Ngoài ra, Nhà nước hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng, thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất... để thực hiện các dự án nhà ở xã hội tại khu vực đô thị.

Về định hướng phát triển nhà ở thương mại, UBND tỉnh Bình Dương cho biết sẽ tập trung chủ yếu theo dự án, đa dạng các loại hình nhà ở, bao gồm nhà chung cư, nhà ở liên kế, biệt thự. Tỉnh khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp để phù hợp với thu nhập của một bộ phận người dân; đầu tư trực tiếp thông qua huy động các nguồn từ doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội, nguồn vốn vay và nguồn ngân sách địa phương.

Cơ hội cho bất động sản Bình Dương tăng tốc

Với những điểm sáng về kinh tế - xã hội và các mục tiêu mà tỉnh Bình Dương đề ra, thị trường bất động sản có nhiều cơ hội để bứt phá trong năm 2023. Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030, tỉnh Bình Dương tập trung các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường giao thông trọng điểm như: Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 TP.HCM, cao tốc TP.HCM  - Thủ Dầu Một - Chơn Thành…

Tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở ngành, địa phương chủ động xây dựng "Phương án khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu từ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030". Mục tiêu là để địa phương chủ động đưa các khu đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất (đối với quỹ đất đã được giải phóng mặt bằng) và đấu thầu dự án có sử dụng đất (đối với quỹ đất chưa giải phóng mặt bằng), nhằm mục đích tăng nguồn thu từ quỹ đất để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, qua rà soát và phối hợp với các sở ngành, địa phương, đến nay Sở đã tham mưu, báo cáo UBND tỉnh về dự thảo phương án khai thác quỹ đất gồm 36 khu với diện tích 17.925ha. Trong đó, có 7 khu đất sạch với tổng diện tích 274ha do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý, xin chủ trương đấu giá quyền sử dụng đất trong giai đoạn 2022 - 2024; 29 khu vực phát triển đô thị (kết hợp điểm TOD) với tổng diện tích 17.651ha quy hoạch gắn liền với các tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 TP.HCM và cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đề xuất thực hiện theo hình thức đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất trong giai đoạn sau năm 2025 - 2030.
Trong năm 2022, tỉnh Bình Dương đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện; triển khai lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) cấp tỉnh; tiếp tục hoàn thiện phương án tạo nguồn thu từ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư các công trình trọng điểm; tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định trong lĩnh vực đất đai.

Về quy hoạch và phát triển đô thị, Bình Dương đã hoàn thành công tác chọn đơn vị tư vấn thực hiện quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh cũng thông qua phương án phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch chung của các thị xã, thành phố, quy hoạch vùng của cấp huyện để tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Song song đó, tỉnh cũng hoàn thiện kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh năm 2022, chương trình phát triển nhà ở 2021 - 2030; Đề án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; triển khai khắc phục, chỉnh trang các khu, điểm nhà ở tự phát, xử lý các điểm ngập úng đô thị.

Tỉnh cũng tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm: Mở rộng Quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn, các dự án giao thông kết nối vùng, đặc biệt là dự án liên quan tới TP.HCM và Đồng Nai...

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 tỉnh Bình Dương hướng tới là tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm ổn định các cân đối lớn và kiểm soát lạm phát; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế; cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế; phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội…/.

Theo Reatimes.vn

Nguồn: https://reatimes.vn/-binh-duong-con-nhieu-du-dia-but-pha-trong-nam-2023-20201224000017186.html