Theo nghiên cứu, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề “xanh” và “sạch”, khách hàng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch”.
Cụ thể, có tới 80% người tiêu dùng lo ngại tác hại lâu dài của các nguyên liệu nhân tạo và 79% sẵn sàng trả thêm tiền để mua các sản phẩm không chứa các nguyên liệu mà họ không mong muốn. Do vậy, DN muốn phát triển bền vững, tạo nên thương hiệu có tính toàn cầu thì con đường duy nhất là sản xuất xanh, bảo vệ môi trường, có trách nhiệm cao với người lao động và xã hội.
Kinh tế xanh là nền kinh tế ít phát thải carbon, tiết kiệm tài nguyên, tạo ra việc làm và công bằng xã hội. Trong nền kinh tế xanh, sự tăng trưởng kinh tế, cơ hội việc làm, giảm thiểu đói nghèo đều được điều tiết bởi sự đầu tư có mục tiêu vào môi trường - xã hội. Kinh tế xanh không chỉ có ý nghĩa về kinh tế bền vững mà còn đề cao việc gìn giữ bản sắc văn hóa, phát triển dựa trên nguồn lực địa phương, mang hạnh phúc, công bằng đến cho mọi người.
Những sản phẩm xanh- vì môi trường luôn thu hút người dùng. |
Số liệu thống kê cho thấy, 65% phụ nữ kiểm soát chi phí hộ gia đình trong tổng chi tiêu toàn cầu (khoảng 40 ngàn tỷ USD). Đứng từ góc độ người tiêu dùng hay người làm ra sản phẩm, phụ nữ cũng đóng góp một vai trò quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế xanh, nền kinh tế của tương lai. Mặc dù tỷ lệ DN do phụ nữ làm chủ của Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực (27%) nhưng lại tập trung chủ yếu là DN nhỏ và vừa, 94% nữ doanh nhân đang vận hành DN đầu tiên của họ. Tuy nhiên, DN nữ còn nhiều khó khăn trong tiếp cận tài chính, đất đai, công nghệ và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.
Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp năm 2017- 2025 được Chính phủ phê duyệt nhằm khích lệ, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong các tầng lớp phụ nữ, đồng thời kết nối hỗ trợ giúp phụ nữ hiện thực hóa ước mơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức trên con đường khởi nghiệp, phát triển kinh doanh. Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, chú trọng đến nữ làm chủ DN đang là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Hội LHPN Việt Nam. Những hoạt động đồng hành, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Hội LHPN Việt Nam thời gian qua đã góp phần không nhỏ giúp chị em nâng cao quyền năng kinh tế, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.
Nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra chỉ tiêu trong giai đoạn tới, sản phẩm ngành công nghệ cao, công nghệ xanh trong GDP là 42% - 45%; tỷ lệ các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường 80%, áp dụng công nghệ sạch hơn 50%, đầu tư phát triển ngành hỗ trợ bảo vệ môi trường và làm giàu vốn tự nhiên phấn đấu đạt 3% - 4% GDP. Để thực hiện các chỉ tiêu này, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, bao gồm các giải pháp sản xuất sạch hơn và sử dụng các nguồn năng lượng sạch; phát triển công nghệ ít chất thải; các sản phẩm thân thiện với môi trường; ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số trong quản lý tài nguyên và môi trường.