Những dấu mốc quan trọng trong thay đổi nhận thức
Một chặng đường phát triển của doanh nghiệp tư nhân là con đường đầy gập ghềnh và nhiều sóng gió tại Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, theo báo cáo mới đây nhất, kinh tế tư nhân đang sử dụng 83,6% tổng số lao động và đóng góp 37,99% GDP so với 28,63% của khu vực kinh tế nhà nước. Những con số đã và đang thể hiện vai trò ngày càng lớn của kinh tế tư nhân khi trở thành động lực phát triển của nền kinh tế. Con số đó cũng khẳng định tiềm năng và mức độ đóng góp sẽ còn tiếp tục gia tăng trong tương lai nếu như khu vực kinh tế tư nhân có bệ đỡ phát triển vững chắc.
Còn nhớ, hơn 30 năm trước, trong giai đoạn kinh tế kế hoạch hóa tập trung, khu vực kinh tế tư nhân không nằm trong định hướng, phát triển của nền kinh tế. Thế nhưng, không thể phủ nhận được rằng, trong giai đoạn đất nước còn chiến tranh và ở giai đoạn hệ lụy của chiến tranh để lại, doanh nghiệp tư nhân vẫn tồn tại, lấp đầy vào những khoảng trống mà khu vực nhà nước còn bỏ ngỏ. Báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 1975, khi đất nước thống nhất, khu vực tư nhân và sản xuất tiểu thủ công nghiệp vẫn chiếm 8,3% tổng sản phẩm quốc nội của miền Bắc.
Suốt một chặng đường dài, các doanh nghiệp tư nhân phải tự mình xoay sở trong điều kiện khó khăn, nhất là khi chưa phải là một thành phần kinh tế được thừa nhận ở Việt Nam.
Đến năm 1986, Đại hội Đảng lần thứ VI với chính sách “Đổi mới” là một dấu mốc vô cùng quan trọng cho sự phát triển của khu vực tư nhân. Theo đó, khu vực kinh tế tư nhân chính thức được công nhận là bộ phận cấu thành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và của nền kinh tế nhiều thành phần. Thay đổi trong nhận thức của Đảng đã tạo một bước ngoặt lớn cho khu vực kinh tế tư nhân, soi rõ và chỉ dẫn con đường mới cho thành phần kinh tế nhiều tiềm năng này.
2 năm sau đổi mới, trong Nghị quyết 16 của Bộ Chính Trị, Khóa VI (1988) và trong Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã khẳng định, khu vực tư nhân có thể phát triển không bị giới hạn về vị trí địa lý, quy mô và trong tất cả các lĩnh vực mà pháp luật không cấm.
Năm 2002, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương V, Khóa IX tái khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là một phần không thể thiếu của nền kinh tế quốc dân, và phát triển khu vực tư nhân là một vấn đề chiến lược trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Và khu vực kinh tế tư nhân được chính thức công nhận là một thành phần của nền kinh tế và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế tại Đại hội Đảng X (4/2006). Quan điểm này một lần nữa được khẳng định tại Đại hội Đảng XI (1/2011) rằng “khu vực tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế”.
Một hành trình thay đổi quan điểm nhận thức của Đảng cũng là một chặng đường đổi thay nhanh chóng của khu vực kinh tế tư nhân. Với việc nhấn mạnh khu vực tư nhân là “động lực quan trọng” của nền kinh tế, chủ trương của Đảng đã tháo gỡ mọi vướng mắc trong nhận thức, mở đường cho thành phần kinh tế này được trở mình “lột xác” và phát triển.
Đặc biệt, năm 2017, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương TW5 Khóa XII, đã ban hành Nghị quyết 10 riêng về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết đưa ra với mục tiêu phát triển kinh tế trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đưa kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng trong tổng sản phẩm nội địa. Chủ trương của Đảng thể hiện rõ rằng, cần phải khuyến khích phát triển và hình thành công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân quy mô lớn.
Muốn xây dựng CNXH thành công dứt khoát phải phát triển kinh tế tư nhân
Hơn 30 năm đổi mới, từ “đứa con vô thừa nhận”, kinh tế tư nhân đã trở thành một trong những mũi nhọn mà Đảng đặc biệt quan tâm. Với việc ban hành Nghị quyết 10 riêng về phát triển kinh tế tư nhân, khu vực kinh tế này được kỳ vọng sẽ tạo ra sự đổi thay cho bộ mặt đất nướcnhờbệ đỡ chắc chắn. Bởi lúc này, chủ trương đúng đắn của Đảng đã tháo gỡ hoàn toàn những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp tư nhân.
Thực tế trước đó, với đường lối xây dựng CNXH, kinh tế tư nhân đã “vô tình” trở thành lĩnh vực kinh tế không được thừa nhận. Tuy nhiên, với việc nhận thức kinh tế tư nhân là sản phẩm của văn minh nhân loại, có thể tồn tại và thích ứng với nhiều hình thái xã hội khác nhau, Đảng đã chủ trương phát triển kinh tế tư nhân gắn liền với định hướng XHCN.
Nếu xác định xây dựng nền tảng kinh tế thị trường thì buộc phải khẳng định kinh tế tư nhân giữ vai trò là chủ thể quan trọng. Tất yếu quy mô cũng như các loại mô hình của kinh tế tư nhân là đa dạng. Song nếu thiếu đi sự tồn tại và phát triển của kinh tế tư nhân thì dĩ nhiên nền kinh tế thị trường sẽ phát triển méo mó, không vận hành đúng như bản chất vốn có của nó.
Cần phải hiểu rằng, kinh tế thị trường vẫn là một cơ chế huy động, phân bổ nguồn lực, tạo ra những nhân tố thức đẩy sự phát triển và sáng tạo. Dù còn nhiều khiếm khuyết nhưng đây vẫn là cơ chế tốt. Và hoạt động của khu vực tư nhân là hình ảnh thể hiện rõ rệt sự phát triển của cơ chế thị trường. Điều đó đồng nghĩa nếu không phát triển kinh tế tư nhân thì cơ chế kinh tế thị trường sẽ không phát huy hết những ưu điểm sẵn có.
Khi đưa kinh tế tư nhân trở thành một động lực của nền kinh tế, đã không ít hoài nghi cho rằng, chủ trương này sẽ đang ngáng định hướng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, trong các Nghị quyết, Đảng luôn nêu rõ, phát triển kinh tế tư nhân theo định hướng XHCN.
Cũng phải khẳng định rằng, một quốc gia dựa trên nền tảng thị trường để phát triển kinh tế có thể chưa chắc nhanh chóng thành công, song một quốc gia không có nền kinh tế tư nhân đầy đủ, hiện đại chắc chắn sẽ không thể phát triển trong dài hạn. Tự thân kinh tế tư nhân không mang lại CNXH, nhưng muốn xây dựng CNXH thành công dứt khoát phải phát triển kinh tế tư nhân.
Nguồn: https://cdn.reatimes.vn/mediav2/media_old/kinh-te-tu-nhan-mot-chang-duong-cua-su-doi-thay-36629.html